Wednesday, October 9, 2013

Không thể nhìn từ một phía

Mặt trăng và Mặt Trời tranh cãi với nhau về Trái Đất. Mặt Trời nói: "Lá và cây cối, tất cả đều màu xanh". Nhưng Mặt Trăng thì lại cho rằng, tất cả chúng mang một ánh bạc lấp lánh. Mặt Trăng nói rằng, con người trên Trái Đất thường ngủ. Còn Mặt Trời lại bảo con người luôn hoạt động đấy chứ.
 
Không thể nhìn từ một phía.
Không thể nhìn từ một phía
 
- Con người hoạt động, vậy tại sao trên Trái Đất lại yên ắng đến vậy ?- Mặt Trăng cãi.
 
- Ai bảo là trên Trái Đất yên lặng? - Mặt Trời ngạc nhiên - Trên Trái Đất mọi thứ đều hoạt động, và còn rất ồn ào, náo nhiệt nữa.
 
Và họ cãi nhau rất lâu, cho đến khi Gió bay ngang qua.
 
- Tại sao các bạn lại cãi nhau về chuyện này chứ? Tôi đã ở bên cạnh Mặt Trời khi Mặt Trời nhìn xuống Trái Đất, và tôi cũng đi cùng Mặt Trăng khi Mặt Trăng xuất hiện. Khi Mặt Trời xuất hiện, mọi thứ là ban ngày, cây cối màu xanh, con người hoạt đông. Còn khi Trăng lên, đêm về, mọi người chìm vào giấc ngủ.
 
Nếu chỉ nhìn mọi việc dưới con mắt của mình, thì mọi thứ chẳng có gì là hoàn hảo, trọn vẹn cả. Không thể đánh giá Trái Đất chỉ bằng con mắt của Mặt Trời hoặc Mặt trăng được. 
 
Cũng vậy khi đánh giá một con người, một sự việc nào đó, không thể nhìn từ một phía được...
 
-- Cổ tích cho những hy vọng không thành... -- Xuân, hạ, thu và đông… Không thể nhìn từ một phía Mặt Trời, Gió, Mặt Trăng Tia nắng, gió, mặt trời, mặt trăng… Ngọn nến Hãy kiên nhẫn Nếu và thì Câu chuyện về hai chú ếch Cơ hội của sự chối từ 3 câu chuyện tình yêu ốc sên Cái chậu nứt

Lắng nghe hay là chờ một viên đá?

Đôi khi, bạn không có thời gian để lắng nghe cho đến khi có một “viên đá” ném vào mình. Bạn sẽ chọn điều gì: Lắng nghe hay là chờ một viên đá?
 
Một ông nhà giàu đang ngồi trong chiếc xe hơi đắt tiền chạy khá nhanh trên đường phố. Từ phía trước, ông nhìn thấy một đứa trẻ đang chạy ra từ giữa mấy chiếc xe đang đậu bên lề.
 
Lắng nghe hay là chờ một viên đá?
Lắng nghe hay là chờ một viên đá?
 
Ông giảm tốc độ nhưng khi xe chạy ngang chỗ ông đã nhìn thấy đứa trẻ thì chẳng có ai cả. Đột nhiên, ông nghe có tiếng đá ném vào cửa xe mình. Ông đạp ngay thắng, cho xe vòng trở lại chỗ viên đá được ném ra. Quả là có một đứa trẻ đang đứng giữa những chiếc xe đậu. Nhảy bổ ra khỏi xe, không kịp quan sát xung quanh, ông tóm lấy đứa trẻ, đè gí nó vào một chiếc xe gần đó và hét lên: “ Mày làm cái quỷ gì thế hả?”. Cơn nóng giận bốc ngược lên đỉnh đầu, ông tiếp: “ Chiếc xe này mới toanh, mày sẽ phải trả cả đống tiền vì cái viên đá của mày đấy”.
 
Làm ơn, thưa ông. Con xin lỗi. Con không biết làm cách gì khác hơn” – cậu bé van nài – “ Con ném viên đá là vì con đã từng vẫy ra hiệu nhưng không có một người nào dừng xe lại…”. Nước mắt lăn dài trên má cậu bé khi nó chỉ tay về phía vỉa hè. “ Nó là em con” – cậu bé nói – “ Chiếc xe lăn từ trên lề đường xuống, nó bị ngã ra khỏi xe lăn, nhưng con không thể nâng nó dậy nổi”. Vừa thổn thức, cậu bé vừa năn nỉ: “ Ông làm ơn giúp con đặt nó vào xe lăn. Nó đang bị đau, và nó quá nặng đối với con”.
 
