Wednesday, September 4, 2013

Tình già

Hôm trước đi trên đường, lượn lờ ngay trước mặt mình là một chiếc xe "nồ-vồ", trên chiếc xe "nồ-vồ" đó mình thấy có một cặp nam nữ mặc áo sơmi đôi khá nổi bật. Mình thì hay tò mò, nhìn theo, sau lưng người nữ với chiếc áo sơmi nhìn rất trẻ, nhìn lên cánh người nam lái xe mình hơi chột dạ: già rồi mà. Một lúc sau, người nữ mới hơi nghiêng nghiêng mặt, mình nhìn thấy những nếp nhăn nơi khóe mắt người ấy. À, lên một tiếng rồi hơi nhích xe lên dòm cho kĩ, thì ra là hai cô chú.
Điều đó làm mình thích thú mãi, ai mà nhìn đằng sau với màu áo trẻ trung kia chắc chắn nghĩ là hai anh chị thanh niên. Nhìn cách họ nói chuyện thân mật, cũng chẳng biết đó là nhân tình nhân ngãi hay vợ chồng nhưng mình thấy thú lắm lắm. Ai bảo người lớn tuổi là không được bộc lộ tình yêu như lớp trẻ đâu chứ? Tình yêu sẽ làm người ta trẻ lại mà, vì tình yêu thì chẳng hề có tuổi bao giờ.
Nhìn cô chú đó đi qua, muốn bổ nhào lên lấy điện thoại chụp hình cái, nhưng đến vòng xoay, sợ mấy chú áo vàng nên thôi. Mình chợt nhớ đến một chuyện. Đó là ngày 8.3 mấy năm trước rồi, mình về dưới nhà ghé vào một tiệm hoa mua hoa tặng mẹ. Lúc đứng chọn hoa, mình nhìn sang có một bác, chắc cỡ cũng 60 mấy 70 ấy, bác ấy cũng đang chọn rồi cầm một bông hồng đỏ thắm lên vẻ nâng niu. Thấy mình nhìn sang, bác ấy nháy mắt rồi nhìn vào bông hoa ra ý. Mình gật đầu cười, định hỏi bác mua tặng bác gái ạ, mà thấy rõ câu hỏi của mình vô duyên nên ngừng đúng lúc. Một bông hồng không gói giấy kiếng, không này nọ, chỉ xin tờ báo gói vào rồi cẩn thận cài vào trước xe máy với nụ cười tươi rói.
Ảnh minh họa
Tự nhiên nghĩ, tình yêu, với người trẻ, họ thỏa thích thể hiện cho nhau, họ có sáng tạo, họ có muốn làm trời làm bể gì cho nhau cũng chả thấm vào đâu so với hành động giản dị đầy ý nghĩa này. Người ta thường bảo, người già sống với nhau vì nghĩa nhiều hơn. Họ không còn trẻ, nghĩa là không còn đủ thời gian, sức lực để bay nhảy, họ không thể nói hết thương người này rồi yêu người kia, họ không thể lấy lí do không hợp nhau để rồi đường ai nấy đi tìm hạnh phúc mới. Họ bên nhau bởi những năm tháng cuộc đời còn lại sau chuỗi hành trình dài đăng đẵng đã cùng nhau đi qua: có sướng khổ, có vui buồn, có cãi cọ, có đớn đau, có âm thầm chịu đựng… nhưng nếu họ còn ở bên nhau nghĩa là chí ít trong họ còn có chút nghĩa. Bởi vậy những ai mà vượt qua cả chặng đường dài ấy mà tình vẫn thắm đượm thì quý biết bao.
Rồi mình lại nhớ đến gia đình ông bà X gần nhà mình ấy, hai ông bà cũng đều thuộc lão làng rồi, nhưng khi gọi nhau đều “anh anh – em em” rất ngọt và tự nhiên. Làm sao họ làm được điều ấy? Mình không rõ và cũng không biết là đến khi bằng tuổi ấy liệu hai vợ chồng mình có được như vậy không? Thật khó trả lời!
Khi nhìn vào một tình yêu người trẻ mình chỉ khẽ cười, khi nhìn vào tình yêu của người già mình mới thấy hết những thương yêu. Và đâu đó, trong những bộn bề cuộc sống, trong những lo toan, trong những tan vỡ, trong những khổ đau, trong những gian nan trắc trở… có một phần tin rằng, tình yêu mãi là không tuổi!

