Friday, October 11, 2013

Em...

Em thích cái dịu của một buổi tối mùa Thu, tự mình đưa tay chỉnh lại cổ áo rồi bước đi, phố mùa Thu như cô gái biết yêu, nhẹ nhàng và bẽn lẽn, có hôm em ngồi ở một góc, vẫn cà phê quen, ngắm phố khoác ánh đèn, cái thời khắc ấy thấy bình yên đến lạ. Cả một buổi tối, phố muộn vắng tiếng xe, chỉ còn tiếng bước chân thôi, em ngắm gã say bước loạng choạng trên hè phố, miệng vẫn không ngớt hát khúc du ca nào đấy chẳng nghe nỗi từ. Có hôm, em ngồi để nghe lũ dế đi lạc cãi nhau bằng tiếng dương cầm, điệu flamenco phát ra từ loa ở góc quán cũng chẳng làm vui nỗi một con phố, tiếng còi tàu hỏa văng vẳng xa như điệu ru rót vào lòng người, chẳng biết ly biệt hay gặp lại!
Có đêm em ngắm những đôi dắt tay nhau về, bước chân như chậm lại vì gió ngược thổi, em nhớ tới một mùa Thu cách đây bốn năm, quen với việc mỗi sáng với một tin nhắn "nhớ mặc ấm", rồi mùa Thu cách đây ba năm, em lộc cộc viết những dòng mơ hồ, cũng chỉ để nhắn nhủ với mình "nhớ mặc ấm", mùa Thu cách đây hai năm, em xóa hết, cứ như việc hay viết rồi quên save lại, vậy là biến mất, nhiều lúc em cũng muốn lục tìm lại, nhưng tệ thật, máy tính không đủ thông minh để lưu những gì em muốn giữ, và xóa những gì em không muốn thấy! Mùa Thu năm nay, em tự nhắc mình mặc ấm, tự nhắc mình rằng đừng khóc - Thu buồn!
Em có bao giờ bảo với anh rằng mùa Thu nhắc em nhớ nhiều thứ chưa ấy nhỉ?
Không cố tình đâu, là tự dưng một sáng mùa Thu lười biếng, em vơ tay mở chiếc máy CD chạy dang dở tối qua, là Hello của Lionel Richie. Là em nhớ cái thời mình còn ngân nga hát mãi "hello, is it me you're looking for?" là cái thời anh ngồi kế bên trả lời đến... mệt mà em thì vẫn cứ mãi một câu. Là cái thời em đặt bút ở đâu là viết ngay chữ P, anh phải dạy mãi em mới viết thêm được một chữ ở cạnh. Để rồi qua rất nhiều mùa và qua rất nhiều con chữ, cái chữ P bây giờ vẫn cứ đứng một mình.
Là anh cũng đã từng bảo, thấy em hợp với mùa Thu, và trong mùa Thu thì em hiền hẳn đi, hiền là chẳng thèm ăn hiếp anh nữa, em nghịch gió, nghịch nắng, nghịch cà phê, anh chỉ việc đứng đó xem... thỉnh thoảng lắc đầu! Là buổi sáng mùa Thu, có anh đứng đó, một góc quen để rồi mãi những mùa Thu sau nữa, em vẫn nhìn quanh chỉ để tìm kiếm, có thể sẽ mãi không gặp, có thể sẽ gặp một người khác, nhưng chắc rằng không phải anh với áo sơ mi đen.
Là một ngày, em kể lại giấc mơ với màu mắt khác, bạn ngỡ ngàng hỏi em "khóc à" em quay đi chối bảo đâu có, đã bốn năm không khóc thì giờ em khóc làm gì? Khi cái náo nhiệt của mùa Hè không đánh thức giấc mơ ấy, cái lạnh của mùa Đông cũng chẳng đủ làm em nhớ, chỉ mỗi mùa Thu...
[Du]

Thursday, October 10, 2013

Yêu nhé!

