Tuesday, September 24, 2013

Nhựa sống của hai mầm xanh...

Sáng nay, anh không vội vã làm việc như mọi ngày, anh dành một ngày thảnh thơi nhẹ nhàng cho bản thân và tình yêu của mình. Biết rằng em của anh sẽ chỉ một mình giải quyết công việc, niềm thương cảm đã dần tan mà thay vào đó là niềm tin vào sức mạnh sống. Anh thích lắm những hình ảnh mang ý niệm về sinh sôi, nảy nở, bởi trong anh in hằng những sự kiện lụi tàn của thời thơ ấu và chính nó đã cho anh nhìn theo một hướng sáng hơn như thế. Anh nghĩ mọi việc trơ trọi, sần sùi, tàn úa chỉ là cái nền cho những mầm xanh, và khi sự sống nhô lên khỏi cái mặt đất thô tháp kia sẽ là hình ảnh đẹp đẽ nhất vì nó chứng minh cho sức mạnh, cho niền tin, cho sự phát triển...
Em bảo "anh là sức mạnh của em, là niềm tin của em". Câu nói ấy cho phép anh sống được hai cuộc đời. Thông thường anh tự tạo hứng thú cho bản thân mình để thực hiện mọi hành động nhưng câu nói của em đã nuôi sống hứng thú trong anh hàng ngày. Bởi anh biết, anh không phải sống cho một mình anh...
Bên ngoài quán cà phê, trời êm dịu, gió vờn qua cành lá, đùa vui hồn nhiên, anh thấy nụ cười em ở đó. Anh tìm cảm giác nhẹ nhàng cho bản thân mình vì anh biết ở đâu đó cảm giác này có thể tìm đến để nhắn với em rằng anh sẽ chia đi một nửa cảm xúc cho em để em an tâm và nhẹ cười. Anh vui, anh nhẹ nhàng nghĩa là em cũng thế...
Ngày ấy, em viết nhiều và đầy cảm xúc. Anh chưa bao giờ quên lên nhà em nghe điệu nhạc thân quen và đọc những cảm xúc hàng ngày. Cảm giác như thể mình được chăm sóc một cô gái đúng nghĩa. Chỉ được chăm sóc một cách âm thầm như thế thôi với anh đã là quá đủ và tràn đầy hạnh phúc rồi. Giấc mơ nhỏ nhoi nhất lúc ấy đã được chính em mang đến cho anh: đó là em có thể viết cho anh một entry. Thật buồn cười khi anh mơ ước như thế, đơn giản lúc ấy em có quá nhiều bạn bè, người thân và đồng nghiệp để viết, để nói về. Và cuối cùng, trong entry “Gửi gió cho mây ngàn bay” anh đã tìm ra được sự đồng cảm và anh hạnh phúc sau đó khi biết rằng đó là một entry em viết để tâm sự cùng anh về cuộc sống, về nhân sinh quan của em và về những trắc trở mà em đang có. Anh đã được chia sẻ như thế...
Như một sự tình cờ, thói quen chia sẻ mọi việc về cuộc sống của chúng ta đã trở nên nhiều hơn, dày hơn và chúng mình trở thành tri kỷ lúc nào cũng chẳng biết. Đến nay thì cuộc sống không cho phép chúng mình lìa xa nhau được nữa, bởi những trăn trở, những khó khăn, những va vấp ngày càng nhiều hơn và không ai khác ngoài em có thể xoa dịu anh và ngược lại chỉ có anh mới có thể biết cảm xúc của em như thế nào trong những lúc như thế này.
Anh đã giận em, đã “mắng” em theo nhiều cách mỗi khi anh không vừa ý bất kỳ một điều gì đó về em. Nhưng em hãy nhớ rằng nó là minh chứng cho sự lo lắng. Anh đã quá rành mạch về em, cả tâm hồn lẫn cảm xúc vì thế bất cứ một sự khó hiểu nhỏ nào anh cũng cảm thấy mình vô dụng. Em đã từng nói với anh về sự chia sẻ. Dù sự chia sẻ ở hình thức nào đều có giá trị nâng cao cảm xúc và lòng tin. Anh có thể chỉ nhìn em và chờ đợi những kết quả nhưng anh rất muốn biết em sẽ thực hiện nó ra sao, thế nào? Và khi anh biết con đường em đi càng rõ ràng thì khi đó anh mới có thể là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em cho những ngày nối tiếp kia…
