Wednesday, July 31, 2013

Nhẫn

Tôi là một người hay than phiền. Và người ta nói: "Bánh xe ít dầu mỡ thì kêu to, còn người thiếu tính kiên nhẫn thì hay than phiền."
Thế rồi, tôi hay làm một số việc, cảm giác rằng sẽ giúp tôi chữa được cái bệnh thiếu kiên nhẫn ấy.
Tôi đi du lịch, với mục đích để luyện sức bền, để xem mình sức mình có thể đi bộ được đến đâu. Thực ra, không phải tôi đo đạc sức vóc mình, tôi chỉ muốn đi bộ, đi lâu nhất và xa nhất có thể... Ngoài chuyện đi bộ, chẳng biết từ bao giờ, tôi hay để máy nghe nhạc ở chế độ lặp lại 1 bài. Thật không tưởng tượng được là tôi cứ nghe đi nghe lại một bài hát, từ nửa tiếng đến một giờ đồng hồ mà không buồn chuyển. Việc làm đó, đôi khi, chính là cách nhanh nhất để chán ghét một bài hát, đôi khi, lại chính là cách tốt nhất để thực sự yêu thích một bài hát. Tôi nghĩ thế. 
Thực đơn trong nhiều tuần liền của tôi cũng đến là ngán ngẩm, cứ độc mỗi một món từ ngày này sang ngày khác. Bạn sẽ phải hỏi rằng sống như thế mà không chán à? Đúng là nghe cái sự tua đi tua lại một tập phim, từ chuyện ăn, chuyện chơi cho đến chuyện thưởng thức nghệ thuật như thế thì đơn điệu quá. Nhưng, ở một khía cạnh nào đó, nó giống như việc bạn đang luyện thiền cho trí não, xào xới thể chất và tinh thần, đòi buộc bạn phải sáng tạo trong điều kiện khô cằn nhất. Không thêm một nhân tố mới nào vào đời sống vốn dĩ, bạn buộc mình phải xoay sở trong cái đám quen thuộc đến mòn con mắt ấy. 
Lúc lựa chọn thì hầu như là vô thức. Sau đó, ngẫm nghĩ một chút, tôi đoán, tự sự vô thức cũng đang muốn giúp tôi tập tành tính kiên trì. Tôi bắt gặp triết lí về đoạn đường dài và đoạn đường ngắn trong một truyện ngắn. Nhiều người thích chọn con đường ngắn. Tôi thì đeo đuổi con đường, mà đến người ngoài, cũng trông thấy là dài. Tôi không ngại việc đi đường dài, bởi tôi biết, mỗi người có một con đường riêng. Con đường ngắn không nhất thiết phải là con đường tốt nhất và dễ đi nhất. Con đường dài lại đương nhiên... không phải luôn là khó đi, hơn nữa, đó mới chính là lối phù hợp nhất.
Sự thực thì, phải đến khi chân rã rời, hoặc tận lúc ai đó bảo bạn dừng lại nghỉ ngơi, bạn mới biết mỏi chân là thế nào. Đi thì vui chứ mệt gì! Rồi ngày hôm sau, nhức gối mỏi khớp thì mới biết đâu là sự đánh đổi cho niềm vui. Sau một thời gian đi đường dài, những sự trắc trở cứ vùn vụt qua, như thể chỉ bằng thời gian cho một cốc nước đắng. Nghỉ ngơi lâu quá, tôi đâm ra hoang mang, lo sợ và chán nản. Vì đâu? Vì những điều chẳng dễ mà nhận ra, chẳng đượm lâu mà hiểu thấu...
Ta không thể cùng lúc vừa làm vận động viên chạy cự li 100m vừa làm quán quân marathon. Ta không thể cùng một lúc vô địch cả cuộc đua sức bền lẫn sức bật. Họa may là điều thần kì trong thế vận hội?!? Nhưng cuộc đua đường đời thì quá dài, quá lâu và quá nhiều nhân tố pha tạp để ta có thể gồng mình đến mức ấy. Nếu đã chọn một con đường dài, đừng chạy ào ào như loài thỏ! Đừng hấp tấp như thể chỉ cần qua vạch mốc kia là ta sẽ về đích! Cuộc đua còn dài lắm, hơn nữa, ở đoạn này đoạn kia, sự phân bổ sức vóc nó cũng khác đi nhiều... Khởi đầu cần một hành trang nặng nề hơn. Xuất phát cần nhiều động lực hơn. Và để về đích thì cần nhiều nhẫn nại hơn. Có lẽ, cứ làm một chú rùa, cứ thư thái mà bước. Rùa sống ở biển, rùa biết biển rộng đến bao nhiêu và đường trên bờ thì dài muôn trùng. Rùa biết mình chậm chạp, nhưng nếu không đi thì bao giờ mới về tới? Cứ chầm chậm mà đi, cứ bình tĩnh mà đi. Hơi có chút trớ trêu giống rùa, đã đi chậm còn đi vào con đường dài quá độ...