Có người vừa báo thất tình với tôi. Tôi cũng nghe tin bạn bè tôi thất tình vài lần rồi. Và hôm nay, thèm viết, tôi muốn nhân cơ hội nói với bạn về tình yêu. Nếu bạn có quen tôi ngoài đời, chắc sẽ nói thẳng vào mặt tôi ngay và luôn một câu rằng: “Cô thì biết gì về tình yêu mà bày đặt dạy dỗ thiên hạ chứ?” Ừ, đúng đấy! Tôi cười trừ chứ biết làm sao đây? Nhận xét của bạn đúng quá còn gì. Nhưng này, theo tôi thì, yêu nhiều không có nghĩa là hiểu về tình yêu, hoặc là biết yêu cho đúng cách đâu. Tôi thì vẫn đang tiếp tục sự học về tình yêu thôi. Tôi nghĩ người ta cần cả cuộc đời để học yêu. Sự khôn ngoan của loài người chỉ tròn đầy nhờ có tình yêu. Từ khi bắt đầu yêu ai đó thật lòng, tôi mới nhận ra rằng: “Từ trước đến nay, có một nửa sự khôn ngoan của nhân loại đã kì thị mình!”…  Hơi có chút phũ phàng nhưng vẫn phải thừa nhận. Vậy đấy! Nếu không yêu, dù bạn có giành được Nobel khoa học đi chăng nữa, bạn cũng chỉ có một nửa sự khôn ngoan của loài người mà thôi.
Sự khôn ngoan là cả lý và tình, là sự uyên bác của cả trái tim và khối óc, không thể chỉ cần một trong hai. Có những vấn đề mà ta chỉ nhờ tình yêu, ta mới thực sự hiểu thấu. Tôi nói một tình yêu thực sự nhé, tình yêu của một chàng trai và một cô gái ấy! Mọi cảm xúc cần được phản chiếu qua lăng kính của tình yêu. Đam mê là khi bạn dốc hết lòng, hết tâm trí cho cái mà bạn quan tâm, bạn chỉ hiểu được khi bạn biết, thế nào là yêu một ai đó hơn chính bản thân mình. Cảm hứng là khi bạn có được một luồng sinh khí mới, một mạch nhựa sáng tạo mới được phát sinh bởi cội nguồn sâu thẳm bên trong mình, bạn chỉ có cảm hứng thực sự khi bạn phát hiện ra, có một động lực lạ kì mới vừa hé mầm trong trái tim, khiến bạn muốn bắt đầu, muốn yêu đời hơn bao giờ hết. Thực ra, chúng ta chẳng bao giờ thực sự yêu cuộc đời, nếu cuộc đời không là tương phản của mọi bóng hình trong ta. Người ta thực sự yêu thương là tương phản chính xác nhất! Bạn thấy cuộc đời đáng yêu, vì: có một ai đó trông rất đáng yêu, có một ai đó làm bạn muốn cười khúc khích, có một ai đó khiến ngày mới lấp lánh như sao may mắn. Ngay cả tình yêu với chính bản thân mình, hóa ra yêu bản thân mình phải là như thế, lúc nào cũng nghĩ tới được, lúc nào cũng mong ngóng được nói chuyện, được cùng nhau cười, được hốt hoảng cùng những lo lắng của nhau và cùng nhau nghịch ngợm khi cuộc đời quá bình yên. Phải đấy, bạn có bao giờ mong ngóng được nhìn ngắm bản thân như mong gặp người yêu không? Bạn có bao giờ mong được hiểu thấu những nỗi lòng và xúc cảm, những thói quen, những kỉ niệm, những quá khứ và tương lai của bản thân như với người yêu của bạn không? Bạn có bao giờ lo lắng cho sức khỏe, mỗi lúc bị sốt, bị ho, bị đau bụng của chính mình như khi bạn lo cho người bạn đang yêu thương không? Tình yêu là một điều gì đó vị kỉ vô cùng, tình yêu dạy ta yêu thương bản thân ta nhiều hơn, làm bản thân ta thấy hạnh phúc hơn và cũng ưu phiền nhiều hơn. Sự vị kỉ ấy được nhân đôi lên, không phải chỉ dành mỗi cho bạn mà còn cho cả người ấy nữa. Yêu thương bản thân vốn dĩ là sự tốt lành. Sự vị kỉ ấy cũng rất tốt lành.
Tình yêu là một hình thái độc tài của cảm xúc. Bạn yêu ai đó vì cái ước mong vô ngần của bản thân, là: yêu và được yêu. Nó giống như việc bạn muốn lên vũ trụ, muốn đi du lịch, muốn ăn bánh tráng trộn, muốn mua quần áo đẹp. Yêu-và-được- yêu là kẻ xếp hàng đầu các mong muốn của con người. Thấy chưa? Bạn chỉ cố thỏa cái ước mơ và mong muốn cá nhân ấy thôi! Bạn tức giận với ai đó chẳng phải vì bạn đang cảm thấy mình không được yêu thương, không được tôn trọng, không được quan tâm, không được lắng nghe, không được bày tỏ, không được thấu hiểu đúng với mức độ bạn mong muốn sao? Bạn cảm thấy mình bị làm lơ, những giá trị và cá tính của bản thân bạn bị cùn lụt bớt đi. Bạn thấy không đáng phải nhận những đánh giá bất công ấy. Kẻ tầm thường cân nhắc mỗi vật chất –  giữa cái cho đi và cái nhận lại, tệ nhất là chỉ chong chong xem mình được nhận bao nhiêu. Số còn lại của thế giới, cũng có thể vẫn đong đếm vật chất, nhưng đó không phải là tiêu chí duy nhất và quan trọng nhất, còn có những giá trị phi vật chất khác mà họ quan tâm.
Tình yêu chỉ là trong suy nghĩ của bạn mà thôi, là cảm nhận của chính bạn, là cách thể hiện, cách quan tâm, cách quan sát của riêng bản thân bạn. Theo tôi, trong tình yêu, chúng ta không phải là hai mối dây được nối với nhau, mà chúng ta tự nối nhau thành một mối dây. Chúng ta có quyền dứt ra bất kì lúc nào. Vấn đề là nhanh hay chậm? Ta sẽ đóng vai người có trách nhiện hay một người phủ định sạch trơn? Nếu độc tài rũ bỏ, thì cái kẻ người-yêu-của-ta sẽ là gì trong mắt ta đây? Một nửa của ta không phải là bản mẫu đặt vừa khớp lên khuôn đúc của ta. Bản thân một người là nam, còn một người là nữ - một người đi yêu, còn một người được yêu – một người cho, một người nhận…  Chúng ta vừa đối lập, vừa tương hỗ.
Tôi vẫn nghĩ, con người ta có một nửa định mệnh của mình. Suốt một cuộc đời, gặp gỡ và trao tay bao nhiêu, thì ta cũng chỉ thực sự yêu duy nhất một người mà thôi. Bởi tôi được nuôi lớn bởi khái niệm chung thủy, bởi những câu chuyện tình chỉ giữa hai con người. Nàng công chúa ngủ cả trăm năm, chỉ đúng một vị hoàng tử duy nhất đánh thức được cô. Cô gái cứ khờ dại tin lời cha mình, để rồi chỉ một người duy nhất chấp nhận mang cánh buồm đỏ thắm đến cho cô. Scarlet có cố chối bỏ bao nhiêu, cuối cùng cô cũng phải thừa nhận rằng mình chỉ thực sự yêu Red Burtler vậy. Hay Roméo chỉ yêu Juliette. Hay Harry chỉ yêu Sally sau mười mấy năm gặp gỡ hết người này đến người khác (phim When Harry met Sally), hay Jesse chỉ yêu Céline (trong bộ ba phim Before Sunrise – Sunset và Midnight)… và nhiều câu chuyện tình khác. Có thể là tình đầu hoặc tình cuối. Ta có thể có cảm giác yêu thương với nhiều con người, nhưng sau hết, ta biết lựa chọn nào mới thực sự dành cho ta. Một số người chấp nhận thỏa hiệp để tình yêu ra đi, có người lấy sự vun đắp làm nền tảng của tình yêu, một số người đấu tranh và tự chủ với chính tình yêu của mình. Tôi theo quan điểm: Những người yêu nhau cuối cùng sẽ về với nhau. Bạn có thể cho rằng tôi suy nghĩ giản đơn và ngây thơ quá. Tôi bị lậm phim ảnh và tiểu thuyết đến hết thuốc chữa rồi. Vâng, tôi tin cuộc sống có điều kì diệu, tôi tin vào duyên phận, tôi tin vào một con đường có đích cuối cùng. Tôi tin như thế đấy!