Anh ngồi đây và chỉ muốn nói những điều vui vẻ nho nhỏ như những giây phút dạo bước trên con phố nhỏ, ăn những món vỉa hè, hay là những giây phút bên bờ hồ im lặng ngắm mặt hồ lặng lẽ và chẳng nói lời nào nhưng chúng ta vẫn tràn ngập cảm xúc, hoặc là những lúc anh nhẹ nhàng nắm lấy tay em, sưởi ấm khi cơn mưa bất chợt đi qua… tất cả đã cho chúng ta cuộc sống của riêng mình rồi.
Em à, em có mệt không?
Em hãy nhìn ra thật xa, xa hơn cả tầm mắt em có thể với đến để biết rằng nếu nhìn xa hơn những gì chúng ta nghĩ thì điều hạnh phúc lớn hơn sẽ đến. Nếu bất chợt em mệt mỏi, hãy nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu và thổi mạnh vào không trung để những nỗi lo lắng, khó khăn ấy được hòa quyện vào vũ trụ và mọi điều sẽ tan nhanh như gió…
Tối qua, anh đã đứng lặng suy nghĩ trước biển, gió ùa vào mặt, vào cổ áo và tưởng tượng em đang nằm nghỉ như thế nào, nỗi khắc khoải về cuộc sống có còn vương vấn trong giấc ngủ, nỗi nhớ, tình yêu có đủ làm em đứng dậy và tiếp tục những công việc cho ngày hôm sau. Anh đã hát cho em nghe, những bài hát em thích và anh cũng thích. Em có thấy an lòng hơn tí nào không? Anh đã từng ru em ngủ bằng giai điệu đầy cảm xúc đó và nhiều lần em đã đi vào giấc ngủ thơ ngây như trẻ con. Anh đã hát, hát cho đến khi tiếng động khẽ của chiếc điện thoại rơi xuống và rời khỏi tay em... Anh ấm áp và yên lòng.
Thời gian qua chúng ta có quá nhiều việc phải quan tâm, phải giải quyết. Chúng ta cố sống vững vàng, sống như sự tin yêu của nhiều người, sống như định mệnh mà xã hội đã gán ghép cho chúng ta. Chúng ta phải tài giỏi như mọi người kì vọng, sống phải tốt như mong muốn của người thân. Thế nhưng anh và em đều hiểu trong sự gắng gượng ấy chúng ta đôi lúc đã như kiệt sức. Có lẽ đó cũng là định mệnh để chúng ta tìm thấy nhau và trở thành tri kỷ. Anh đã biết nơi nào để anh trút hết sự mệt mỏi của cuộc sống, anh đã biết nơi đâu để anh lấy lại sức lực làm nốt những việc cho ngày sau, anh đã biết làm thế nào để tâm hồn mình không bị tổn thương như cách sống mà mọi người đã nghĩ. Thực sự anh hạnh phúc, anh an lòng rất nhiều vì nơi ấy là em, là người anh có thể mở rộng cánh cửa tâm hồn và đón vào lòng những giọt sương ban mai, những nụ hoa mới nở, những tiếng cười hồn nhiên, những hình ảnh thân thương nhất...
Và lúc này đây, anh đang âm thầm đi vào suy nghĩ của em, len lỏi vào cảm xúc của em để đi cùng em trên những quyết định. Anh có kịp lúc không em?
Trước khi bước ra khỏi nhà, em hãy ngước mặt lên trời, hãy nhìn những hình đẹp nhất, nơi chỉ có anh và em đang nhìn nhau và kể bao nhiêu chuyện vui của cuộc sống. Và hãy đặt tay nơi trái tim ấm, em sẽ cảm nhận từng nhịp đập nhẹ nhàng của tình yêu, nơi ấy có tình yêu của anh và sẽ đi cùng em đến bất cứ nơi đâu, cho dù nơi ấy là nơi nguy hiểm nhất. Anh sẽ mãi ở đó và chẳng sẽ đi đâu cả. Em nên nhớ điều lớn lao ấy nhé.
Và bây giờ em hãy bước ra khỏi nhà đi, phía trước mảnh sân lớn ấy đầy sự khô khốc của lá cây, của những vật dụng bỏ lại từ nhiều ngày tháng trước, đã có hai mầm xanh phá tung mặt đất mà nhô lên, xanh non và sẽ mạnh mẽ sống như chưa bao giờ được sống.
Anh vẫn luôn ở đó, chờ em quay lại! Hãy hứa với anh là em sẽ quay lại, em nhé!

