Chúng
ta liệu có thích nghe sự thật không? Người xưa nói: "Thuốc đắng dã tật,
sự thật mất lòng." Thế thì, sống thật cho đời bớt chật vật hay vì sống
thật rồi cuộc đời sẽ ngày càng chật vật hơn? Hơi kì quái, nhưng thỉnh
thoảng, tôi nghĩ đến một giải thuyết khác. Thực ra, đó là một trường
phái tư duy đã được nói đến rất lâu rồi, tôi chỉ tình cờ ngờ ngợ rồi đến
lúc tìm thấy mới thấu thôi. Bạn có quyền tin là đúng, còn người khác
thì có quyền nghi hoặc. Sự thật ư? Liệu có phải chỉ là... bên nào nhiều
lí lẽ thuyết phục hơn thì bên ấy thắng không?
Cho
đến tận ngày nay, chúng ta vẫn không thể hoàn toàn chắc chắn về thế
giới này, về những con người, những thế hệ, những nền văn minh... Khảo
cổ, nghiên cứu chữ tượng hình thời xưa, hay tìm hiểu về những nền văn
minh ngoài trái đất... gần như, tất cả các công trình nghiên cứu tựu
chung là một loạt các chứng cứ và lí lẽ, để thuyết phục thời đại chúng
ta có nên tin hay không vào những gì đã từng tồn tại. Nghiên cứu những
bản án, nhất là hệ thống án lệ Anh - Mỹ, chúng ta sẽ thấy, cái gọi là
oan hay ổn cũng tùy cách lí luận ở từng thời điểm. Trước khi con người
nhận thức được nô lệ, nhận thức được giới tính thứ ba, thứ tư, sự việc
diễn tiến theo một cách riêng. Quá trình ấy vẫn luôn tiếp diễn. Hiển
nhiên như giết người lãnh án cũng không nằm ngoại lệ. Cho dẫu quá trình
vận động lí lẽ ấy mang tính ngắn hạn hơn. Tôi từng dành nửa ngày để
nghiền ngẫm 12 Angry men, một bộ phim cũ, xoay quanh chuyện tranh luận
của 12 người đàn ông về một án tử hình. Xuất phát điểm là một nghi hoặc,
rồi tất cả họ bắt đầu bất nhất, xung đột với nhau... Và cuối cùng khi
những lí lẽ ngày một được tìm ra nhiều hơn, tất cả đã bỏ phiếu trắng,
đồng nghĩa với hủy án. Một quá trình đổi trắng thay đen, chỉ bằng lập
luận vậy! Nghe có chút điêu ngoa, nhưng liệu, có phải vấn đề chỉ luôn
nằm ở chỗ: "Bạn có đủ lí lẽ để thuyết phục những người đang lắng nghe
hay không?"
Nói
một cách tiêu cực, luận điệu này như muối xát thêm vào những nỗi oan
khuất của xã hội xưa nay. Vậy đi chăng nữa, thì tôi cũng không muốn bàn
đến ở đây. Hãy nói đến mặt tích cực của vấn đề, hãy nói đến một khía
cạnh khác của vấn đề. Không phải chuyện bạn cần thuyết phục người khác
như thế nào, mà là chuyện, tự chúng ta (trong cả hai vai người nói và
người nghe) có nên tiếp tục nghi hoặc hoặc phản biện nữa không? Nghi
hoặc đôi khi là một loại thuốc đắng, khá là tốt cho lòng tin. Thiết
nghĩ, lòng tin không phải một viên kim cương lấp lánh. Niềm tin là một
khối đá bạn phải mài giũa qua mỗi thời kì. Niềm tin nếu không dám chấp
nhận để nghi hoặc làm chao đảo thì nó không có giá trị lắm. Nó chỉ là
một khái niệm rỗng. Niềm tin tất nhiên là bền vững chứ, nhưng không phải
một giá trị bất biến, hơn thế nó có thể tăng trưởng theo thời gian, nhờ
cái nỗi nghi hoặc ngược ngạo ấy. Tất nhiên, đào xới và thử thách niềm
tin là một điều tàn nhẫn, bạn có rủi ro làm sẽ làm suy giảm niềm tin.