Tiến lại chỗ đứa bé bị ngã, người đàn ông cố gắng nuốt trôi cái gì đó đang chẹn ngang cổ họng mình. Ông ta nâng đứa bé lên đặt vào chiếc xe lăn rồi rút khăn ra cố lau sạch các vết bẩn và kiểm tra mọi thứ cẩn thận một cách ngượng nghịu.
 
Chúng ta thường oán trách người khác không hiểu mình
Chúng ta thường oán trách người khác không hiểu mình...
 
Cám ơn rất nhiều, ông thật tốt bụng”. Đứa trẻ nói với ông cùng ánh nhìn biết ơn rồi đẩy em nó đi. Người đàn ông đứng nhìn mãi, sau cùng cũng chậm bước đi về phía xe của mình. Đoạn đường dường như quá dài.
 
Về sau, dù đã nhiều lần đưa xe đi sơn, sửa lại, nhưng ông vẫn giữ lại vết lõm ngày nào như một lời nhắc nhở bản thân suốt cả cuộc đời.
 
Đôi khi, bạn không có thời gian để lắng nghe cho đến khi có một “viên đá” ném vào mình. Bạn sẽ chọn điều gì: Lắng nghe hay là chờ một viên đá?!

Con lừa và bài học vượt lên chính mình

Một người nông dân nọ có một con lừa già. Một hôm, con lừa bị rơi xuống cái giếng khô cạn và đau đớn kêu la thảm thiết. Sau khi bình tĩnh đánh giá tình hình, vì thương cho con lừa, người nông dân đã quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa tội nghiệp. 
 
Lúc đầu, con lừa thêm phần kinh hoàng vì những gì người ta đang làm đối với nó. Nhưng khi từng tảng đất được hất xuống giếng liên tiếp theo nhau ập trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên: Cứ mỗi lần một tảng đất rơi đè lên vai, nó lại lắc mình cho đất rơi xuống và ngoi lên trên! Và nó đã làm như vậy, từng chút từng chút một, với một lời thầm tự nhủ và tự cổ vũ: “ Nào mình hãy hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên...”.
 
Con lừa và bài học vượt lên chính mình
 
Mặc cho sự đau đớn ê ẩm phải chịu sau mỗi tảng đất ập xuống, mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống mà nó phải gánh chịu, con lừa tiếp tục chiến đấu chống lại sự hoang mang, hoảng sợ, tiếp tục theo đúng phương châm “hất nó xuống và bước lên trên”. Và không bao lâu sau, cuối cùng dù bị bầm dập và kiệt sức, con lừa già đã vui mừng đắc thắng bước lên khỏi miệng giếng. Những gì như sẽ đè bẹp và chôn sống nó, trên thực tế đã cứu sống nó.Tất cả đều nhờ vào cái cách mà con lừa đã can đảm đối diện với nghịch cảnh của mình.
 
Nếu ta đối mặt với các vấn đề của mình một cách tích cực và quả cảm, khước từ sự hoảng loạn, sự cay đắng và sự tự thương hại, thì những nghịch cảnh tưởng chừng có thể chôn vùi chúng ta, lại sẽ tiềm ẩn trong chính nó những phần thưởng không ngờ tới. Hất nó xuống và bước lên trên, hãy can đảm bước từng chút một ra khỏi cái giếng mà chúng ta đang gặp phải.

Tôi sống không chỉ vì bản thân mình

Có một đứa trẻ ngay từ nhỏ được cha mẹ yêu thương và vô cùng chiều chuộng. Nó được làm tất cả những gì nó thích và có tất cả những nó muốn. Khi lớn lên, nó sống ích kỷ chỉ biết vơ về cho mình mà quên mất dành tình yêu thương cho những người xung quanh! Nó sống chỉ cho mình nó! Thế nên nó mãi cô đơn và không có ai bên cạnh…
 
Tôi sống không chỉ vì bản thân mình
 
 
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành đứa trẻ ích kỷ ấy nếu như chúng ta chỉ biết sống cho mình. Bạn sống vì mình không ai có thể bắt bạn phải sống vì người khác. Những người xung quanh bạn họ cũng có cuộc đời của họ và họ sẽ sống theo ý muốn của họ. Nhưng khi bạn còn có cả một gia đình phía sau. Bạn đừng nói rằng, cuộc đời ai người đó tự sống lấy. Bạn sẽ làm gì khi cha mẹ cần sự giúp đỡ, khi anh chị em của bạn cần người nâng đỡ?
 