Nghi

Chúng ta liệu có thích nghe sự thật không? Người xưa nói: "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng." Thế thì, sống thật cho đời bớt chật vật hay vì sống thật rồi cuộc đời sẽ ngày càng chật vật hơn? Hơi kì quái, nhưng thỉnh thoảng, tôi nghĩ đến một giải thuyết khác. Thực ra, đó là một trường phái tư duy đã được nói đến rất lâu rồi, tôi chỉ tình cờ ngờ ngợ rồi đến lúc tìm thấy mới thấu thôi. Bạn có quyền tin là đúng, còn người khác thì có quyền nghi hoặc. Sự thật ư? Liệu có phải chỉ là... bên nào nhiều lí lẽ thuyết phục hơn thì bên ấy thắng không?
Cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn không thể hoàn toàn chắc chắn về thế giới này, về những con người, những thế hệ, những nền văn minh... Khảo cổ, nghiên cứu chữ tượng hình thời xưa, hay tìm hiểu về những nền văn minh ngoài trái đất... gần như, tất cả các công trình nghiên cứu tựu chung là một loạt các chứng cứ và lí lẽ, để thuyết phục thời đại chúng ta có nên tin hay không vào những gì đã từng tồn tại. Nghiên cứu những bản án, nhất là hệ thống án lệ Anh - Mỹ, chúng ta sẽ thấy, cái gọi là oan hay ổn cũng tùy cách lí luận ở từng thời điểm. Trước khi con người nhận thức được nô lệ, nhận thức được giới tính thứ ba, thứ tư, sự việc diễn tiến theo một cách riêng. Quá trình ấy vẫn luôn tiếp diễn. Hiển nhiên như giết người lãnh án cũng không nằm ngoại lệ. Cho dẫu quá trình vận động lí lẽ ấy mang tính ngắn hạn hơn. Tôi từng dành nửa ngày để nghiền ngẫm 12 Angry men, một bộ phim cũ, xoay quanh chuyện tranh luận của 12 người đàn ông về một án tử hình. Xuất phát điểm là một nghi hoặc, rồi tất cả họ bắt đầu bất nhất, xung đột với nhau... Và cuối cùng khi những lí lẽ ngày một được tìm ra nhiều hơn, tất cả đã bỏ phiếu trắng, đồng nghĩa với hủy án. Một quá trình đổi trắng thay đen, chỉ bằng lập luận vậy! Nghe có chút điêu ngoa, nhưng liệu, có phải vấn đề chỉ luôn nằm ở chỗ: "Bạn có đủ lí lẽ để thuyết phục những người đang lắng nghe hay không?" 
Nói một cách tiêu cực, luận điệu này như muối xát thêm vào những nỗi oan khuất của xã hội xưa nay. Vậy đi chăng nữa, thì tôi cũng không muốn bàn đến ở đây. Hãy nói đến mặt tích cực của vấn đề, hãy nói đến một khía cạnh khác của vấn đề. Không phải chuyện bạn cần thuyết phục người khác như thế nào, mà là chuyện, tự chúng ta (trong cả hai vai người nói và người nghe) có nên tiếp tục nghi hoặc hoặc phản biện nữa không? Nghi hoặc đôi khi là một loại thuốc đắng, khá là tốt cho lòng tin. Thiết nghĩ, lòng tin không phải một viên kim cương lấp lánh. Niềm tin là một khối đá bạn phải mài giũa qua mỗi thời kì. Niềm tin nếu không dám chấp nhận để nghi hoặc làm chao đảo thì nó không có giá trị lắm. Nó chỉ là một khái niệm rỗng. Niềm tin tất nhiên là bền vững chứ, nhưng không phải một giá trị bất biến, hơn thế nó có thể tăng trưởng theo thời gian, nhờ cái nỗi nghi hoặc ngược ngạo ấy. Tất nhiên, đào xới và thử thách niềm tin là một điều tàn nhẫn, bạn có rủi ro làm sẽ làm suy giảm niềm tin. Chỉ là, nếu cuộc sống đưa đẩy đến những tình huống, hay chẳng may ta va vấp vào giữa thử thách, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn, không gào lên đau đớn, mà vững tin không sớm thì muộn, cũng tìm được đường thoát khỏi lung lạc. 
Có thể nhắc đến "Ruồi trâu" ở đây không? Có lẽ, tôi hơi cá biệt với mọi người, tôi không ngưỡng mộ Ruồi trâu lắm, hoặc là tôi buồn cho niềm tin của nhân vật đó. Ông đã nghi hoặc, để rồi qua cơn nghi hoặc ông có một niềm tin mới. Trách sao được? Ruồi trâu không tự quyết định phận mình, còn có tác giả và một xã hội đương đoạn ác nghiệt áp đảo niềm tin của ông. Một điển hình như "Ruồi trâu", để nhắc ta nhớ ra rằng, sự nghi hoặc là một cái chước khó bước qua. Nghi hoặc cũng là một thử thách. Đổi nghi hoặc lấy niềm tin, ta phải rao một cái giá rất đắt. Bởi thế, nhiều khi người ta sợ hãi sự nghi hoặc, thậm chí là cấm cản và lên án. Trẻ con không phải học khôn nhờ biết đặt câu hỏi không ngừng nghỉ sao? Hay chúng ta cho mình cái quyền chứng nhận bản thân đã khôn ngoan, để không còn phải thắc mắc, không còn nhu cầu cần giải đáp, để suốt một chặng đường biện luận, ta xóa dần những câu hỏi đi, thay vào đó bằng khẳng định, tham thán. Có những chuyện không biết tốt hơn, hoặc biết cũng chẳng để làm gì, ăn được ngủ được là được, bận tâm làm gì lắm. Vậy đấy! Cơ hội luôn đi cùng với rủi ro, hoặc là bạn tìm ra đường đi mới, hoặc là bạn sẽ bị lạc giữa mớ bòng bong. Can đảm bao nhiêu thì đủ? Nên khó lắm! 
Áp chế những câu hỏi, những nghi vấn và đồng thời chúng ta cũng không tìm được lí lẽ nào để bồi đắp thêm cho lập luận của mình. Phải chăng, chúng ta đang cố gắng đóng cửa tư duy của mình lại, trong khi miệng không ngừng vênh vang "take an open mind!"? Chúng ta chỉ bao dung cho suy nghĩ mình, bao dung cho cơn lười biếng trí tuệ của mình thôi. Open mind - tư duy mở hay nghĩ thoáng đi, chẳng qua là đòi hỏi một lối cư xử ôn hòa nhịn nhục, không bao hàm tính tự vấn và khám phá mới ở trong đó. Nó giống như việc ta ngồi dưới đáy giếng và bắt người trên mặt đất phải nghĩ thoáng cho ta, rằng: "Trời... thực ra nho nhỏ như cái miệng giếng ấy thôi!" Hóa ra, ta chỉ đang bắt người khác bao dung cho cái cố thủ của mình.
Những Copernic, Galiléo đã nghi vấn với lý lẽ của thời đại mình. Rồi như những trường phái: hình học phi Euclide, vật lí - hóa học cổ điển và hiện đại... Rõ ràng, nếu không có nghi hoặc, con người đã không tiến xa được đến vậy.
Rồi chúng ta thì sao, chẳng lẽ còn an nhiên đến vậy? Quẳng nghi hoặc đi mà sống chăng? 
Hãy cho nghi vấn có cơ hội được xưng tên! Vì tôi cần một xã hội cấp tiến!
P.S: Nhưng trung dung có phải là một thái độ không? Trung dung thì có tốt không? Tôi nghĩ là có và tốt chứ! Đôi khi, ta không cần tìm hiểu câu trả lời, chỉ cần nghiền ngẫm nghi vấn thôi là đủ. Hoặc là, ta không kiềm hãm cả nghi hoặc và lí lẽ, ta để cho cả hai cùng có quyền lên tiếng. Thay vì làm học giả góp giọng vào, ta ngồi lắng nghe và nghiền ngẫm. Đó chính là một cách nghĩ về trung dung. 