Vụn

Chút cảm xúc vụn vặt khi hè vừa trôi qua...
Lệ hoen mờ ai khi những dòng lưu bút được viết ra làm nhòe đi trang chữ học trò. Cánh phượng hồng ấp ủ lung lay qua từng cơn gió nhẹ, bồi hồi thổn thức trong lòng ta bao suy tư khi có đóa hoa nào chạm nhẹ xuống nền đất lạnh vô hồn...
Đã chia xa rồi những tháng năm bồng bột, đã mãi lìa xa những ngày tháng vô tư lự. Mùa Hè cuối cùng của đời học sinh cũng vừa kết thúc, thời gian vô tình nào bận tâm nỗi niềm khắc khoải của bạn và tôi, thời gian vốn sinh ra để rồi trôi dần đi, làm mờ dần đi bao kỉ niệm. Thời gian không lưu giữ kỉ niệm, thế thì, tôi chọn nhớ. 
Nhớ lắm ngày đầu tiên bước vào ngôi trường trung học phổ thông với bao lo toan suy nghĩ, ba năm là khoảng thời gian tôi sẽ tồn tại nơi đây, ba năm không phải là dài, bởi dẫu sao hiện tại, ít nhất là trong lúc này, tôi đang giữa ngưỡng cửa giữa năm cuối trung học và giảng đường đại học phía trước. Hai năm trời đã trôi qua nhanh như thế đấy. Nhanh đến mức khi có cơn gió nhẹ nào thoáng qua, bất giác tôi tỉnh giấc mộng ngọt ngào và rồi thốt lên "Năm cuối rồi sao?"
Tôi nhớ cái cảm giác khó chịu khi không quen biết bất cứ ai giữa chốn bộn bề ồn ào lắm tiếng cười xã giao. Nếu mọi thứ sinh ra để rồi kết thúc, thế thì tại sao lại chọn bắt đầu? Dù rằng nhận thức rõ điều ấy, tôi vẫn muốn bắt đầu, và đã bắt đầu. Bắt đầu với đôi lời làm quen, và dần xa xôi hơn là những điều tâm sự. Thời gian cứ đi qua, kỉ niệm cũng dần được xây dựng.
Thượng Đế đã cho bạn và tôi gặp nhau, và chắc cũng để chúng ta rời xa. Món quà nhỏ nhoi mà vô cùng quý giá, trân trọng cũng không thể giữ bên cạnh mãi mãi. Bởi lá có lúc phải lìa cành, tình bạn chúng ta rồi cũng dần tan biến. Giữa vòng xoáy cuộn tròn của số phận, tôi chọn cho mình một lối đi, bạn cũng lần theo một con đường nào đó. Không phải lúc nào cũng như nhau, vì thế, cũng sẽ đến lúc chúng ta không còn gặp mặt. 