Bạn sống còn có cả những người thân nữa, cũng như cha mẹ hi sinh tất cả để bạn được làm những điều bạn muốn. Cha mẹ sống không chỉ riêng cho mình mà còn cho cả bạn, anh chị em của bạn và gia đình nội ngoại hai bên. Họ cố gắng hết sức mình để tìm kiếm những điều tốt đẹp cho gia đình và người thân. Họ dạy cho bạn lối sống có trách nhiệm, biết chia sẻ với người khác và biết sống vì người khác.
 
Khi bạn sinh ra cha mẹ đặt vào bạn rất nhiều kỳ vọng. Họ sẽ dành tất cả những gì tốt nhất để bạn lớn lên và làm những điều bạn muốn. Nhưng khi lớn lên, bạn lại sống ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình. Bạn nghĩ cha mẹ có vui không? Nếu bạn cứ mãi chạy theo sở thích của mình và cha mẹ cứ phải là người đi giải quyết hậu quả bạn nghĩ mọi người sẽ nhìn nhận bạn là người ra sao? Tại sao bạn không nghĩ cho cha mẹ, sống vì cha mẹ và những người yêu thương bạn – thay vì thỏa mãn một sở thích kỳ quái nào đó bạn hãy làm điều gì đó có ích cho mình và cho người khác? Cha mẹ liệu có sống bên bạn trọn đời để nâng bước cho bạn, để giải quyết hết mọi hậu quả do bạn gây ra? Hãy biết nghĩ cho những người xung quanh vì chúng ta sống không chỉ cho riêng mình.
 
Bạn có biết vì sao con người là một xã hội thống nhất không? Và không ai có thể tách ra khỏi đó mà sống như những người bình thường được. Bởi vì chúng ta có cái gọi là Nhân tính, tức là chúng ta biết sống vì nhau, sống cho nhau chứ không cô độc  như những loài động vật khác. Bạn thấy đấy, nếu bạn không biết sống vì những người khác bạn sẽ bị xua đuổi ra khỏi thế giới đó.
 
Nếu bạn mới bắt đầu cuộc sống sinh viên, bạn sẽ thấy rằng chúng ta cần tôn trọng những nguyên tắc chung như không được mở nhạc ầm ĩ khi quá 22h, không được vứt rác bừa bộn, phải thay nhau dọn dẹp vệ sinh. Nếu bạn không biết sống vì người khác bạn sẽ chẳng bao giờ được người khác tôn trọng.
 
Sống biết quan tâm đến người khác là cuộc sống chính vì bản thân bạn.

Có đôi khi

Có đôi khi thấy sốt ruột vì cứ phải đi trên một con đường dài tưởng chừng như vô tận với một tốc độ chậm rì…
 
Có đôi khi
Có đôi khi
 
Có đôi khi thấy lo lắng vì dường như mọi người vẫn đang tiến lên, còn mình thì đứng yên một chỗ…
 
Có đôi khi thấy chạnh lòng vô cùng chỉ vì một câu nói vô tình của ai đó…
 
Có đôi khi thấy trong lòng tràn đầy những xúc cảm, chỉ muốn hét ra cho nhẹ lòng…
Nhưng có đôi khi, thấy bản thân mình thật hèn nhát, không dám nói hết những gì mình đang nghĩ suy…
 
Có đôi khi thấy mình quá thẳng thắn và nóng tính…
 
Và đôi khi thấy ngạc nhiên khi nhìn lại những gì mình đã làm được…
 
Thấy lạ và cả hơi buồn nữa, vì có quá nhiều người hiểu sai về mình…
 
Đôi khi thấy vui, vui vì mình đã thay đổi khá nhiều…Thấy lo lắng cho bạn bè, vì dường như sự quan tâm của mình giành cho họ vẫn chưa đủ…
 
Có đôi khi thấy nhớ đến nao lòng một nụ cười của ai đó…
 
Có đôi khi thấy lo lắng cho một người vô cùng mà chẳng thể hỏi han…
 
Cuộc sống luôn chứa đầy những gam màu khác nhau…

Café, yêu và sống

Có một số nguyên tắc cơ bản về việc uống café – Thứ nhất, đó là “Đừng nên hâm nóng lại café. Bởi nếu hâm nóng lại thì café sẽ mất hết mùi vị và gây ra vị đắng. Uống không ngon và sẽ có mùi khét.” 
 