Anh chỉ là giấc mơ

Sáng thức giấc với một ngày mới của thương yêu. Sau những khắc khoải chờ mong, nắng đã trải vàng trên con đường ấm áp, hong khô những ướt át còn sót lại của cơn mưa muộn. Hôm nay, nắng thân thiện và dịu dàng đến lạ, chắc sẽ không còn tê tái trong đêm mưa gió buốt lạnh với cô đơn. Hôm nay, phố không mờ nhạt trong màn mưa trắng, không run rẩy trong cơn gió chẳng được mong chờ, nắng mang đến em niềm vui nho nhỏ, khẽ mỉm cười với ấm áp đang ngợp trái tim.
Hôm qua em gọi tên anh trong giấc mơ hư ảo, em bừng tỉnh với những hình ảnh vỡ vụn trong suy nghĩ về anh. Không biết đã bao lâu tình yêu thầm lặng ấy cứ thổn thức trong em với hàng ngàn cảm xúc rối bời, khác lạ. Em khép tâm trí giữa những khát khao vụng trộm, chỉ có anh với mùa Thu và cơn gió ngược đường những ước mơ, hy vọng. Em chỉ biết gọi anh, gọi người yêu dấu với trăm nhớ ngàn thương, những nỗi nhớ không tên cuối chiều nắng nhạt. Đã bao lần em tự hỏi mình là gì trong cuộc sống của nhau, có lẽ vì cứ mơ hồ như thế, mong manh như thế nên tình yêu này chỉ lay lắt đến chênh chao. Em đã sống bao ngày với niềm hạnh phúc gói ghém trong cả những hoang mang, để mặc cái ảm đạm có thừa trong Thu kéo dài lê thê trên lối về. Anh mang đến cho em cả một trời cảm xúc, những nỗi niềm chỉ có thể viết ra chứ không nói được thành lời, mang cả tình yêu lặng lẽ qua từng ánh nhìn, từng nốt nhạc. Tình yêu của mình không có bắt đầu, em sẽ không phải sợ câu chia tay mang theo một kết thúc. Anh chỉ là giấc mơ, em cũng không phải sợ có một ngày em sẽ đánh mất một nửa yêu thương. Nếu gặp gỡ là định mệnh thì giữa anh và em có lẽ là dấu chấm hỏi vô hồn, ai đã tước đi của em cái quyền được hy vọng! Em có thể chôn vùi khát khao cần có, nhưng lại sợ một ngày em sẽ phải cố quên. 
You are all in my eyes, are all my dear happiness and warmness
Cause I wish we met when you were free and I did not belong to anyone
Hôm nay, nắng nhẹ nhàng khép lại những u sầu của ngày mưa ẩm ướt, phố sáng bừng cho một ngày mới của chờ mong. Dường như mọi thứ đã không còn ý nghĩa so với yêu thương lúc này, khi niềm hạnh phúc mỗi lần nghĩ đến anh bao trùm lên tất cả thì những lo sợ, hoang mang kia dần lắng xuống thật sâu. Cảm xúc như vỡ òa, muốn chạy đến ôm lấy anh thật chặt, nắng ơi, hãy cho em tạm quên mất rằng anh chỉ là giấc mơ.
Ngày hạnh phúc…