Mùa Hè ấy vừa vuột qua khi mới hiện hữu ngày nào, vừa đây thôi với bao dự tính, bao lo âu với năm cuối cấp trung học. Trao nhau những thứ yêu thương, trao nhau bao lời hứa ngọt ngào, và rồi chuyện gì đã xảy ra. Chỉ ngồi đó, chờ và cứ để thời gian chết. 
Có phải cái quyết tâm ta tự đặt ra quá mỏng manh để rồi không thể nào thực hiện được. Hay do chính thứ tình cảm le lỏi mà quá sâu nặng bấy lâu đã khiến chúng ta lơ là bao dự tính. Thời gian vô tình theo cách của riêng nó, bạn và tôi quá yếu đuối trong tâm hồn thơ dại. Bởi lí do ấy, chúng ta chẳng thể nào thắng nổi cơn cuồng phong khổng lồ sẵn sàng lật đổ đi tất cả mọi thứ, tất cả những kỉ niệm xa xôi.
Nhớ những buổi trưa chiều nóng nực, bạn và tôi trên chiếc xe đạp dạo bước, giữa hai con đường lá vàng rơi xào xạc. Nói cười vô tư mà chẳng ngại điều chi... Nhớ những buổi kiểm tra đầy gian nan, thương nhau lắm mà kiên quyết không giúp bạn mình làm những điều sai trái. Những cơn mưa rào bất chợt đổ xuống, tuy lạnh nhưng vẫn vô tư nói cười trong mưa. Mưa đến mang bao nỗi buồn sâu nặng, thế mà những ngày ấy mưa rơi, trong tôi và bạn chỉ tràn ngập tiếng cười.
Mùa Hè cuối cùng cũng chẳng còn tồn tại, hai năm đầy ắp kỉ niệm đã trôi qua. Tôi chỉ còn biết chấp nhận nhưng không cách nào chối bỏ, dù rằng không thể đồng thuận, cũng chẳng thể thay đổi điều chi... 
Tuổi thanh niên dần trôi qua với bao nhiêu tiếc nuối, khoảnh khắc gặp lại nhau tràn đầy bao ước vọng. Cơn mưa rào ấy mãi mong không bao giờ tạnh. Và thuở ngây ngô, mãi tồn tại trong tâm trí. Để đến lúc chia xa, vẫn biết rằng từng tồn tại một tình bạn tưởng chừng đã vĩnh cửu hóa trong tim.
Một năm nữa thôi thì kỉ ức sẽ trở thành hồi ức.
Một năm nữa thôi khi tà áo trắng tung bay mãi thổn thức trong lòng bao đứa học trò một chút gì đó nuối tiếc... Về những gì đã xa...
Một năm nữa thôi, bạn và tôi, chỉ còn năm cuối này.