Liệu tình yêu có thể như chuyện mẹ của tôi, vừa yêu cả tôi, vừa yêu cả anh – chị  và em tôi không? Liệu có thể như ta có hai hay ba người yêu, như hai hay ba người bạn thân không? Liệu ta có thể như những tộc người, những ông chồng bà vợ đa thê, đa phu không? Ừ, thì bao giờ giải thích được hết cái tâm tính phức tạp của con người, ta chắc thành Chúa Trời mất! Thôi nào, chuyện tình yêu, cứ là chuyện của hai người mà thôi!
Tôi nghĩ trách nhiệm là cách duy nhất để duy trì một mối quan hệ. Tôi muốn nói đến trách nhiệm ở tầm nghĩa bao quát nhất. Trách nhiệm không có nghĩa là điều bạn buộc phải làm, đó là nghĩa vụ! Trách nhiệm là điều bạn cần làm, nên làm, và nó bao hàm cả nghĩa vụ - những điều phải làm. Trách nhiệm là điều duy nhất giữ bạn ở lại trong một mối quan hệ, cả hôm nay và ngày mai. Làm gì có chuyện sáng mai tỉnh dậy thấy tình cảm sạch trơn? Không đâu, nó chỉ là chuyện mất cảm giác tạm thời thôi. Không ăn một bữa cơm không có nghĩa là sẽ nhịn ăn được cả đời… Yêu hay không? Là một lựa chọn tự do, gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm là lý do duy nhất cho bạn tiếp tục quan tâm, lo lắng, chăm sóc người bạn yêu, khi mà sự ích kỉ của bản thân can ngăn bạn. Trách nhiệm giúp cho cán cân của bạn được giữ thăng bằng, khi bạn thấy mất mát quá nhiều mà nhận lại chẳng bao nhiêu. Người ta cưới nhau là để cam kết một cách chính thức sự chịu trách nhiệm ấy. Sống với nhau sẽ đến đoạn chỉ còn nghĩa chẳng còn tình, có thể, cái nghĩa – một biểu hiện khác của trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ là giải quyết cho giống một thằng đàn ông khi lỡ chuyện. Trách nhiệm không đơn giản là chuyện cơm áo gạo tiền. Sống có trách nhiệm không phải chỉ là thực thi và đền bù thiệt hại, chấp hành và chịu phạt cho mỗi cái sai. Ta cần tìm và cần chờ ai ở cuộc đời này? Một người để ta yêu và được yêu. Bạn không thể chỉ yêu, cũng không thể chỉ cần được yêu là đủ. Trách nhiệm là thái độ nghiêm túc và hữu hiệu nhất để bỏ đi những biện minh như: thiếu thời gian, thấy mệt mỏi và ngột ngạt... để sau cùng ta hiểu ra rằng: Yêu không phải là một sự lãng phí! (về thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc, vật chất, sức lực…)
Này! Đừng vì cô đơn quá mà nhảy vào một mối quan hệ. Đừng có vì thương tình người ta sớm chiều trồng cây si không biết mệt, nên mình trả lời cho khỏi tội nghiệp người ta. Đừng vì chán quá rồi ai tán yêu luôn. Đừng vì không có việc làm, đừng vì muốn có một mối tình vắt vai cho đẹp tuổi trẻ, đừng vì sợ ế mà đụng ai cũng yêu. Cũng đừng vì bị ai gán ghép, ép uổng. Tình yêu chỉ thực sự bền vững khi dựa trên nền tảng là tình yêu, chứ không phải một thứ tình cảm nào khác và chúng ta bước vào mối quan hệ ấy trong trạng thái tự do hoàn toàn. Và nếu như ta có quyền lựa chọn, thì hãy lựa chọn yêu thật có trách nhiệm, nhé!
Thấu hiểu không đồng nghĩa với việc phải nhất nhất đồng lòng, nhất nhất hai người một ý, nhất nhất trở thành bản sao y chang nhau. Chúng ta, một người là nữ một người là nam (kể cả là đồng giới đi chăng nữa – vẫn luôn có một người đóng vai phái yếu, một người đóng vai phái mạnh). Đã sai khác nhau cơ bản như vậy, huống hồ còn bao nhiêu yếu tố khác tạo nên con người và tính cách chúng ta. Làm sao mà có thể giống nhau 100% được??? Thấu hiểu là chia đều cơ hội 50:50 cho nhau, tôn trọng ý kiến của nhau. Thấu hiểu là cho rằng ý của mình đúng… và ý của người khác cũng không có gì sai, chỉ là, ta vẫn làm theo cách của ta, còn người vẫn làm theo cách của người, không phán xét, không lên án. Đừng viện dẫn một lí do rất lãng nhách là: Chúng ta quá khác nhau! – Bao nhiêu là đủ, còn bao nhiêu là quá? Không phải vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta có nỗ lực thấu hiểu nhau hay không à?
Có nhiều cách để thấu hiểu. Theo quan điểm của tôi, ngôn ngữ chính là chìa khóa của sự thấu hiểu. Ngôn ngữ thì tồn tại dưới nhiều hình thái, hoặc nói, hoặc viết. Bạn có thể đọc nó lên, hoặc biểu đạt nó ra. Vấn đề là bạn có chịu biểu đạt hay không? Xin lỗi trước nếu quan điểm của bạn và tôi không giống nhau. Bản thân tôi, tôi không thích đàn ông ít nói. Không phải lúc nào họ cũng cần bi ba bi bô như cái máy phát thanh. Nhưng đến cả người yêu là bạn, họ cũng kiệm lời thì có cái kết nào cho nỗ lực thấu hiểu nữa không? Muốn ăn gì cũng không nói, muốn làm gì cũng lặng thinh, không bao giờ cho một ý kiến, một quan điểm, cứ lẳng lặng bắt người khác dõi cách biết ý… Này con người kia! Chúng ta là kẻ hầu với gia chủ, là người làm với giám đốc à? Tình yêu là một bản nhạc, dấu lặng nhiều đến mấy thì cũng phải được vài nốt cất lên chứ? Chỉ có duy nhất một bản nhạc không có nốt thôi, bản ấy mang tên: Im lặng. Rồi đừng quên một điều rằng, khi bắt đầu, ta đã cất lên câu bày tỏ rồi, nên tình yêu không bao giờ có thể là bản nhạc Im lặng được nữa. Câu bày tỏ đầu tiên ấy là đủ hay sao? Không đơn giản thế đâu! Không dễ xơi thế đâu!
Tôi không đồng quan điểm với những người hành động theo kiểu: “Nhìn đó thì tự hiểu đi!” – Nếu không quan tâm, không nói chuyện thì tự hiểu là hết yêu rồi, chia tay rồi. Tôi cũng không đồng quan điểm với việc kết thúc bằng một cuộc to tiếng, hay bạo lực như cuộc ẩu đả. Theo tôi, người ta nên bày tỏ hết nỗi lòng, hết những vấn đề ra cùng nhau, đương nhiên là một cách thực sự có trách nhiệm (không theo cảm xúc nhất thời, giữa thái độ tôn trọng, công bằng cho cả hai bên cùng được bày tỏ). Nếu nói hết mà vẫn không thay đổi được gì, vẫn là một sự nhất nhất ích kỉ. Thì thôi, việc gì phải phí hoài tình cảm, sức lực và cố gắng của bản thân cho những thứ vô vọng nữa? Mặt khác, chuyện yêu đơn phương và yêu song phương nó khác nhau. Ta im lặng, ta từ bỏ, ta chúc phúc từ xa cho người ta yêu đơn phương nhưng ta không thể cũng làm thế cho người mà ta có tình cảm song phương được.
Tự thấy có một chút hụt hẫng, nhưng bài viết của tôi đến đây là kết thúc. Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết về tình yêu, hãy nghe Chuyện tôi yêu của Đỗ Bảo, nghe bản Love story hay bao nhiêu bài tình ca khác. Bạn hãy đi tìm một cuốn tiểu thuyết thật ra hồn. Hãy xem một bộ phim đáng giá (phim điểm cao trên IMDB chẳng hạn). Hãy đọc cuốn sách tâm lí ích lợi như: Đàn ông đến từ Sao Hỏa – Đàn bà đến từ Sao Kim. Bạn có thể đi tìm một triết gia, một người bạn đang yêu, hoặc thậm chí là vừa thất tình (mấy người này thì có thể có quan điểm hơi cực đoan một chút). Bạn hãy quan sát ở đâu đó quanh mình, từ bố mẹ, ông bà, cho đến nhà hàng xóm… Hoặc là, bắt đầu, bắt đầu kể, kể lại, bắt đầu lại câu chuyện của bạn đi!
Không còn là tự dưng thấy thích nữa rồi! Yêu nhé! Tự dưng thấy yêu!
Mến tặng bạn.
Ngày đẹp quá!
10/10/2013