Thật may vì mình vẫn chưa có quá nhiều...

Khi cơn bão lòng cuốn bình yên đi và ném nó vào một góc tối. Người ta chờ đợi cơn mưa chiều để cứu vớt một thứ gọi là cô đơn.
Có lần bạn ấy bảo tôi, đừng cười vào những ngày nắng, hãy để dành nụ cười cho những ngày mưa khi mà mọi thứ được bầu trời nhuộm xám xịt. Đó sẽ là một nụ cười đẹp. Như một thứ ánh sáng kì diệu làm sáng rõ góc phố bị màn mưa đục ngầu nhuộm xám trắng. Mà rồi, nụ cười ấy có cứu vớt được không - nỗi cô đơn?
Tôi không biết định nghĩa về cô đơn như thế nào mới đúng. Phố im lặng. Người ta cũng im lặng. Chỉ có nơi đây một mình mình ngồi nghĩ về một vài số thứ linh tinh. Tôi gọi cảm giác đó là cô đơn. Được chứ?
Những mất mát khiến con người thảng thốt. Mất mát lớn nhất trong những mất mát là có được. Đó chính là có được những thứ không thuộc về mình. Như thể đang nuôi dưỡng bên mình niềm tuyệt vọng thuộc về tương lai vậy. Ngày mà mọi thứ mất đi, không, nói đúng hơn là ngày mà mọi thứ trở về với đúng vị trí của nó, thì đó là ngày mà chúng ta biết rằng niềm tuyệt vọng kia đã trưởng thành. Tôi, hình như vẫn chưa đến mức ngu dại để chơi đùa với cuộc sống bằng việc đem cái mầm của niềm tuyệt vọng ấy gieo vào tim.
Xem như trước mắt mình có những vạch ngang màu xám. Phía bên kia vạch màu xám ấy đầy rẫy những thứ không thuộc về mình mà chỉ cần bước tới một bước nhỏ và đưa tay ra là bắt được. Cho đến phút cuối, nếu níu nổi mình, nếu giữ cho bước chân kia khỏi chênh chao để rồi vượt khỏi ranh giới ấy thì nụ cười sẽ không cần phải gượng gạo nhiều. Có nghĩa là không phải đau nhiều.
Tôi đã nói rồi, tôi là một đứa sợ đau. Cho nên, đứng trước nỗi cô đơn không mấy hiền lành kia, nghĩ về những được - mất, bỗng dưng cảm thấy thật may vì mình vẫn chưa có quá nhiều.
Và ừ, cũng thật may, vì cho đến bây giờ tôi vẫn chưa muốn có quá nhiều.