Góc đời, góc phố

Bất ngờ một lần lên phố, bất ngờ gặp một góc đời, cơ hồ như sớm bằng lòng cùng góc sống được an bài. Người đàn ông luống tuổi, nép bóng bên gốc sồi già ven đường, kiếm sống bằng nghề vá bơm xe.
Góc an bài, khiến người qua lại không thể không chạnh lòng. Nhưng người đàn ông với thái độ bình thản đến ngạc nhiên, như người đàn ông không hề mặc cảm giữa phù hoa và vất vả. Vì như với người đàn ông miếng ăn thanh bạch có được từ giọt mồ hôi của chính mình là niềm phấn khởi. Như ông hồ hởi khi không phải ngồi trơ ngửa tay chờ đón nhận tình thương vay thiên hạ. Như ông nghiệm ra rằng đặng được đều có cái giá trị nhân cách ở một con người.
500 đồng cho một lần bơm cho xe đạp. 1.000 đồng cho một lần bơm cho xe gắn máy. Miếng vá 2.000 đồng cho lỗ thủng xe đạp. 5.000 đồng cho lỗ thủng xe gắn máy. Sòng phẳng, chừng đó, giá trị của giọt mồ hôi.
Bất chợt bối rối với tôi, gặp ông ngồi khi vắng khách, ông ngồi ông se từ những bọc nylon thành sợi để thắt những con thú nhỏ ngộ nghĩnh, có duyên đủ níu chân khách qua đường. Phải nhìn nhận, người đàn ông có được bàn tay tài hoa. Chú chó con mang nét sinh động gần gũi của loài thú nuôi. Dáng cổ cao nghệu ở loài hươu cao cổ, vừa hoang dã vừa hiền từ đến dễ thương với những cẳng khẳng khiu.
Ảnh minh họa
Dường như không ai không tâm phục, nét sinh động ở những dáng thú được làm từ bàn tay tài hoa vướng vương “hồn tâm người nghệ sĩ”. Càng đáng trân trọng khi nhìn dáng ông ngồi tỉ mẩn se sợi từ những bọc nhựa mà con người vô tâm vứt vương vãi.
Có người hỏi ông về việc làm có phần như nặng lòng. Ông cười hiền khô. Góp chút mọn mà, có gì đâu. Các ông bà thử nhìn đi, thấy đó như con người quá vô tâm nên đâu biết vứt rác bừa bãi cũng làm nhớp nhúa đi phần nào cuộc sống vốn trong lành.
Như cái giá trị từ hành vi vì cộng đồng ở ông buộc ai cũng nhìn nhận. Nhìn thái độ hồ hởi ở những người khách nước ngoài đến với ông, như làm ông vui. Và như ông vui, ông bằng lòng không từ đồng “Đô” ông có được. Mà như ông vui, ông bằng lòng với ít ra cũng còn sót cái tâm ở con người để sớm có ý thức giữ sạch môi trường, biết nghĩ vì đó là lợi ích tất yếu với con người.