Café, yêu và sống
Café, yêu và sống
 
Cuộc sống có lẽ cũng như vậy. Việc hâm nóng lại café cũng như việc suy nghĩ quá nhiều về quá khứ. Nhiều người đang sống trong hôm nay nhưng đầu óc thì vẫn luôn trông ngóng về những thứ đã qua. Họ nuối tiếc, họ nhìn mãi về một mối tình đã xa hoặc nhớ nhung về một người nào đó mà quên mất đi rằng – những việc đó chỉ mang lại sự buồn chán và khó chịu thậm chí là gây ra sự đớn đau cho chính họ mà thôi. Quá khứ là những thứ qua rồi, đừng nên khơi nhắc lại mà hãy sống với thực tại thì hay hơn…
“Hãy bảo đảm café bạn uống cần phải luôn tươi mới. Hãy uống ngay khi pha xong bởi café chỉ nên giữ ấm khoảng 15 phút trên bếp trước khi hương vị của nó trở thành khó chịu. Thưởng thức ngụm café đầu tiên với cảm giác sảng khoái, tuyệt vời…” 
 
Tại sao không bắt đầu lại mọi thứ trong hôm nay khi mà thực tại là cơ hội của sự đổi mới? Hãy nắm bắt nó khi cơ hội vẫn còn. Không nên lãng phí thời gian mà hơn hết là hãy biết sử dụng nó để mọi thứ trở nên có ích hơn… Thay đổi mình, thay đổi khẩu vị, thay đổi một ly café và thưởng thức một mùi vị mới. Điều đó cũng nên lắm chứ khi mà mùi vị cũ – đã trở nên nhạt nhẽo đi nhiều rồi…
 
“Hãy rang café đúng cách. Nếu xay quá nhuyễn café sẽ trở nên quá đắng. Nếu xay quá thô café sẽ chỉ là nước loãng…” 
 
Về nguyên tắc này cũng giống như việc đòi hỏi về sự quan tâm, săn sóc trong tình yêu vậy. Nó nhắc nhở ta nên biết cân nhắc và trân trọng với những gì mình đang có. Sự quan tâm quá mức đôi khi sẽ không đem lại một kết quả như ý mà thậm chí còn làm hư hỏng một tình yêu. Nhưng ngược lại, nếu thiếu vắng đi sự săn sóc, hay vì quá vô tâm và hời hợt thì tình cảm cũng sẽ trở nên khô khan và nhạt nhẽo. Mất dần đi vị ngọt rồi sớm muộn cũng trở thành thứ nước loãng mà thôi.
 
“Đừng cố sử dụng lại bã café – vì nó chỉ còn là vị đắng và sẽ có mùi khét khi pha.” 
 
Nên dứt khoát trong việc tình cảm. Đừng nên cố gắng vớt vát với những thứ đã không thuộc về mình. Việc đừng sử dụng lại bã café cũng như việc không nên tìm gặp lại người yêu cũ. Sẽ chẳng thể đi đến một điều gì khi mà ta đứng này mà vẫn trông núi nọ. Tập trung và trân trọng với những gì mình đang có. Điều đó mới có thể tạo nên một hương vị café thực sự cũng như là một điều cốt yếu để tạo dựng một hạnh phúc cho bản thân.
 
Một ly café ngon
Một ly café ngon
 
Lời kết : Để có được một ly café ngon – người pha đòi hỏi phải có một kiến thức rộng rãi. Để có một tình yêu thật sự đẹp, không thể không đòi hỏi những sự vun vén của cả hai. Yêu như thế nào, cư xử và cách quan tâm ra sao, bên ly café cuộc sống đã nói lên rất nhiều. Thôi thì hãy để một sáng đẹp trời, qua nhà đón người mà mình yêu mến. Nhẹ nhàng ăn sáng, rồi nhẹ nhàng thưởng thức một ly café thật đậm đà và tươi mới. Không mùi khét, không vị đắng và chẳng còn loãng nhạt… Từ từ uống, từ từ thưởng thức…

Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Trong cuộc trò chuyện lan man dịp Tết, một người bạn vong niên của tôi than thở rằng “Điều đáng thất vọng nhất về giới trẻ ngày nay là họ ưa hưởng thụ quá!”. Một người khác cười: “Ưa hưởng thụ thì có gì sai? Thú thật là tôi đây, tôi cũng ưa hưởng thụ”.
 