Sự chờ đợi của hung thần

Ảnh minh họa
Chờ đợi là tàn nhẫn. Người chờ đợi đôi khi cũng vì sự tàn nhẫn ấy mà trở nên tàn nhẫn? Mình đã từng nghĩ, giá mà có thể dành cho ai đó một sự trừng phạt giống như sự trừng phạt mà gã hung thần dành cho lão đánh cá thì thật tốt.
Thế kỉ đầu tiên, gã nói rằng, ai cứu gã ra khỏi cái lọ thủy tinh, gã sẽ cảm tạ bằng giàu sang, bằng phú quý, bằng mọi thứ tốt đẹp nhất trên thế gian. Thế kỉ thứ hai, nếu có ai đó cứu gã,  gã sẽ ban cho một cuộc sống sung túc. Thế kỉ thứ ba, chỉ cần có ai đó mở cái nắp lọ thủy tinh, gã sẽ không ăn thịt người đó. Nhưng rồi, đến thế kỉ thứ tư, sự chờ đợi cũng đạt đến cực hạn. Gã bắt đầu hận thế giới này, gã tự nhủ trong lòng, giờ phút này chỉ cần ai đó cứu gã, gã sẽ giết chết con người kia ngay lập tức.
Đó là sự chờ đợi của hung thần. Thời gian của những con người tự do trôi qua như một cái chớp mắt. Nhưng thời gian dành cho những kẻ bị giam cầm lại là địa ngục mỗi phút mỗi giây. Ngày dài đến mức tưởng như vô tận. Gã đã chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi ai đó đến cứu mình. Chỉ cần thoát khỏi nơi này thì cho dù cái giá phải trả đắt như thế nào cũng có thể chấp nhận. Nhưng rồi thì sao? Không ai đến cả. Không ai đến nên cái niềm tuyệt vọng trong gã càng lúc càng lớn lên, cho đến một ngày, tuyệt vọng ấy chuyển thành hận thù. Gã tuyên bố kẻ thù của gã chính là kẻ dám mở nắp của chiếc lọ thủy tinh này – nơi giam cầm gã suốt những thế kỉ qua. Bởi vì nghĩ rằng, suốt những năm tháng sống trong địa ngục ấy, sao không ai đến? Để rồi đến khi bắt đầu quen dần với cuộc sống địa ngục lại thả gã trở về với tự do?
Có phải chờ đợi quá lâu khiến con người ta trở nên tuyệt vọng và tàn nhẫn? Để cho đến khi kết thúc sự chờ đợi, có hay không một cái kết đẹp cũng chẳng còn quan trọng với họ?
Nếu có một người khiến mình phải đợi lâu thật lâu, lâu đến mức quen mất cái cảm giác ngồi một mình, rồi đến một lúc nào đó mình không thể, cũng không muốn chờ đợi nữa, thì đột nhiên xuất hiện bảo rằng “tôi đã đến” thì mình sẽ như thế nào? Cảm ơn vì cuối cùng cũng đến? Hay là oán hận vì đã bắt mình chờ đợi quá lâu?
Người ta bảo rằng, nếu đã là tự nguyện thì mọi kết cục đều là do bản thân mình. Nếu mọi thứ đều chỉ do một mình mình ảo tưởng thì kẻ có lỗi là chính mình chứ không phải ai khác. Gã hung thần kia, có ai hứa với gã rằng sẽ đến cứu gã không? Không có! Cho nên sự tàn nhẫn đó dù là vì bất kì lý do gì đi nữa đều là đáng trách. Mình biết.
Nhưng mà, còn mình? Rõ ràng là đã hứa rồi, nhưng sao vẫn không đến? Nếu như mình muốn nổi loạn như vậy thì có đáng trách không?

Saturday, September 21, 2013

Chẳng ai có thể hiểu ai đâu…

Đôi lúc tự hỏi mình khoảng thời gian nào trong ngày ta thấy buồn nhất?
Ngẫm nghĩ…
Giờ đang là buổi chiều, nhưng không phải là lúc ta buồn nhất đâu. Chỉ là muốn viết lại cái khoảnh khắc mà ta buồn nhất, kèm theo một chút suy nghĩ thôi.
Còn lúc nào ta buồn nhất ư?
Hình như là buổi sáng,
Là lúc ta thức dậy, còn miên man trong những giấc mơ, lãng du chốn nào đó mà chưa kịp trở về với thực tại. Là lúc còn vương những suy nghĩ của ngày hôm qua mà chẳng có phép mầu nào có thể xóa sạch ngay trong chốc lát. Cũng là lúc, chợt thấy mình cô đơn giữa dòng đời đầy bon chen, xô bồ.