Thôi đi! Đi thôi!

Hiện giờ tôi có một ước mơ. Đó là sống thật nghiêm túc. Tôi ước có thể lập trình bản thân như một cái máy. Có thể bật dậy vào 6h sáng, mặc cho trời mưa hay nắng, sau đó làm những việc cần làm, lao ra khỏi nhà hừng hực như cái lò phản ứng hạt nhân. Tôi còn ước lắp được vào não một cái đèn pin tự động. Nếu được như thế, tôi có thể bất chấp cả chục mùa Đông phía trước. Không sợ cái lạnh, không ghét cái sự tối mù mù của nó nữa.
Tôi phát hiện ra, bản thân đang sống lệ thuộc một cách ghê gớm. Tôi dựa dẫm vào thời tiết, làm cớ cho sự lười biếng của bản thân. Tôi than thở với đống công việc chất chồng như núi, nhưng không thèm giải quyết, cứ mặc đấy, rồi đi bày ra những việc ít bức thiết khác như nấu nướng, xem phim, nghe nhạc, đọc sách (đọc truyện thay vì sách chuyên ngành), rồi cả viết lách nữa. Trong khi lang thang, tôi trông ngóng hết sức được trở về nhà. Sao mà tôi có thể tù mù đến thế chứ? Tôi cảm giác như mình đang đơn độc trước một đội quân đông đúc. Đội quân của vương quốc “đàn bà”. Tôi chỉ tạm dùng từ đàn bà như một cách nói tượng trưng thôi, đội quân ấy là tập hợp tất cả những sự mềm yếu, bất nhất trong tôi. Đội quân chỉ trông đông đúc, chứ thực sự hùng mạnh hay không thì tôi không biết. Lý trí của tôi đơn độc, với hàng ngàn mệnh lệnh: Chiến đấu đi! Xông pha lên! Đó chỉ là một đội quân mềm yếu! - Nhưng ai bảo lý trí quá thông minh làm gì? Với lí trí, một đấu một thì đảm bảo, còn một đấu với một trăm, một ngàn, một vạn thì không. Và tôi cứ trơ lì ra đó, đứng trân trân ở đó, không tiến cũng không lui. Tôi không đánh, chỉ cân nhắc cho sự thua cuộc. Đám lính yếu đuối kia thì cũng thật gan lì không kém, chúng cứ đứng đấy tròn mắt nhìn tôi, chúng – cũng không hề tấn công, đồng thời không hề lùi bước. Kẻ nào thua trong cuộc thi nhìn nhau này trước, kẻ đó sẽ là người thắng trận quyết định còn lại. Tôi ơi, tôi không việc gì phải nhìn chúng, tôi chỉ cần tiến một bước là chúng sẽ bỏ chạy như nước lũ. Chúng thậm chí còn không dám đụng vào một sợi lông tơ nào của tôi. Tiến lên đi, tiến lên! Hay là đứng lâu quá, chân tôi tê cứng rồi?
Tôi cứ ngong ngong ra cửa sổ, xin trời nắng. Trời nắng đi! Nắng lên tôi sẽ lại sống thật nghiêm túc. Tôi sẽ ăn vận chỉnh tề, sẽ làm việc tươm tất. Xấp giấy lạnh ướt, bút viết lạnh tanh, người tôi thì ấm sực. Có lẽ bởi thế tôi mới lười! Thật là tồi tệ khi sống dựa dẫm vào những điều không đâu như thế. Tôi tạm cho đây là một tuần đình chiến. Tôi cho phép mình khóc đến run người, cho phép mình để lại mớ hỗn độn để nghiềm ngẫm một bộ phim. Nếu cuộc đời không cho tôi nghỉ phép, thì tôi cấp giấy phép cho mình. Tôi cứ hay bất chấp là vậy! Chỉ vì quá yêu bản thân, tôi yêu bản thân hơn tương lai của mình, hơn những điều tự hứa phải cố gắng. Tôi sợ, nếu không nghỉ ngơi thì mình sẽ rệu rạo sớm, sẽ khủng hoảng sớm. Tôi cười khẩy cho cái thành công nào đấy, mà bên trong hoàn toàn mục rỗng. Cái thành công khô khốc sau khi tôi đã đánh đổi quá nhiều, từ bỏ quá nhiều, chịu đựng quá nhiều… Nếu cuộc đời chỉ là việc đi đến đích, thì thôi, tôi nghỉ chơi với cuộc đời ngay tại đây và vào lúc này luôn cho rồi!
Cuộc đời là một con đường, không phải một đích đến. Thành công là một con đường, không phải một đích đến. Hạnh phúc là một con đường, không phải một đích đến. Quên cái đích đến ấy đi! Nhắm mắt lại và đi thôi, mặc cho cuộc đời sẽ đến cái chốn quái quỷ nào. Đầm mình trong cảm giác bế tắc và khó thở, tôi tự dưng thật là nhớ Forrest Gump. Tôi ước ao, giá mình có thể khờ khạo như Forrest Gump. Cứ theo lời Jenny yêu dấu, cứ chạy. Thậm chí, không cần biết ai đang đuổi theo mình hay mình đang đuổi theo ai. Thậm chí không biết chạy theo đường nào, vì thế gian này làm gì có đường, người không đi thì ta tự đi, cứ đi thì sẽ thành đường thôi (phỏng theo Lỗ Tấn). Vậy đấy, chỉ cần giữ cho đôi chân vận động. Mặc con tim mòn mỏi đi, trái tim Forrest đã nóng rồi nguội vì Jenny biết bao phen. Mặc cho đầu óc khờ khạo đi, Forrest vẫn bị xem là một đứa trẻ thiểu năng, nói năng như đồ thiếu suy nghĩ. Tôi ước mình có thể đơn thuần như Forrest. Anh đã phải trả giá rất nhiều cho sự đơn thuần của bản thân. Chịu đựng sự miệt thị và hành hạ của bạn bè, sự xem thường của đồng đội. Anh trở thành trò tiêu khiển cho giới truyền thông, với câu trả lời xuẩn ngốc trước tổng thống đáng kính, thành nạn nhân của một bài diễn văn bị cắt xén (người ta hỏi anh về chiến tranh rồi rút dây micro khi anh đang nói). Thật thà, tôi chẳng có can đảm để khờ khạo như anh! Steve Jobs từng nói “Stay hungry, stay foolish” - tôi thì đói luôn, nhưng không bao giờ dại khờ luôn được! Forrest ơi Forrest, anh có thể cho tôi mượn cái sự dại khờ của anh không? Tôi cũng nhặt được một chiếc lông vũ, cũng cài vào cuốn sách dễ yêu mà tôi đọc đấy, sao tôi không làm được điều gì như anh cả? Hay là, lại một lần nữa tôi phạm phải sai lầm? Tôi không nên bắt chước anh, tôi phải là chính tôi. Trở thành chính tôi, rồi đói khát, rồi dại khờ?
Forrest ơi Forrest, tôi đúng là không hiểu tí gì về câu chuyện thần kì của anh. Mãi đến tận hôm nay, tôi vẫn nghĩ: Đơn giản, đó chỉ là một câu chuyện nghe tai này lọt tai kia. Tôi vẫn nghĩ, chỉ cần đi mua một hộp chocolate về ăn là sẽ hiểu lời mẹ anh nói. Tôi vẫn nghĩ, chỉ cần tìm một chàng trai để mỗi đêm mơ mơ ngủ và mỗi sáng giật mình thức giấc mình còn nhớ về là được. Tôi vẫn nghĩ, anh khuyên tôi tập thể dục mỗi ngày, ngồi huyên thuyên bên ghế đá công viên mặc cho người nghe đến rồi đi là đã thành nhà kể chuyện tài năng. Tôi vẫn nghĩ, nhặt một chiếc lông vũ, giấu vào trang sách là có cuốn sách thần kì. Tôi vẫn nghĩ, chỉ cần đi là đến. Thực ra, chỉ cần đi là được, đến đâu không quan trọng, phải không Forrest? Tôi nên quên cái chỗ mà mình sẽ đến đi! Tôi nên mặc xác cái đích ấy đi! Tôi nên bớt kì vọng vào những điều xa vời như thế đi! Nào, cùng ăn chocolate, cùng đi, đi chỉ để đi, tôi đang theo anh đây Forrest ạ! Tôi không nhớ, cái lúc anh dừng chuyến du hành để trở về nhà, những người khác còn tiếp tục hay không, nhưng tôi đang đi theo anh rồi. Forrest này, mặc kệ anh dừng lại, trở về biệt thự hay xó chuột nhà anh, tôi vẫn đi. Tôi không cần anh dẫn đường, anh dạy tôi chạy, dạy tôi đi, thế là đủ. Cám ơn anh đã dại khờ với lời khuyên của Jenny. Để rất lâu sau khi được mẹ tập đi, tôi đã biết thế nào là đi cho đúng.
Con tim hay đầu óc, tôi đều cho nó thành cái bụng hết. Vì tất thảy chúng đều biết đói. Cái bụng đói đồ ăn, đầu óc đói kiến thức còn con tim đói cảm xúc. Tôi đã một ngày như thế, không vì lí do gì mà khóc tức tưởi. Tôi nhận ra, mình đã mặc kệ những yếu đuối và một cách tàn nhẫn, phớt lờ sự tội nghiệp với bản thân bao lâu nay. Tôi nhận ra, mỗi khi có ai đó nói mình: “Sao mà kinh khủng vậy? Sao tàn nhẫn vậy? Tội nghiệp bạn tôi!” thì tôi nên nhận lấy, nên trả lời: “Ừ, mình cũng thương mình lắm chứ!” thay vì cười khẩy, ngông nghênh và tàn nhẫn, để rồi lại thấy chính mình ngày một khô khan và độc tài hơn. Hay ai đó bảo tôi rằng: “Thôi, thương!” - Ừ, thì thương đi! Đừng bỏ mặc, đừng giận vơ hay ghen ăn tức ở nữa, thương đi!
Cuộc sống là đường đồ thị hình sin. Tôi không gạt bỏ khó khăn, không gạt bỏ sự bế tắc, không gạt bỏ nỗi buồn - như một kẻ si tình điên đảo, cầu xin tình yêu của tôi và đeo bám tôi điên đảo nữa. Có những điều không thể trốn tránh, như Lucy trong 50 first dates hay Paige trong The Vow – không bao giờ chữa được bệnh mất trí nhớ. Hay Margaret Thatcher trong The Iron lady ( chứ tôi không nói bà thủ tướng thực sự của nước Anh), sống với nỗi ám ảnh về người chồng suốt bao nhiêu năm trời. Bà vẫn thấy ông ở đấy, nhưng bà không còn quan tâm nhiều về ông nữa. Còn tôi, ít nhất, tôi đã viết được vài bài viết, coi như lời đáp trả cho một tuần khó khăn của mình. Một tuần tạm nghỉ phép, cho một quãng thời gian ngắn nhưng đầy khó khăn của tôi. Sắp kết thúc rồi. Này! Tôi nói trước cho mà biết, dọn dẹp sạch sẽ hết đi, muốn lấy gì thì cứ lấy sạch tanh đi! Xong rồi thì thôi nhé! Đừng quay trở lại làm phiền tôi nữa! Có thể tôi sẽ buồn vì một điều gì khác, chứ không phải một cảm giác bế tắc y xì đúc lần này vào lần tiếp sau...
Tôi sẽ còn viết nốt, viết cho xong dự án “Hard time” rồi tạm nghỉ. Nghỉ để còn làm việc khác. Khá là mỏi tay vì gõ bàn phím rồi. Và sẽ nhớ, nhớ rất nhiều, cảm giác được viết. Cảm giác, có bạn – một ai đó, ở một nơi nào đó, kiên trì đọc hết những ưu phiền của tôi.  Tôi muốn nói: Cám ơn! – Lời cám ơn tự đáy lòng. 