Chợ chạy

Bạn hỏi tôi giờ này cái chợ chạy lam lũ xóm biển đã “chạy” đến đâu? Thấy những chị, những anh, những em ngay cả hơi thở cũng mặn mòi mùi cá và phảng phất mùi của phiên chợ ế ẩm… bạn thấy thương thương. Bạn nói Sài Gòn của bạn cũng có những cái chợ chạy như thế nhưng nó sặc mùi phố thị, bán mua bon chen không giống cái chợ chạy lầm lụi, quê mùa, chân chất như miệt đồng Cà Mau quê tôi.
Chợ gì mà đến cái tên cũng không có. Chỉ vì dịch chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, chỉ vì phải “chạy” sất bất sang bang khi đội trật tự đô thị “đuổi” nên chợ có cái tên là chạy. Cái tên chất chứa tất cả sự vất vả, mệt nhọc, sấp ngửa của cuộc sống mà mỗi phận người trong cái chợ chạy ấy đều trôi qua phố rất lặng lẽ, đôi khi chẳng ai nhận ra họ đã tồn tại như thế nào.
Chợ chạy lèo tèo loanh quanh chỉ vài thứ tôm, cá trong đồng, đôi ba mớ rau ở ruộng, ít mớ trái cây trong vườn. Các mẹ, các chị bán những thức nhà quê ấy nâng niunhư món quà tặng. Tiếng rao như nhắn nhủ: “Cá mới giăng lưới đó, bán rẻ cho, lấy đi”, “Mớ càng cua này sớm nay mới hái ở gốc dừa về chấm cá kho là nhứt”, “Chuối cau nè, mua ít trái về cho sắp nhỏ he?”. “Thím Ba, chị Tư, em Năm ơi, có mớ khô sặc ngon nè mua về cho chú Ba, anh Tư, em Năm lai rai xị đế ngày mưa chơi…”. Muốn tìm những thứ xa xỉ màu mè chẳng thể nào tìm được ở nơi giản dị này. Mọi thứ đều lành hiền như tấm lòng nhà quê vậy.
Chợ chạy từ tờ mờ sáng cho đến khi nào người “chạy chợ” bán hết hàng thì… hết chợ. Chạy từ đầu cầu Kiểm Lâm đến cuối bìa rừng phòng hộ. Chạy từ trong đồng, trong ruộng ra tới thị trấn. Cái chợ ấy từ một người mang các thứ rau trái trong nhà ra bán và cứ đông thêm sau tiếng “Ới”: "Ới, má Sáu ơi, đi bán rau cải hông?”, “Ới, nhỏ Út hôm qua nói gói bánh ú đem bán giờ có đi hông?”. Cứ thế đoàn người từ đồng chạy ra phố, lẫn vào khói bụi của “thành thị hóa” khiến cho những bước “chạy” như vấp phải đá, tiếng rao lẫn với tiếng còi xe réo lên ầm ĩ.
Khi mẹ mình còn sống, mẹ cũng theo đoàn người “chạy chợ”. Từ sớm mẹ chuẩn bị mọi thứ chất đầy vào đôi quang gánh, dặn dò mấy chị em ăn uống, đi học, mẹ ăn vội chén cơm nguội rồi tất tả xuống đò sang bên kia sông nhập vào chợ chạy. Có lần tan học ra bến đò đợi mẹ, mẹ xuôi đò trở về, tới giữa sông bất chợt cơn gió ngược xổ tung tóc mẹ… Như mây sóng sánh, tóc bay lên bối rối. Mẹ đẹp lạ lùng, đôi mắt người ngời sáng… Sau này mình hay chải tóc cho mẹ, cứ mân mê, áp vào má, vào mặt, hít thật sâu hương nắng gió nhọc nhằn còn vương trên suối tóc dài chấm gót ấy của mẹ. Chợ chạy là cái chợ của những người nghèo, nghèo cả người bán lẫn người mua. Mẹ mình còn gọi là chợ người hiền vì chợ chạy ở quê người ta thương nhau vừa bán vừa cho, nghèo y chang nhau ai nỡ giựt dọc gì, nếu muốn mua mớ cá, lọn rau thiếu tiền thì người ta chặc lưỡi một cái rồi cũng bán thiếu hoặc cho luôn nhau.