Cuộc sống phức tạp, chợt nhận ra con người mình cũng phức tạp chẳng kém. Cười đó, khóc đó, chẳng ai hay. Hồi bé chỉ cần ai véo tai một cái, đau một tí thôi cũng khóc, chỉ cần một câu trêu không vừa ý của anh trai, cũng khóc. Mà có ai ở đó lại cố ý khóc thật to, để tỏ vẻ đáng thương, và mong ai đó dỗ dành. Lớn lên lại khác. Có lúc chẳng phải trêu, bị chửi thật đấy, nhưng cứ trơ ra như tai không nghe, mắt không thấy, lòng chẳng đau, thì lệ cũng chẳng rơi. Trước mặt mọi người, chả dại gì để hai hàng mi ướt, như thế chẳng phải là mình. Ấy thế mà, lúc chẳng còn ai ở bên, lại tự cho phép những ngấn lệ tuôn trào, chẳng mảy may quan tâm đến việc phải cố lau nó đi. Rồi có khi bất giác có ai đó ngang qua, vội gạt sạch những gì vương lại trên mi, và, khuôn mặt lại rạng ngời như chưa từng khóc. Đôi lúc vui thì khóc, buồn lại cười. Rồi lại có lúc, vui cũng cười, mà buồn cũng cười cứ như nụ cười sinh ra mang một sứ mệnh đặc biệt, là làm sao qua mắt được người đối diện, để họ không thể đọc được một tí chút nào suy nghĩ của ta. Suốt ngày khóc thì người ta sẽ bảo con bé đó đang buồn nên mới vậy. Còn suốt ngày cười, mà cười hả hê, cười như chưa bao giờ vui ấy, thì sẽ có người bảo ta điên. Mà người điên lúc nào cũng cười thật. Vì người điên đâu biết buồn? Hóa ra điên một chút thì đời lại bớt đi một chút buồn?
Lang thang trên mạng lại hay vấp phải những dòng status đầy tâm trạng, hay thậm chí là giận hờn, oán trách nhau của những chàng trai, cô gái (mà nói chung là đa số mọi người), rằng “sao anh không hiểu em”, “sao em chẳng chịu hiểu cho anh”, “mày chả hiểu tao gì cả”… Cũng có người vô tư lắm, thành ra vô tâm, nên chẳng bao giờ hiểu người khác (mà chính xác là không nhận ra được sự thay đổi tâm trạng của người khác). Mà nói vậy thôi, chứ làm gì có người nào vô tư đến mức đó đâu, chỉ là cách biểu hiện của họ thế nào, làm ta không hiểu được. Đó, chỉ thế thôi là cả hai không hiểu nhau. Đơn giản chưa? Trách nhau làm gì cho đời thêm một tảng đá đè nặng lên tâm hồn. Trách nhau làm gì để rồi lại tạo ra những vết xước trên gương mặt hồn nhiên của kỉ niệm. Trách nhau làm gì? Khi mà ngay bản thân ta cũng không hiểu nổi ta. Thì làm sao bảo ai hiểu ta cho được. Làm sao có ai thần thông quảng đại đến mức đọc được cả những điều ta chưa  nói? Thế hóa ra còn hơn cả nhà ngoại cảm ư? Khó hơn cả lên trời. Nhưng suy cho cùng, chẳng bao giờ hiểu được ai đó một cách hoàn hảo. Có thể cố gắng bằng cách huy động tối đa “tài năng thiên bẩm” là sự tò mò. Ta đi qua mọi ngóc ngách của cuộc sống ai đó để hi vọng rằng có thể hiểu được họ. Nhưng than ôi, làm sao mà làm được điều đó? Tò mò là con dao hai lưỡi, không cẩn thận lại đứt tay, đau, rồi lại khóc. Thế nên, biết ít thôi, cái gì quá nhiều cũng dễ khiến ta đau quá nhiều. Sống đơn giản, biết ít một chút, lại hóa hay. Như thế có lẽ cuộc đời sẽ nhẹ nhàng hơn biết mấy.
Nhớ đấy… Chẳng ai có thể hiểu ai đâu. Đừng tự huyễn hoặc mình bằng những điều biết chắc là không thể…

Những lần buông tay nhau, trên đường.

Tôi rất thích nhìn những cái nắm tay của các cặp tình nhân vô tình bắt gặp trên đường.
Không phải ôm, càng chẳng phải nụ hôn níu chặt.
Bởi tôi nghĩ, khi hai người ngừng ôm và hôn nhau, cảm giác còn đọng lại sẽ là dư âm của sự ngọt ngào ấm áp của hai tâm hồn hòa nhịp làm một. Nhưng, khi hai bàn tay buông ra khỏi nhau - dường như đi cùng bao giờ cũng là nỗi niềm hụt hẫng, xa xôi nhất định.
Một buổi chiều ngồi trong quán cafe quen thuộc, nhìn sang bàn bên cạnh là một cặp đôi - với hai bàn tay đan xen nắm chặt. Tôi bỗng nán ánh mắt nơi họ lâu hơn và mỉm cười nghĩ ngợi, cái nắm tay nhẹ nhàng kia, như sợi dây kết nối hai người với nhau để rồi chỉ cần ngồi bên lặng lẽ như thế này thôi, nhưng ánh mắt trao nhau trìu mến cùng hơi ấm nơi bàn tay người mình yêu thương - cũng đã đủ trọnvẹn cho hai chữ "hạnh phúc". Bẵng đi một lúc tạm quên động tĩnh của đôi trai gái bàn bên để tập trung cho công việc, tôi lại vô tình đưa mắt nhìn sang. Và nhận ra trên bàn không còn hiện hữu cái nắm tay chặt như vừa nãy nữa. Hai bàn tay giờ đây đã mỗi bên một việc - khi mà cô gái mơ màng đưa lên chống cằm nhìn ra cửa sổ, còn chàng trai hình như đang bận rộn trả lời tin nhắn của ai đó.