Tôi xin phép giơ tay

Tôi nghĩ là mình nên viết, trước khi một cơn lười và một mùa yên bình kéo đến. Bởi, để lâu, những trăn trở sẽ nguội bớt. Nói mà không có sự nhiệt tình, nó không thuyết phục và không đáng nghe. Ban đầu, tôi dự định sẽ viết xong mới đăng, sau đó, tôi nghĩ cần phát triển thành ba phần, phân tích hết ba ý quan trọng.
Tôi muốn nói, với đầy đủ lí lẽ và lập luận chủ quan, hi vọng sẽ giải quyết được triệt để vấn đề đang ong ong trong đầu óc tôi. Thành thật mà nói, tôi có cái tôi khá lớn, gần như là theo chủ nghĩa cá nhân, tôi cho phép bản ngã có một sự tự tôn nhất định. Tôi khá nhạy cảm với những chỉ trích. Đương nhiên, tôi biết, con người ta không phải lúc nào cũng đúng, nhất là tuổi trẻ… lại càng sai lầm nhiều hơn. Nhưng, trẻ mà, không cãi thì mất mất cái trẻ rồi. Tôi muốn làm một thế hệ sau vừa ngoan ngoãn vừa ngông nghênh, vừa vâng lời vừa ương bướng. Đó là nhu cầu có một tiếng nói dân chủ hơn giữa các thế hệ. Lựa chọn im lặng không phải lúc nào cũng đúng, nhất là khi, nếu không nói mình sẽ bị hiểu nhầm, bị đánh giá dưới chuẩn giá trị cơ bản. Thế hệ đi trước nhìn thế hệ đi sau bằng ánh mắt bi quan, tuổi trẻ càng ngày càng nhạt, càng ít nghiêm túc, càng ít gạn lọc, càng ít tinh thần cầu tiến, thậm chí là chuẩn nghệ thuật sáng tạo cũng lụt dần. Tôi tôn trọng và đồng ý. Thực tại của xã hội có-vẻ-như là thế! Nhưng, trước khi tiếp tục cố gắng, tôi cần biện minh và nói lý cho mình một chút, không thể nào để bản thân người trẻ trở nên hoàn toàn đáng thất vọng trong mắt người lớn như thế được. Tôi có một ý thức mạnh mẽ rằng: Mình không chỉ tiếp thu, mình còn cần bảo vệ và tu dưỡng giá trị riêng của bản thân nữa. Kiên trì đến cùng với quan điểm riêng, thì mới có thể thực sự tạo ra một quan điểm gọi là… có chỗ đứng.
Hãy thu nhỏ khoảng cách giữa các thế hệ vào một gia đình. Ba mẹ trách mắng thì con cái nghe, nhưng chúng ta đều phải đồng ý với nhau rằng, con cái có tiếng nói, đầu tiên chúng có quyền giải thích cho những hiểu nhầm bị quy chụp thành lỗi lầm, và sau đó chúng có quyền được đóng góp tiếng nói. Cha mẹ thương yêu con cái, con cái biết điều đó chứ… và cha mẹ, đôi lúc có biết không… rằng con cái mình nói đúng?
Đến đây, tôi bắt đầu phản biện được chưa? Tôi không còn bị đánh giá về thái độ nữa chứ?
Có hai điều tôi muốn nói ở đây: một là sự im lặng của người trẻ, hai là khả năng của người trẻ.
Cái mác “trẻ trâu” càng ngày càng bện chặt vào thế hệ trẻ. Vâng, cứ trẻ là nói nhiều, nói không suy nghĩ, háo thắng, không chín chắn, chỉ giỏi bày trò tác oai tác quái mà không nghĩ đến hậu quả về sau. Thế hệ trẻ, với những vấn đề cần nói thì không nói, với vấn đề không cần nói thì liên tục ba hoa không biết ngừng. Tuổi trẻ tự nhau phát lên phong trào sống nghiêm túc, rồi đi chế giễu chính cái sự nghiêm túc được đùn đẩy thành phong trào đó. Vâng! Tuổi trẻ là thế, luôn thích đùa cợt, thiếu nghiêm túc. Tôi còn nhớ, có một lần, cậu bạn cùng lớp lên bảng không làm được bài, thầy hỏi thì cậu ấy chỉ cười. Đương nhiên, không hề có thái độ cười quá đáng ở đây. Nhưng cậu ấy vẫn bị thầy khiển trách. Tôi không còn nhớ chính xác thầy đã nói những lời gì, đại ý là: “Con người ta cần nghiêm túc với cái hổng (ở đây là kiến thức) của mình. Lúc nào cũng phây phây như thế thì bao giờ mới tiến bộ?”… Trẻ mà, chưa nhận thức được tính chất cấp thiết của vấn đề, chưa thực sự cố gắng, chưa bao giờ biết nhìn lại kiểm điểm bản thân, phải vậy không? Có thể là đúng hoặc không, sao phải cấm nhau một nụ cười, dẫu chỉ là nụ cười bất đắc chí? Ai buộc con người ta lúc buồn phải khóc còn lúc vui phải cười? Lỡ làm ngược lại một chút xíu là hỏng tình hình hay sao?... Tôi chỉ xin lấy đó làm một ví dụ điển hình, bởi, tuổi tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, ngoài cậu bạn – bài toán – và thầy giáo tôi ra, tôi chưa tìm được dẫn chứng xác thực nào để có thể minh họa rõ hơn điều mình muốn nói. Tôi vẫn kính trọng thầy. Xin đừng lầm tưởng rằng tôi nói chỉ để mỉa mai. Và với tôi, đấy cũng là cả một bài học đáng giá, về quan điểm của mỗi cá nhân đối với từng vấn đề.
Người trẻ, tại sao chỉ nói vui là giỏi, lúc cần nghiêm túc thì không bao giờ thấy lên tiếng? Thưa rằng, nếu thực sự bước vào cùng hàng tiền bối để lên tiếng, lúc ấy chúng tôi đã trưởng thành mất rồi. Đứng chung một ghế, có thể tạm coi là ngang tầm về nhận thức, về tiếng nói. Tôi biết rằng, chúng tôi có quyền nói, nhưng chưa phải lúc đặt tiếng nói của mình ở quá tầm. Tôi và những người bạn quanh mình bàn luận một cách thờ ơ và chung cuộc thì không lên tiếng, bởi chúng tôi đang có nhu cầu lắng nghe. Chúng tôi để việc tìm phải trái đúng sai cho những người có kinh nghiệm và hiểu biết hơn. Chúng tôi có nhu cầu lớn là được học tập, hơn là nhu cầu khẳng định giá trị và cái vốn của cá nhân mình. Đi xa hơn một chút, chúng tôi thực sự mưu cầu một cuộc tranh luận dân chủ đích thực. Chúng tôi không đi theo cuộc tranh luận để biết ai đúng ai sai, chỉ đi theo để học hỏi. Thậm chí chúng tôi cứ đi theo, nhưng cuối cùng chẳng ngã ngũ về phe nào. Chúng tôi tìm được câu trả lời, và giữ yên câu trả lời ấy cho mình. Một xã hội vắng sự chỉ trích và phê bình thì dễ lạc hậu và chậm tiến. Điều ấy đúng. Vậy nên mặc cho những lời đánh giá về cái gọi là một sân khấu hài, một bè lứa “trẻ trâu”, chúng tôi tiếp tục im lặng. Sẽ đến lúc, thế hệ trẻ này thành thế hệ trưởng thành, thế hệ trưởng thành lại thành thế hệ già đáng kính. Tùy mỗi giai đoạn cuộc đời mà ta chọn người cầm trịch cho phù hợp, đúng không?
Đương nhiên, tôi không muốn bàn đến những ngoại lệ ở đây ( những người trẻ, mà cả thế hệ trẻ chúng tôi, cũng phải gọi là “trẻ trâu” ấy!)
Đó là toàn bộ phần Một, lập luận bào chữa của tôi, cho một thế hệ, chủ quan là riêng cá nhân tôi, đôi khi không muốn lên tiếng.