Có ai đó giấu biệt cái gốc gác con nhà “chạy chợ”. Họ tránh mùi nặng nhọc từ giọt mồ hôi của những người nghèo không thể nghèo hơn. Họ không dám đụng đến những thức ăn của chợ chạy vì chê dơ bẩn, bụi khói, vì nó được những người quần áo lem nhem, mặt lúc nào cũng ám khói bếp kia chế biến. Cho dù chính những thức ấy đã một thời thơ ấu đã nuôi lớn họ. Mình trở thành thành viên của chợ chạy khi học cấp 2. Mình bán cà chua, rau thơm, hành lá và đôi khi là mớ tôm cua vặt mẹ và em trai mới bắt. Vẻ quê kệch của mình đôi khi các bạn cười chê, có khi chế giễu vì cái vẩy cá dính trên nếp áo, cọng cỏ vương ống quần và mùi chợ ngấm vào da thịt. Mình chẳng ngại ngần đâu, mình chỉ thấy kiêu hãnh thôi. Mỗi lần đi học qua cái chợ đang chạy xa dần, mình cố len ánh mắt trong ồn ã bán mua kia mẹ mình ở chỗ nào, gánh hàng đầy hay vơi, tóc mẹ có bị gió ngược xổ tung ra không?...
Mẹ mình mất đã lâu, chợ chạy vẫn… chạy. Nhưng dường như đã bớt “hiền” hơn trước cho dù chất mộc mạc, suồng sã, chân quê còn nguyên nơi ấy. Vẫn còn dì Hai, cô Ba, Thím Tư quấn khăn rằn gánh nồi bánh canh, bánh chuối tiếng rao ngọt như mía Phụng Hiệp. Còn em Năm, em Sáu với lọn rau dền, muống đồng, bông súng kèm theo xô cá tôm còn tươi nhảy lách tách. Và cũng còn những dáng ngồi mệt nhọc, ánh mắt trông đợi, lời rao vơi đầy trong buổi chợ trưa, đã “chạy” đến mỏi chân mà gánh hàng chưa hết.
 Thỉnh thoảng đi công tác xa, ăn cơm những nhà hàng sang trọng hay vào siêu thị lựa chọn những thứ mình thích mà không cần phải nấu nướng gì cả… mình cứ thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Đêm về nghe tiếng ai rao lạc lõng giữa phố, lọt thỏm trong bộn bề phố thị mới biết mình nhớ chợ chạy, thương chợ chạy. Mình nhớ cái cảm giác ngồi ngoài hè chờ chợ “chạy” đến nhà mình để mua lọn rau, ít cá, thịt. Mình thương đứa bé lẽo đẽo theo mẹ mắt ngơ ngác nhìn những chiếc xe máy phóng xẹt qua nhanh hơn cái xuồng máy ở nhà. Mình yêu chiếc khăn rằn quấn trên tóc thay nón, quấn trên cổ để tiện lau mồ hôi của các mẹ, các chị… Cho dù quanh quẩn chỉ vài thức ăn quen thuộc, ngày nào cũng giống ngày nào nhưng tất cả đều tươi trong  mà chẳng lo nhiễm độc như những thứ màu mè bạn nhìn thấy trên thành phố. Mình mong chợ chạy ở quê thôi thì đừng khoác trên mình cái tên mĩ miều, có một nơi chốn nhất định trong một khu chợ được quy hoạch xây dựng khang trang… Chợ chạy hãy cứ chạy để hồn nhiên, mộc mạc, nhà quê chứ không bán mua bon chen, eo sèo như những khu chợ mĩ miều có tên, có chỗ.
Bây giờ chợ chạy đã tới đâu? Chợ chạy vào phố rồi bạn ạ. Phố ngày càng rộng, cánh đồng ngày càng hẹp, đoàn người “chạy chợ” lủi thủi đi ngang phố, bước chân vội hơn. Hôm qua chờ chợ chạy ngang nhà, thím Năm để lọt tiền bán từ hồi sớm đến ngang buổi sáng, thím hỏi quanh quất coi ai có lượm được cho thím xin lại đặng thím đóng học phí cho cháu nội, đứa nhỏ mặt lem luốc chạy đến đưa thím Năm… Nó đưa mà có vẻ tiêng tiếc vì nó tính tiền nó lượm được mua cái đèn lồng chơi Trung Thu… Bạn biết không, mắt tôi khi ấy ươn ướt…