Từ khi là một đứa trẻ, cho đến hiện tại đã vượt qua ngưỡng 20. Tôi vẫn luôn mang trong mình một yếu điểm khó chữa, đó là: sợ đi qua đường. Còn nhớ một cô bạn đã bảo rằng trạng thái của tôi khi băng qua đoạn đường tấp nập trông chẳng khác gì cuốn phim bị dừng đột ngột, khi mà trong khoảnh khắc trước mặt là một chiếc ô tô vội vã lao tới còi rú inh ỏi, tôi sẽ như bị mất hoàn toàn khả năng kiểm soát và đứng khựng lại ngơ ngác không biết nên tiến lên hay lùi xuống để tránh xa. Thế nên lâu dần, bạn bè chơi thân đã quá quen với việc tự động nắm lấy tay tôi mỗi khi đứng trước một đoạn đường tấp nập ồn ã. Hành động đó khiến tôi rất cảm kích, nhưng rồi khi dòng xe nguy hiểm kia đã ở phía sau lưng, tâm trí tôi lại thường lan man câu hỏi: rồi ai sẽ là người buông tay ra trước đây? Nếu như tôi chủ động bỏ ra, liệu bạn tôi có buồn? Và trong trường hợp ngược lại, thì cảm giác hụt hẫng gần như bị "bỏ rơi" sẽ theo tôi bao lâu?
Nắm tay và ôm, hôn - đều là những hành động để chúng ta thể hiện tình cảm của mình dành cho người yêu thương. Nhưng khác với ôm hồn, khi hai người nắm tay nhau họ vẫn có thể thoải mái đi dạo, trò chuyện, nghe điện thoại, check facebook... như bình thường. Cũng bởi vì thực hiện dễ dàng như vậy, nên gần như khi hai bàn tay đan vào nhau, (trong thời gian ngắn) sẽ rất khó bị tách rời bởi điều kiện ngoại cảnh tác động như người ngoài nhòm ngó hay chốn đông người dị nghị...vv... mà chủ yếu hầu hết đều phụ thuộc vào suy nghĩ bên trong chúng ta. Để rồi khi một bàn tay quyết định buông ra, bàn tay kia vì chưa được báo trước mà hẫng hụt chơ vơ rồi dần dần thu lại, và gần như đi kèm theo đó bao giờ cũng là không khí trở nên ngập ngừng gượng gạo đi đôi phần.
Khi mà, người vì nhiều lý do mà buông trước thì ngại ngần day dứt.
Người còn lại quanh quẩn lo âu với những thắc mắc tại sao.
Nhưng rồi rõ ràng, hai bàn tay của hai người, làm sao có thể mãi mãi gắn chặt lấy nhau (ngoại trừ trường hợp gắn keo 502). Nên dù lại ngại ngần, là sẽ xa xôi hơn trong khoảnh khắc ấy, thì những cái buông tay nhau vẫn luôn được bắt gặp trên đường đi, và hiện hữu trong cuộc đời mỗi người.


Vài tháng trước, tôi có nghe câu chuyện kể về giả thuyết "con chim và cái lồng", khi mà: "Tình yêu sẽ bền chặt hơn nếu một người làm con chim tự do bay nhảy, người còn lại sẽ là cái lồng để bảo vệ, chở che và luôn chờ đợi con chim bay về". Cũng tương tự như thế, tôi nghĩ, trong bất kỳ một mối quan hệ nào, đời đời chẳng bao giờ có cái gọi là "bên nhau mãi mãi", hay "nắm tay đi bên nhau suốt chặng đường dài", bởi vì như nắm cát đặt trong bàn tay, nếu ta càng nắm chặt, càng muốn giữ nó mãi bên mình, thì cát cũng sẽ càng theo đó mà rơi ra khỏi tầm kiểm soát.
Tình yêu là chuyện của hai người, và trong hai người ấy thì một bên phải đóng vai trò dịu dàng buông tay ra trước, kiên nhẫn ở bên khi đối phương nóng nảy tức giận vì những suy đoán nghi ngờ. Vì rõ ràng, phải có những lần buông, mới có thêm rất nhiều lần nắm giữ. Phải tự do một mình, mới trân trọng hơn những khi trọn vẹn bên nhau.