Để là người mạnh mẽ, đôi khi cũng phải học mới biết!

Đôi khi muốn khóc


Đôi khi muốn nhìn lại chính mình trong gương mà đối mặt với mình khi ấy, nhìn vào những buồn bã hằng sâu trên gương mặt, nhìn vào những yếu lòng, những trốn tránh và rụt rè hiện tại của bản thân.
Rồi lại nép vào một góc nào nó mà khóc. Khi thì trốn vào phòng, thút thít khe khẽ sau chiếc gối ôm, khi lại chạy toang vào nhà vệ sinh, vừa khóc vừa để cho những dòng nước từ vòi sen làm ướt cả mặt, ướt cả người, khi lại khóc lúc đang ngoài đường, khóc lặng lẽ và giấu những tiếng nấc sau chiếc khẩu trang. Tự thấy bản thân mình đôi lúc bất lực trước cuộc sống, đôi lúc thật đáng thương. Chỉ dám khóc lén, khóc thầm sau lưng tất cả mọi người.


Người mạnh mẽ thường ít khóc lóc. Có, nhưng phải biết che giấu và kiềm chế


     


Tôi là một cô gái mạnh mẽ, đa số cho là như vậy. Trong mắt bạn bè tôi là một đứa mạnh mẽ, trong mắt gia đình tôi là một đứa mạnh mẽ , nhưng bản thân tôi đôi khi tôi không dám thừa nhận điều đó. Tôi hiểu được cảm giác khi tôi đã đặt vào lòng ai đó kì vọng  và tin tưởng, thì bản thân tôi phải có trách nhiệm duy trì và nuôi dưỡng những thứ ấy. Vào lúc bấp bênh nhất, bế tắc nhất, tôi nhìn thấy sự hối hả và những lo lắng, vất vả trên gương mặt mẹ, sự già nua và yếu ớt của ông bà mình, nhìn vào gia đình mình vốn chưa thật đầy đủ và sung túc, mỗi ngày ai nấy đều phải tất bật với cuộc sống mưu sinh ngoài kia. Tôi chợt nhìn lại những cảm xúc nhỏ nhặt trong lòng và muốn làm tan tát nó đi, muốn vứt ngay nó đi, vì vốn dĩ nó không thể so sánh với những thứ mà gia đình và những người thân tôi đang phải đối mặt. Tôi không  thể vì nó mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người tôi yêu thương, mà ngược lại, tôi phải cố gắng kiên cường và mạnh mẽ, cố gắng giải quyết nó một cách nhanh chóng ngay để trở lại cuộc sống thường nhật của mình, để dành sức mà quan tâm, giúp đỡ những người ngoài kia đang cần đến tôi.


Khi tôi buồn nhất, cô đơn nhất, tôi lại thấy những bạn bè xung quanh mình, họ cũng đang giống tôi, họ cũng gặp phải không ít vấn đề từ cuộc sống, và họ cũng đang gồng mình để đứng lên, để đối mặt với những khó khăn ấy. Khi đó họ tìm đến tôi, tìm đến với “cô gái mạnh mẽ” trong lòng họ, và việc tôi phải làm là tạm gác lại ngay những buồn bã hiện tại, dẹp ngay vẻ mặt buồn chán, phấn chấn trở lại và cho họ biết rằng tôi đang rất ổn để đưa ra những lời động viên hay sự giúp đỡ dành cho họ.