Chỉ là, nếu cuộc sống đưa đẩy đến những tình huống, hay chẳng may ta va
vấp vào giữa thử thách, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn, không gào lên đau
đớn, mà vững tin không sớm thì muộn, cũng tìm được đường thoát khỏi lung
lạc.
Có
thể nhắc đến "Ruồi trâu" ở đây không? Có lẽ, tôi hơi cá biệt với mọi
người, tôi không ngưỡng mộ Ruồi trâu lắm, hoặc là tôi buồn cho niềm tin
của nhân vật đó. Ông đã nghi hoặc, để rồi qua cơn nghi hoặc ông có một
niềm tin mới. Trách sao được? Ruồi trâu không tự quyết định phận mình,
còn có tác giả và một xã hội đương đoạn ác nghiệt áp đảo niềm tin của
ông. Một điển hình như "Ruồi trâu", để nhắc ta nhớ ra rằng, sự nghi hoặc
là một cái chước khó bước qua. Nghi hoặc cũng là một thử thách. Đổi
nghi hoặc lấy niềm tin, ta phải rao một cái giá rất đắt. Bởi thế, nhiều
khi người ta sợ hãi sự nghi hoặc, thậm chí là cấm cản và lên án. Trẻ con
không phải học khôn nhờ biết đặt câu hỏi không ngừng nghỉ sao? Hay
chúng ta cho mình cái quyền chứng nhận bản thân đã khôn ngoan, để không
còn phải thắc mắc, không còn nhu cầu cần giải đáp, để suốt một chặng
đường biện luận, ta xóa dần những câu hỏi đi, thay vào đó bằng khẳng
định, tham thán. Có những chuyện không biết tốt hơn, hoặc biết cũng
chẳng để làm gì, ăn được ngủ được là được, bận tâm làm gì lắm. Vậy đấy!
Cơ hội luôn đi cùng với rủi ro, hoặc là bạn tìm ra đường đi mới, hoặc là
bạn sẽ bị lạc giữa mớ bòng bong. Can đảm bao nhiêu thì đủ? Nên khó
lắm!
Áp
chế những câu hỏi, những nghi vấn và đồng thời chúng ta cũng không tìm
được lí lẽ nào để bồi đắp thêm cho lập luận của mình. Phải chăng, chúng
ta đang cố gắng đóng cửa tư duy của mình lại, trong khi miệng không
ngừng vênh vang "take an open mind!"? Chúng ta chỉ bao dung cho suy nghĩ
mình, bao dung cho cơn lười biếng trí tuệ của mình thôi. Open mind - tư
duy mở hay nghĩ thoáng đi, chẳng qua là đòi hỏi một lối cư xử ôn hòa
nhịn nhục, không bao hàm tính tự vấn và khám phá mới ở trong đó. Nó
giống như việc ta ngồi dưới đáy giếng và bắt người trên mặt đất phải
nghĩ thoáng cho ta, rằng: "Trời... thực ra nho nhỏ như cái miệng giếng
ấy thôi!" Hóa ra, ta chỉ đang bắt người khác bao dung cho cái cố thủ của
mình.
Những
Copernic, Galiléo đã nghi vấn với lý lẽ của thời đại mình. Rồi như
những trường phái: hình học phi Euclide, vật lí - hóa học cổ điển và
hiện đại... Rõ ràng, nếu không có nghi hoặc, con người đã không tiến xa
được đến vậy.
Rồi chúng ta thì sao, chẳng lẽ còn an nhiên đến vậy? Quẳng nghi hoặc đi mà sống chăng?
Hãy cho nghi vấn có cơ hội được xưng tên! Vì tôi cần một xã hội cấp tiến!
P.S: Nhưng
trung dung có phải là một thái độ không? Trung dung thì có tốt không?
Tôi nghĩ là có và tốt chứ! Đôi khi, ta không cần tìm hiểu câu trả lời,
chỉ cần nghiền ngẫm nghi vấn thôi là đủ. Hoặc là, ta không kiềm hãm cả
nghi hoặc và lí lẽ, ta để cho cả hai cùng có quyền lên tiếng. Thay vì
làm học giả góp giọng vào, ta ngồi lắng nghe và nghiền ngẫm. Đó chính là
một cách nghĩ về trung dung.
No comments:
Post a Comment