Người ta nói rằng, kẻ thành công không phải là kẻ tài năng nhất mà chính là kẻ dám đi đến cùng. Cứ đứt gánh giữa đường thì bao giờ mới về đến đích, nhỉ? Bởi vậy, người làm nên chuyện không phải kẻ vung kèn múa trống lúc khai trương, mà là kẻ qua bao nhiêu sóng gió vẫn bám lấy cơ nghiệp, cho đến ngày hoa trái thực sự chín. Doanh nhân kể chuyện làm ăn mà không có cái thời khó khăn thì lấy đâu ra chuyện của ông ta hấp dẫn? Ta cứ trông Steve Jobs thì rõ. Còn nữa, người ta bảo, tình đầu đẹp vì dang dở. Thiết nghĩ, chỉ có lúc đang dở dở thì ta mới phán ra câu ấy. Thưa rằng câu ấy đúng, nếu bạn đang đọc tiểu thuyết, đang cần một cái gì đó đánh động cho câu truyện giống sự phức tạp của cuộc sống. Như cái việc ném một hòn đá xuống hồ lặng sóng, người ta không thấy yên khi đang hưởng thụ sự yên bình. Quên đi rằng bên trong sự yên bình ấy mọi sự đều đang vận động. Người ta cứ thích khuấy động cuộc đời lên nhiều nữa... Một người thực sự sống có trách nhiệm và suy nghĩ nhiều cho điều lạc quan sẽ khen ngợi chuyện tình già nhiều hơn. Người ta ghen tị với hạnh phúc tuổi già hay lo sợ cho cái bi ai của tuổi già mà lãng quên họ? Tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết, nếu là vợ chồng già, chữ Nhẫn đã giúp họ giành được vòng nguyệt quế. Chuyện tình của họ không nằm trên trang tiểu thuyết tình đầu nào đó mà triệu triệu người đọc và triệu triệu người mê. Chỉ là những điều nho nhỏ kể giữa con và cháu, kể giữa ông hàng xóm và bà hàng xóm, cần chừng ấy sự ngưỡng mộ thôi... thậm chí, chỉ cần họ vui vì bao nhiêu năm tháng ấy thôi, thế là đã đủ hạnh phúc lắm rồi! Giữa sự bất nhất và một thời tuổi trẻ giông bão, như "một phút huy hoàng rồi chợt tắt" với sự kiên định và an nhiên, tôi ngưỡng mộ tuổi già hơn. Nếu hoài bão lớn và đủ kiên trì cho đến khi tới đích, người ta ắt hẳn sẽ thành công vô cùng. Cố gắng cho một tình đầu đẹp bất nhất, hay cho một tình cuối đẹp vừa vừa mà ấm êm?
Tôi vẫn là một người trẻ, tôi vẫn tha thiết sống hoài bão như một người trẻ. Tôi vẫn ham chạy dưới một cơn mưa, ham làm những chuyện điên rồ, ham vùng vẫy để có "một phút huy hoàng" ấy. Nhưng, không phải vì ghen tị với những người cùng thế hệ đang thành công hơn, tôi chỉ ngưỡng mộ quá những người đã già và chín thôi. Một phần, đúng là nhìn người đi cùng, cái tôi ta dễ bồn chồn và ganh đua lắm. Nghĩ cho kĩ, khi nhìn người đi trước, ta học hỏi, ta muốn mình vươn lên với nhiều sự thiện chí hơn. Theo chân một ai đó không có nghĩa là ta sẽ trở thành bản sao của họ. Học hỏi ai đó không có nghĩa là ta dừng sáng tạo giá trị cho bản thân mình. Con đường thông qua sự học, có lẽ là con đường ngắn nhất và ít tốn kém nhất (cho những đánh đổi, thất bại và trải nghiệm của riêng ta).
Cam kết đến cùng, vì bản ngã hay cho một thành công hay một hạnh phúc đích thực, không hẳn là một chữ Nhẫn quá to tát, quá nhiều hàm ý. Ta không nhất thiết phải sống lâu sống già và giống kiên trì như rùa ngoài biển lớn. Loài kiến cũng kiên trì vậy. Ta có thể chỉ cần sống như cái cách mà kiến tha lâu thì đầy tổ. Vậy thôi.
Cuối cùng, Nhẫn, không chỉ là chấp nhận sự chậm chạp của thời gian và sự dằng dặc của quãng đường. Phải chăng, còn ở cái cách ta nghe, ta nói, ta chăm sóc, ta ủi an... cái cách ta chấp nhận rằng phải chậm chạp, phải từ từ thì ta mới là tri âm, tri kỉ, để thấu hiểu nhau trọn bề? Yêu thương cũng cần nhiều kiên nhẫn lắm chứ, yêu thương còn cần cả sự nhẫn nhịn nữa chứ? Đôi người coi đó là sự chịu đựng. Đôi người khác, trong đó có tôi, coi đó là chữ Nhẫn mà ta học hoài chưa hết. 
Trích nốt một câu: "Hạnh phúc là một hành trình, không phải một đích đến."

No comments:

Post a Comment