Giã biệt

Tháng Tám. Những kí ức ùa về, nước mắt cứ trực trào ra làm tim cô đau nhói. Bảy năm. Bảy năm đã trôi qua rồi mà cô vẫn không thể nào quên được lần đầu tiên cô gặp anh. Có lẽ giờ này anh đã xếp gọn những kí ức về cô ở một nơi nào xa lắm, nhưng trong lòng cô vẫn chưa thể nguôi ngoai. Đối với cô, anh không chỉ từng là duy nhất, là mãi mãi, mà còn từng là ý nghĩ duy nhất giúp cô tồn tại. Mọi thứ điên rồ và mù quáng như chính tình yêu cô dành cho anh, hoàn toàn không có lý do.
Tháng Tám. Là sinh nhật của anh. Cô muốn viết cho anh một bức thư. Không phải về tình yêu đã chết từ lâu của cô và anh. Mà về những gì anh để lại cho cô cho đến tận bây giờ. Anh và 5 năm tuổi trẻ của cô, và 2 năm sau đó để quên anh. Tất cả. Tất cả. Cô muốn kể cho anh rằng cô đã hận thù anh đến nhường nào, đã căm ghét anh ra sao. Cô muốn kể cho anh về những ngày tháng cô đớn đau và quay quắt trong nỗi nhớ anh, về những ngày tháng cô buộc mình phải quên đi anh, khó khăn biết mấy. Cô muốn nói thật nhiều về những ngày đã qua, những ngày không anh của cô, cô đã sống như thế nào. Muốn kể cho anh về những giấc mơ hoang tàn của cô, về cả những giấc mơ cô tự an ủi mình rằng, anh vẫn ở đây, vẫn ở đây, bên cô. Vẫn thương yêu, vẫn nồng nàn và vẫn đắm say. Cô muốn nói với anh rằng cô đã chối từ biết bao yêu thương, để nhận ra rằng, chỉ anh, trong cô là duy nhất. Cô muốn kể với anh về thế giới của cô. Thế giới từng luôn có sự hiện diện của anh... Muốn kể cho anh thật nhiều, thật nhiều. Nhưng để làm gì? Khi rốt cuộc, người bị bỏ lại là cô, và anh là người đã ra đi. Rốt cuộc lá thư cô viết cho anh mãi còn dang dở. Đã chẳng để làm gì, khi bên anh đã là một yêu thương khác. Còn cô, điều gì cho cô biết rằng anh còn nhớ? Hay rằng anh đã quên từ lâu...
Đêm tháng Tám. Mùa Thu. Gió heo may luồn qua khung cửa tràn vào phòng, khiến lòng cô se sắt lại. Cô vẫn giữ thói quen thuở cũ, mỗi lần nhớ đến anh lại đứng bên ô cửa và nhìn mãi vào khoảng không xa thẳm. Mỗi lần như vậy cô lại như muốn tan vào cùng khoảng không ấy. Thật khó khăn khi nghĩ đến việc đối với anh, cô chỉ là giấc mơ vào một đêm xa xôi nào đó, như là khoảng không ấy, chẳng còn đọng lại chút gì. Nghĩ đến những hứa hẹn của anh khi xưa, cô khẽ bật cười. Lời hứa thật dễ dàng để nói ra, nhưng để thực hiện nó thì luôn chẳng dễ dàng. Vậy mà lúc ấy, cô luôn tin vào những lời hứa đó một cách vẹn nguyên, tuyệt không nghi ngờ. Cô đã dành trọn cả sự tin yêu cho anh như thế. Để đổi lại là sự dối lừa và im lặng.
Cô muốn hỏi anh, rằng liệu có thanh thản với những điều anh đã làm với cô? Rằng anh có hạnh phúc với lựa chọn của mình? Chắc anh sẽ hạnh phúc, hạnh phúc trong những dối lừa của anh. Cô nghĩ đến người phụ nữ bên anh của hiện tại, mà cảm thấy thương xót. Cô ấy liệu có bao giờ nhận ra mình đang sống với một người chẳng hề hoàn hảo như cô ấy vẫn nghĩ, liệu cô ấy có bao giờ nhận ra thứ hạnh phúc cô ấy đang có là giả tạo? Hi vọng là không. Cô không muốn cô ấy giống như cô. Thất vọng và đớn đau.
Giờ này nghĩ đến anh, cô thấy trong lòng mình trống rỗng. Cô đã luôn nhìn anh bằng đôi mắt hoàn hảo, cố gắng để giữ mãi những điều tốt đẹp về anh, cố gắng để gạt những dối lừa sang một bên. Nhưng giờ thì cô mơ hồ nhận ra rằng, mình đang làm những điều vô ích. Đã đến lúc để tình yêu đã chết ấy của cô ra đi, như nó phải ra đi từ rất lâu rồi. Anh và những ký ức ấy, đã không còn thuộc về hiện tại của cô nữa rồi.
Cô của hiện tại, muốn được yêu, muốn hạnh phúc, muốn sống vì bản thân mình. Mà vì anh, bao lâu nay, cô đã bỏ quên chính mình, quên mất cách yêu thương một người và đón nhận thương yêu của người ấy.
Cô chắc rằng, thời gian qua đã là quá đủ để cô xót thương cho cuộc tình vô vọng, không lối thoát của cô rồi. Ngốc nghếch vậy đã đủ rồi. Thực sự không còn gì để mà tiếc nuối. Những dối trá, tổn thương và tuyệt vọng, cô sẽ thả trôi đi.
Cô tha thứ cho anh.