Nếu biết trăm năm là hữu hạn
Nếu biết trăm năm là hữu hạn 
 
Và tôi, tôi đồng ý với người bạn thứ hai. Tôi cũng không cho rằng sự ưa hưởng thụ là một điều sai trái hay là con đường dẫn đến vấp ngã. Ngược lại, sai lầm của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta thường đắm chìm trong ảo giác và ít khi thực sự biết hưởng thụ. Hưởng thụ thực sự không phải là tàn phá, bất cứ thứ gì kể cả chính mình. Hưởng thụ thực sự là mong muốn giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp…kể cả chính mình.
 
Mồng hai Tết vừa rồi, tôi cùng gia đình đến Tao Đàn để xem hoa. Lúc ấy là buổi chiều, trời mát, người đông đúc… Khi dừng mắt ở một chậu hoa mai trắng, giữa ánh sáng nhập nhoạng, tôi bỗng nhận ra rằng suýt nữa thì mình đã trải qua một buổi chiều vô nghĩa ở Tao Đàn.
 
Bạn đến Hội hoa xuân Tao Đàn làm gì nếu không để ngắm hoa? Đó chính là mục đích đầu tiên, sự đông vui nhộn nhịp là quà khuyến mãi. Nhưng chúng ta không thể tận hưởng vẻ đẹp của hoa ở đó vào thời điểm đó. Nắng đã tắt, đèn vừa lên. Đó là thời điểm rất tệ để thực sự ngắm hoa.
 
Nhưng chúng ta vẫn đi loanh quanh. Chúng ta ngó nghiêng đây đó. Chúng ta trầm trồ bình phẩm. Chúng ta chen nhau chụp ảnh. Rồi chúng ta ra về và tưởng mình đã được ngắm hoa. Nhưng không. Chúng ta hầu như, đã lướt qua mà không thực sự nhìn ngắm. Hoặc chúng ta đã cố gắng ngắm nhìn nhưng chỉ thấy được 30 phần trăm vẻ đẹp mà chúng ta có thể nhìn ngắm ở những chậu hoa đó vào buổi sáng, khi sương còn đọng và nắng mới ửng màu…Cái còn đọng lại trong ký ức chúng ta là một ảo giác, chứ không thể là vẻ đẹp thực sự của những bông hoa.
 
Bạn có nhận ra chăng, rằng phần lớn thời gian chúng ta chỉ trải qua, mà không thực sự tận hưởng. Một buổi chiều, một giấc ngủ, một bữa ăn, một món đồ, một kỳ nghỉ, một tình bạn, một tình yêu…Và rốt cuộc, cả một cuộc đời.
 
Có người nghĩ rằng cần phải có nhiều tiền mới có thể hưởng thụ thực sự. Nhưng không. Với tiền, bạn có thể sở hữu nhiều thứ. Nhưng chỉ sở hữu thôi thì không mang lại hạnh phúc. Và chỉ sở hữu, không có nghĩa là biết hưởng thụ. Một người biết tận hưởng chiếc máy ảnh xịn khác với một người sở hữu máy ảnh chỉ vì muốn người khác khen là nó rất xịn. Một người thực sự hiểu, và biết tận hưởng tốc độ, tiện nghi của chiếc xe hơi khác với một người mua nó chỉ vì tin rằng sở hữu nó sẽ chứng tỏ mình thành đạt. Một người thực sự am hiểu hội họa, và biết giá trị của bức tranh mình mua sẽ rất khác một người bỏ nhiều tiền mua tranh chỉ để nghe những lời trầm trồ của người khác trong phòng khách nhà mình.
 
