Trong
nhà, lúc nào cũng cần phải có một người đàn ông thật mạnh mẽ. Người đó
có thể là bố, anh, em trai, chồng (tương lai) hoặc ai đó. Nhưng nhất
định phải là một người đàn ông.
Tôi
không đánh giá thấp vai trò của những người phụ nữ trong gia đình nhưng
trong suy nghĩ của tôi, người đàn ông bao giờ cũng có quyền lực hơn. Và
phải là một người đàn ông mạnh mẽ!
Tôi
ghét cái cảm giác cái gì cũng đặt lên vai mình, lên vai những người phụ
nữ nhỏ bé. Dù họ có mạnh mẽ hay tỏ ra mạnh mẽ đến đâu thì trong sâu
thẳm bên trong, vẫn luôn có một phần yếu đuối ngự trị. Và vì thế họ cần
một chỗ dựa, hoặc là về vật chất, hoặc là về tinh thần và tốt hơn nếu là
cả 2.
Người
đàn ông ấy không cần phải sử dụng sức mạnh gia trưởng để đàn áp những
thành viên khác trong gia đình và bắt họ làm theo ý muốn của mình. Người
đó chỉ đơn giản dùng tình cảm và sức mạnh lý trí khách quan của bản
thân để thuyết phục những người khác làm theo.
Gia
đình tôi có 4 người. Bố mẹ, em trai và tôi. Tôi có cảm giác mẹ là người
nắm quyền lực trong nhà, thường thì bố sẽ phải nhượng bộ mẹ. Thế nhưng
có việc gì quan trọng mẹ cũng nói với bố và người quyết định cuối cùng
là bố. Điều này đem lại cho tôi cảm giác an toàn và được che chở.
Khi
cần quyết định bất cứ chuyện gì, người đầu tiên tôi nghĩ tới là bố. Rất
khó để mở lời kể chuyện của mình cho người khác nhưng nếu đó là một
việc quan trọng thì dù khó thế nào tôi cũng mong nhận được lời khuyên từ
bố mẹ.
Một
cách khách quan mà nói thì họ không phải là những nhà thông thái, cũng
không giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào, càng không có thành tựu nào đáng
kể nhưng với tôi, chỉ cần họ lắng nghe và đưa ra lời khuyên là đủ. Dù
nhiều lúc nghe xong tôi vẫn gắt lên "Trời ạ. Nói như bố thì còn nói làm gì. Thôi để con tự quyết định vậy".
Nhớ hồi luyện thi ĐH, phân vân, cân nhắc mãi không biết nên chọn trường nào, tôi vẫn thường hét lên trong bữa ăn "Bố. Nói cho con biết đi. Phải chọn trường nào giờ". Và câu trả lời của bố là "Bố không biết. Cái này tùy thuộc vào chọn thôi. Chọn cái nào phù hợp với sức mình, sau này ra trường xin việc dễ dàng là được".
Trời, nghe xong chỉ muốn độn thổ. Thế mà bữa cơm nào tôi cũng hỏi, dù
câu trả lời lúc nào cũng giống nhau. Đơn giản vì cái cảm giác người đàn
ông mạnh mẽ nhất trong gia đình nói thì sẽ thấy yên tâm hơn.
Hoặc
là khi phân vân không biết làm gì tôi cũng vẫn thường kể với bố, chỉ để
bố biết về chuyện đó, nhỡ sau này tôi có phạm sai lầm thì cũng không
phải kể lại từ đầu và cũng có thể đổ lỗi cho bố sao hồi đó không bảo với
con thế này, thế kia. Rồi lại gào lên và câm nín chỉ sau vài phút.
Ngoài
mạnh mẽ, quyết đoán, người đàn ông ấy cũng cần phải có trách nhiệm.
Trách nhiệm với quyết định, với lời nói của mình. Đừng buông lơi câu
nói. Lời nói gió bay nhưng chỉ một câu thôi, in đậm mãi trong tâm trí
những thành viên khác trong gia đình thì khi họ không có trách nhiệm,
mãi mãi không lấy lại được niềm tin của mọi người.
Nhớ
có lần cách đây lâu lắm rồi tôi xin bố đi chơi. Xin mãi, xin mãi. Bố
đồng ý nhưng sau lại nói không. Cái cảm giác ấy tệ khủng khiếp khi mà
lời đã nói ra mà lại có thể thu hồi lại chóng vánh và phũ phàng như vậy.
Tôi khóc cả đêm chỉ vì ấm ức. Người lớn nên có trách nhiệm với lời nói
và hành động của mình.
Tôi
tin tưởng vào quyết định của những người đàn ông trong gia đình nhưng
nếu họ không chịu nghe lời khuyên, góp ý của các thành viên khác mà
khăng khăng làm theo ý muốn của mình thì lại không thể chấp nhận được.
Tôi
là một đứa ngang bướng và có một sự khó chịu nhẹ ẩn sâu sau khuôn mặt
có vẻ hòa nhã. Tôi không thích những người không có chính kiến hoặc cái
gì cũng nói tùy. Là con gái, tôi thích dựa dẫm vào người khác, bản thân
chỉ cần mạnh mẽ ở một mức vừa đủ là được. Vậy nên tôi cần một người có
đủ sức mạnh để xoa dịu sự hiếu thắng của tôi khi tranh luận, một người
khiến tôi cười ngay cả khi chỉ muốn khóc và ở một mình, một người có thể
đưa ra mọi lời khuyên dù thỉnh thoảng tôi thấy nó ngớ ngẩn như suy nghĩ
của một đứa trẻ,...