Mưa tháng Chín

Ban mai tinh khôi. Sáng, màu trời trong vắt một màu xanh. Chân trời tuy chỉ là ảo ảnh nhưng lại khiến cho người ta cảm nhận rõ mồn một cái cảm giác chia ly.
Cũng đêm đó, có cơn mưa ghé qua thành phố. Giật mình tỉnh giấc. Chia ly kia không được nhìn thấy vì mọi thứ đang nằm giữa lòng của đêm. Ngay cả cơn mưa cũng không có hình hài. Chỉ nghe được thanh âm vi vút mang nhiều day dứt. Khung cửa sổ chỉ kịp khép hờ vì thế mà ngậm vào lòng những lạnh tê. Khuôn mặt trắng ngần cũng vì vô tình mà dính vài ba giọt nước.
Yên lặng giữa căn phòng nhỏ, giả vờ không nghe thấy mọi thứ ngoài kia đang xáo trộn, cuộn mình lại và nghĩ về một mùa bình yên. Đưa tay gạt đi giọt nước trên mặt, khẽ mỉm cười. Mưa tháng Chín.
Ảnh minh họa
Rồi sẽ có những cơn giông, mọi năm vẫn vậy. Còn nhớ mùa mưa năm trước, không ít lần bị bỏ rơi giữa đêm mà bầu trời nổi giận ném vào không trung thứ ánh sáng kinh động lòng người. Tức giận? Uất ức? Hay phẫn nộ? Tất cả đều có, nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ là cam chịu. Xem như nhường cho mùa. Xem như nhường cho cơn mưa. Một chút tâm trạng khi được ức hiếp một bé nhỏ mà không hề nhận lại bất kì sự phản kháng nào.
Bầu trời xuất hiện thứ ánh sáng quen thuộc. Trong phút chốc sáng rõ, rồi cũng trong phút chốc trở nên tối mịt. Điều đó khiến người ta giật mình. Đêm này giông chớp, giá mà có thể vùi mặt vào ngực của ai đó mà yên bình nhắm mắt. Giá mà có ai đó nói với ai đó rằng “Tôi ở đây! Đừng sợ”. Giá mà bàn tay nhỏ bé kia được truyền cho một ít hơi ấm bằng cái đan tay nhẹ nhàng. Nhỉ?
Ừ! Những “giá mà” kia sẽ được đáp lại. Bằng một cách nào đó. Nhanh thôi.
Có cơn mưa, đổ vào lòng đêm không phải là để đánh thức những bình yên đang say ngủ. Mà là, để vỗ về những say ngủ chưa tìm đến được với bình yên.
Có cơn mưa, không hẳn là hiền lành, nhưng ít ra cũng khiến người ta ấm lòng bởi sự dịu dàng hiếm hoi của nó.
Có cơn mưa, đã mang một mùa trở về.

ĐAU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHỔ

Một ngày nọ chú bé bẫy được bày chim. Con nào cũng gầy quá. Giữa tháng năm mất mùa, chẳng có lúa thóc, ngô khoai. Để đem ra chợ, cậu bé nuôi bày chim cho béo nẫy. Ngày ngày lúa thóc đổ vào. Chỉ một vài tuần sau, con nào cũng béo mập. Nhìn những con chim khác say sưa mổ thóc, mổ gạo. Cánh chim kia đau lắm. Nó thèm thuồng làm sao. Giữa năm tháng mất mùa. Rừng khô nước, đồng khô cỏ. Con người cũng thế thôi, giữa cái chang chang của cuộc đời. Nhìn kẻ khác làm giầu bằng con đường lừa gạt, nhìn những hạnh phúc bằng mối tình rong chơi. Nhiều tâm hồn cũng xót xa cho thân phận. Tất cả giống nhau ở trong lồng và miếng ăn. Bày chim và cuộc đời.

Ngày ngày con chim nọ rất đau nhìn bạn bè ăn. Cái đau dằn vặt. Cái đói thèm thuồng. Chỉ còn một ước mơ nuôi nó, bầu trời xanh thăm thẳm ngoài kia. Đợi ngày bày chim béo mập, cậu bé sẽ đem ra chợ bán. Thật không ngờ, sáng nọ, nhìn bày chim. Cậu bé thấy biến mất con chim gầy.

Ngày ngày nó đau nhìn bày chim ăn no nê. Nó chấp nhận đau để thoát khổ. Quê hương nó là bầu trời ngoài kia. Hạnh phúc của nó là cánh rừng bàng bạt gió núi. Nó phải trở về quê hướng đó. Yêu bầu trời tự do quá đỗi. Nó không thể vì miếng ăn mà giam mình trong cũi lồng chật hẹp. Nó phải tung cánh đi tìm tự do. Mỗi lần nhìn bày chim tranh nhau mổ thóc. Mỗi khi cậu bé đổ gạo vào lồng. Nó đau. Nó phải nhìn bầu trời mà khấn xin. Rồi ngày phải đến. Nó gầy, nó ốm lại để một bình minh kia, nó ép mình nhỏ lại, lách mình qua nan tre của chiếc lồng bay thẳng vào trời mênh mông. Chớ gì trong mỗi ơn gọi, ta nhìn bầu trời thênh thang, ngoài kia.

Đau không có nghĩa là khổ. Và có khi để thoát khổ cần phải đau.

Khi người ta đau để thoát khổ thì không còn đau khổ.