Có người nghĩ rằng hưởng thụ cuộc sống đồng nghĩa với vật chất. Nhưng không. Hưởng thụ cuộc sống tức là tận hưởng mọi thứ tốt đẹp mà cuộc đời và vũ trụ mang đến cho bạn. Vật chất, tinh thần, thể xác. Cổ điển hay hiện đại. Nắng và gió, ngày và đêm. Mặt trời, mặt trăng, cây cối, núi sông, và cỏ dại. Tình bạn, tình yêu. Mọi thứ, nếu bạn có thể nhận ra chúng. Đáng buồn là nhiều lúc, chúng ta không nhận ra chúng, mà chỉ nhìn thấy những ảo ảnh khác. Chúng ta bị ảo giác.
 
Chúng ta chỉ sở hữu mà cứ ngỡ rằng mình đang được hưởng thụ. Đó là một ảo giác. Hoặc chúng ta đang trải qua điều này mà cứ tưởng rằng mình đang hưởng thụ một điều khác. Đó lại là một ảo giác khác. Ví như khi bạn tưởng mình đang tận hưởng tình yêu say đắm, nhưng thật ra, chỉ là những thỏa mãn nhục dục. Không hơn.
 
Một người bạn vong niên của tôi từng nói về những ảo giác rằng: “Nếu người ta ngưỡng mộ anh chỉ vì anh viết ra những điều hay ho – trong khi chẳng biết anh là ai – thì hãy nhớ đó chỉ là ảo giác. Bởi vì sẽ có một ngày anh viết dở tệ, và sự ngưỡng mộ tan vào hư không”.
 
Sự ngưỡng mộ của người khác dành cho một món đồ mà chúng ta sở hữu cũng vậy, chỉ là ảo giác, bởi dù thật hay giả thì đến một lúc nào đó chúng cũng bay biến đi, kể cả khi món đồ vẫn ở lại.
 
Hưởng thụ, hay chỉ trải qua? Kết quả khác nhau chính là sự mãn nguyện. Khi chỉ trải qua, chúng ta thường hay băn khoăn: Phải chăng đó đã là cái đẹp thực sự? Chuyến du ngoạn đáng giá? Bữa ăn đáng tiền? Phải chăng chiếc điện thoại đó đã là “đỉnh” nhất? Chiếc áo đó đã là đẹp nhất? Phải chăng ta đã có được thứ tương xứng với những gì ta bỏ ra? Những người thực sự hưởng thụ thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện. Những người thực sự tận hưởng hạnh phúc cũng vậy, họ mãn nguyện. Niềm vui đôi khi bị thúc đẩy bởi nhu cầu phải hét toáng lên cho cả thế gian. Nhưng sự mãn nguyện thường có gương mặt rất lặng lẽ, và hiếm khi phô trương.
 
Tôi nhận ra rằng để có thể hưởng thụ thực sự, chúng ta cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có, và biết cách tận hưởng tối đa những gì ta xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ.
 
Chiều xuân muộn, ở Tao Đàn. Thay vì đi lang thang ngắm hoa, tôi tìm một chỗ ngồi trong khu ẩm thực và gọi một ly bia lớn. Tôi nhận ra rằng khi quay nhìn lại, mình sẽ thấy rất nhiều nuối tiếc. Nhưng nuối tiếc thì có ích gì đâu. Trong buổi chiều nay, tôi đã không thể thưởng hoa thực sự. Nhưng tôi sẽ thưởng thức ly bia này. Và giây phút êm đềm ngắn ngủi mà chúng ta được ngồi bên nhau, cười với nhau. Chúc cho chúng ta không chỉ trải qua, mà thực sự biết hưởng thụ cuộc đời, trong từng thời cơ mà nó mang đến mỗi ngày.
 
Nhắm mắt và hít một hơi thật dài, thật sâu.
Nhắm mắt và hít một hơi thật dài, thật sâu.
 
Có những điều, nếu bạn hiểu được bản chất của nó, nếu bạn gọi tên nó ra, nếu bạn thoát khỏi ảo giác, bạn không còn mong muốn có nó nữa. Ngược lại, có những điều, nếu bạn hiểu được nó, bạn nhận thức được giá trị của nó, bạn sẽ không bỏ qua nó như đã từng. Ví như cơn gió rất trong lành này. Nếu bạn biết, bạn sẽ không bỏ đi ngay mà đã dừng lại, nhắm mắt và hít một hơi thật dài, thật sâu.
 
Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn sẽ luôn thấy mình đã sống rất sâu.
 
Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?