Cứ  thế, và tôi quen với việc bản thân mình là một người mạnh mẽ. Tôi không dám than phiền với ai rằng mình đang buồn bực, đang lo lắng với những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Rất ít. Điều đó cũng tốt, nó ngày càng kềm cập và rèn dũa tôi thành một đứa cứng cáp và không có thói quen “hay than phiền”, tôi trở nên mau quên với những cảm xúc vặt vãnh của bản thân, tôi sống và nhắc mình phải biết chịu trách nhiệm với những gì mình nghĩ, mình làm. Tôi đi nhiều, hoạt động nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn và va chạm nhiều hơn! Tôi trở thành  một đứa con cứng cáp, rắn rỏi và tự lập tốt trong lòng ba mẹ, là một đứa biết chuyện và hay động viên ng khác trong mắt bạn bè. Nhiều người nhìn vào vẻ ngoài của tôi, ai cũng cho rằng tôi là một đứa không dễ bắt nạt, không dễ đánh ngã.
Nhưng chỉ có chính bản thân tôi mới hiểu tôi thực sự là một người như thế nào. Tôi nhìn mình rất đơn giản: một con bé sống thiên về cảm xúc, hay mơ mộng và luôn cân nhắc mình phải sống chừng mực và sống đúng với lương tâm. Từ ngày còn bé, tôi cũng là một đứa khá bướng bỉnh nhưng không cứng đầu, không quá khó bảo. Lớn hơn, tôi nhận thấy một chút đanh đá từ bản thân, nhưng không đến mức chua ngoa hay đủ ác để làm đau người khác.  Tôi chẳng làm gì tổn hại sâu sắc đến ai, và cũng ít khi có ý định muốn làm đau ai đó, nhất là khi bước vào phổ thông, tôi – một học sinh chuyên văn, tôi yêu môn học của mình, yêu cái mình theo đuổi và tôi càng không cho phép mình sống khác đi với những gì đã đặt ra. Hầu hết ai cũng có những nguyên tắc sống cho riêng mình, và tôi cũng không ngoại lệ. Cho đến khi tôi bắt đầu hiểu về cuộc sống, về những ngọt ngào hạnh phúc và cả những bạt bẻo, trái đắng luôn song hành cạnh nhau. Khi tôi vấp ngã, khi tôi bị người khác làm tổn thương, khi tôi bị cuộc sống đánh đập và lâm vào bế tắc, cứ thế cứ thế tôi trở thành một “đứa mạnh mẽ” trong mắt người khác tự bao giờ tôi cũng không hay nữa! Chỉ biết rằng, bản thân tôi thích điều đó và cũng hay nhắc nhở mình phải kiên cường và mạnh mẽ sống,  không được dễ bỏ cuộc và buông xuôi trước những bão táp ngoài kia. Dù tôi biết rằng, để duy trì sự mạnh mẽ ấy, đôi khi tôi phải khổ sở để vật lộn với những cảm xúc lẫn lộn của chính mình, phải oằn mình mà mạnh mẽ sống, nhưng tôi sẽ không cho phép mình mệt mỏi, tôi đã lựa chọn điều đó và tôi thấy hài lòng với lựa chọn của bản thân mình.
Để là người mạnh mẽ, đôi khi cũng phải học mới biết!

Nhất IT, nhì dược sĩ, bét dĩ giáo viên

Trước giờ mình vẫn luôn thích con trai IT (và Dược sĩ).  Lí do thì muôn thởu, vì mình rất kém Tin và ngu Hóa. Nhiều bạn thích con trai đẹp (phù phiếm và vớ vẩn), thích con trai có tiền (gái hám lợi), thích dân văn nghệ sĩ lãng mạn, con trai nhiều tài lẻ giỏi thể thao. Thú thật là cái móe gì mình chẳng đá qua một ít không thiếu thứ gì. Nên ví dụ thằng kia nó chơi được guitar thì mình cũng gẩy gẩy được mấy bài, thằng này nó đánh cầu lông siêu hay thì mình cũng chỉ khen mấy câu rồi quên luôn mặt mũi tên đó (may ra nhớ được nếu hắn đeo kính). Thế nên, nếu anh chàng mà dí mặt vào máy tính cả buổi, ngồi code chai cả mông, hack mương14 giùm mình thì chắc chắn mình sẽ bám anh ấy đêm ngày. Anh ơi anh giỏi thế? Anh ơi em ngồi ngắm anh được không? Anh ơi anh sửa giùm em máy nhé? Anh ơi anh có người eo chưa? Anh ơi cưới em nhé!!!!!!!!
Nói tí tí về trai Dược sĩ. Thật ra thì dân Y sẽ giỏi Hóa hơn dân Dược, giỏi cả Toán hơn nữa (chắc thế), nhưng mà yêu một anh Bác sĩ đồng nghĩa với việc máu me mổ xẻ (yep, bác sĩ Đa Khoa, chứ như bác sĩ Cộng Động thì chẳng có gì đáng nói cả). Rồi ảnh đi suốt ngày xong gian díu với em y tá mặt mẹt ở khoa trực. Chuyện tình kết thúc. Mấy anh Dược sĩ sẽ đỡ hơn chút, ít đi hơn (vẫn đi nhiều, nhưng tần suất có mặt ở nhà thường xuyên hơn), dù có đi nhiều nhưng không có thời gian nghỉ để đá mắt với em khác. Sau này cưới nhau rồi có con, nó sẽ bảo: Má, chỉ con bài Hóa. Còn mình ung dung nói: Đi hỏi bố mày ấy. Và tất nhiên là "bố mày" sẽ chỉ bài Hóa ấy cho con trong khi "má mày" ngồi đá Pes rồi.
Mấy anh IT thì sẽ thế này. Nhiều anh đẹp trai, nhiều anh không, nhiều anh cao, nhiều anh không, nhưng anh nào cũng đầy đủ khả năng để code, viết ra cái gì đó mình không biết, sửa cái máy tính ngớ ngẩn trong vòng 2p, cài win mà không bắt mình đi tìm đĩa (ít ra mình còn biết cài win). Nói chung là cái đứa ngu về công nghệ như mình nhìn các anh IT chỉ thấy một vầng hào quang chói lọi. Còn mình, sau khi chui vào CNTT để làm giảm tỉ lệ ế xưa nay vốn cao ở mức báo động của mấy anh ấy, đã lập tức chuyển sang khoa tiếng Đức. Một là vì không biết cái mà thầy giáo viết trên bảng có phải tiếng Việt không, hai là giờ học thoải mái chứ mình không máu me lắm vụ thi học bổng rồi vút đi du học, lập tài khoản youtube mang tên duhocsinhDuc, kết thúc bằng việc nói xấu và ra vẻ với tụi Tổng Hợp: "Mày nghĩ mày học giỏi á?". Trở lại vấn đề về các anh IT, mình thì thấy các em gái không được mặn mà với dân IT lắm, nào là kính dày (dày thì ảnh hưởng gì?), mông nhăn (mông nhăn hay đi cùng với não nhăn, còn hơn loại mông mịn não cũng mịn nốt), nghiện máy tính (nếu mà chuyển nghiện từ máy tính sang mình thì chẳng hạnh phúc quá), khô khan, vô tâm (nó là cách nói thô tục của từ lạnh lùng và ngầu thôi)......và vô số lí do của các bạn đưa ra để bài xích các anh CNTT. Tốt thôi, mình rất vui, như thế thì càng có nhiều anh IT cho mình chọn :3
Trước Ly yêu một anh IT, thởu anh còn sinh viên mới ra trường, mình búng tay một cái là anh đến sửa máy tính, đưa đón đi học (hồi đấy mới học cấp 1, biết gì). Giờ bỏ Ly, anh mở công ty riêng, làm giám đốc, lo tiền du học cho em gái, xây nhà, mua otô, LX, máy ảnh cơ, đi phượt. Cả họ ngoại và họ nội tiếc hùi hụi, mình chắc chẳng bao giờ kiếm được anh người eo hoàn hảo như thế, nhưng ít nhất cũng mong có một ông anh rể tuyệt vời vậy. (ổ, thế mình chưa kể là anh ấy rất đẹp trai, đeo kính, tốt bụng, tâm lí, quan tâm, chiều chuộng người eo, ngoan ngoãn với bố mẹ, sống điều độ, chơi tennis, bơi tốt, học siêu giỏi....à?). Mình cứ thế lớn lên và thích các anh đeo kính IT cho đến một ngày nhận ra rằng, hóa ra trước giờ mình luôn lấy ông anh rể hụt này làm hình mẫu lí tưởng, đến lúc ấy thì đã quá muộn, hình mẫu lí tưởng đã cưới một bà vợ rất xấu và bằng tuổi (1978), hai người hì hụi hằng đêm và nửa năm sau thành phẩm ra đời (không muốn chê nhưng nó xấu hơn cháu mình nhiều!!).
Các anh CNTT thì thường dí mắt vào máy tính nhiều quá mà quên luôn giao tiếp, đứng trước gái hay à ừm ờ, nghe dễ thương cực ^^ không à ừm ờ thì cũng ít nói (vẫn dễ thương). Con trai nói nhiều nhức đầu lắm. Do điều kiện tiếp xúc với gái ít, nên các anh IT chỉ tìm kiếm cơ hội ở mấy em đồng nghiệp, gái IT không nhiều, tỉ lệ ế của các anh là vô cùng cao. Do vậy, khi vớ được gái bình thường, các anh sẽ giữ cho bằng được, tìm cách cưa cẩm tán tỉnh siêu sáng tạo. Mình nhận luôn, mình là M chính hiệu, tán tỉnh bình thường thì không, nhưng tán tỉnh kiểu khô khan thì cực dễ đổ, đã đổ mà không chịu giữ thì kiểu gì cũng chạy. Giữ kiểu ghen tuông thì tuy lúc nào mặt cũng sưng lên nhưng mà bên trong thì thằng Tim đang nhảy nhạc Jazz.. Không thể phủ cái kiểu khô khan vô tâm bên ngoài nhưng mà cực kì hay ghen của dân IT rất tuyệt. Mình là Kim Ngưu, bảo thủ số 1, luôn nghĩ dân IT ai cũng phải thế, nên nếu gặp anh nào dẻo miệng một ít, nói ngọt một chút, nói nhiều một tí, không đeo kính thì sẽ tự hỏi: IT thật à? Đây là ai? 
Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất mà mình thấy sau khi lượn lờ gần hàng tuần, mỗi tuần mấy ngày qua Dược và Bách Khoa đó là: CỰC.NHIỀU.ANH.ĐEO.KÍNH, đã đeo kính còn giỏi, bố ai mà chịu được :| 
Mấy ngày đầu học khoa CNTT, ít nhiều khám phá được thế giới mới mẻ này. Đầu tiên, không phải bạn nào cũng đeo kính. Thứ hai, không phải ai cũng có thể cài win, thứ ba, 3/4 các bạn đều lùn hơn 1m68. Thứ tư, rất nhiều bạn vào vì lí do không học được tin ở Bách Khoa, Bưu Chính Viễn Thông hay Công Nghệ Thông Tin (trực thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội). CNTT tin ở trường mình là loại nửa nạc nửa mỡ, không đủ giỏi để lập trình như dân ngoài, cũng chẳng đủ giỏi mảng kết cấu như dân kĩ thuật, nói chung là ra trường sẽ chẳng làm được gì. Thứ năm, hầu hết các bạn đến lớp để ngủ và chơi chứ không phải để học. Thứ sáu thứ bảy thứ tám.....mình muốn chê cả tỉ tỉ thứ. Nó làm cái hình ảnh mình xây dựng bao lâu bị xấu đi đáng kể :-< hình mẫu lí tưởng thì vẫn hoàn hảo thế, không nói làm gì, nhưng chẳng lẽ anh chàng IT mình crush năm lớp 11 (dạo trước lưu tên anh ấy là E8, lí do thì bí mật) cũng từng dép lê quần xắn gối đến lớp, ngủ gật thay vì học, quay xuống nói với tụi con gái bằng một giọng sặc mùi tán tỉnh giả vờ galang :( :(
Mà sau gần 2 năm quen biết, cái anh E8 mà mình từng thích thì giờ lại thấy có giọng cười rất là thô thiển (hé hé hé hé hé hé hé hé hé) *Nói.Xấu mode: ON* , mùi Romano mà trước mình khoái khoái giờ bố cũng dùng nên càng ghét hơn. Rồi cái điệu bộ thấy em nào là liếc rồi bình phẩm, ra làm quen, đi ngoài đường cũng thích soi gái. Thể loại lăng nhăng, có người yêu rồi còn thế. Lăng nhăng lăng nhăng lăng nhăng, ghét con trai lăng nhăng, dù mình cũng dạng như thế, nhưng vẫn ghét ghét ghét. Mà mình đang tu tĩnh tâm rồi, trừng phạt bản thân hết năm nay cấm tiếp xúc với anh nào, sang năm sau sẽ làm một trang mới 8->
Cuối cùng, nếu không có được anh IT hay Dược sĩ như mơ ước thì mình chọn dân Sư Phạm. Tức là vẫn theo tiêu chí giỏi, chỉn chu, đeo kính thì dân Sư Phạm hoàn toàn có rất nhiều người đáp ứng đủ yêu cầu này, mà thực ra trước giờ chỉ thấy báo đưa tin: Thầy giáo siêu giỏi siêu đẹp trai chứ có nhắc gì đến anh IT hay anh Dược sĩ thế nào đâu. Giáo viên vẫn là cái nghề cao quý, mình thí thích giáo viên ngoại ngữ, Tin hoặc Hóa hay Sinh (hí hí, một mũi tên trúng hai con chim), hoặc Toán, Lý. Tuy phải đối mặt với vấn đề rằng anh này sẽ dễ bị mấy em học sinh để mắt và cũng chú ý đến các em xinh xinh trong lớp, tuy nhiên nếu không muốn bị tống cổ khỏi ngành thì chắc chắn anh thầy giáo của mình sẽ nhẹ nhàng từ chối các em ấy rồi.

Nói thế thôi chứ tình yêu mình dành cho các anh IT vẫn dạt dào như thởu ban đầu. (nhắc mới nhớ là anh ex kĩ sư đẹp trai cực kì ghét dân IT nói chung, dân đeo kính nói chung và các anh IT đeo kính nói riêng chỉ vì quan điểm này của mình.).

Thế nếu một anh giảng viên dạy môn Công nghệ Y học hay Công nghệ Sinh học xuất hiện thì phải làm saooo???

Xuất thân, Tiền, và Tình yêu

Những bài viết về gái tỉnh lẻ, trai thành thị rất nhiều, tranh cãi cũng không ít. Khách quan mà nói thì không có lửa sao có khói được. Việc những cô gái miền quê lên thành thị kiếm sống, ao ước lấy một chàng trai nhà mặt phố bố làm to là chuyện dễ thấy, và cách nhìn nhận đánh đồng tập thể sinh ra, đặc biệt với những gia đình có tư tưởng định kiến. Chuyện đó cũng hết sức dễ hiểu và không cần phải trách cứ.
Vậy vấn đề ở đâu? Câu trả lời là của chính những người trong cuộc, họ có từng suy nghĩ câu nệ chuyện xuất thân? Có đặt vị trí của mình lên bàn cân để tính toán? Nếu câu trả lời là có, thì hẳn họ đã tự hạ thấp bản thân mình, và cái lẽ bị khinh miệt cũng không thể nói là oan ức.



Một cô gái biết vị trí của mình sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện xuất thân của mình hay người yêu, anh ta là đại gia thành phố hay tỉnh lẻ quê kệch đều được, miễn là anh ta có trình độ tương xứng, phẩm chất tương xứng. Ông cha ta nói nồi nào úp vung nấy không có sai.
Thế còn tiền có thể mua được tình? Đúng không?
Đúng, tình thiếu gì! Nhưng mà tình của ai? :)
Có những anh chàng sinh viên tuyên bố rất tự tin: “Có tiền chả sợ thiếu gái chạy theo” trong khi tiền chưa có, tình thì tạm bợ. Riêng cái ly tưởng kiếm tiền của họ cũng đủ bộc lộ tư duy và tầm nhìn thiển cận, chưa nói đến việc đám con gái xung quanh nghe được sẽ đánh giá như thế nào? Tất nhiên, các cô nàng đào mỏ sẽ đánh giá rất cao điều đó!
Chuyện kể rằng, có một người phụ nữ nhà quê bình thường, nhiều chàng trai theo đuổi nhưng cô không hề rung động. Đến năm 24 tuổi, thấy bạn bè xung quanh đều có nơi có chốn, lại thêm mang tiếng kén cá chọn canh, cô quyết định: “thôi, bây giờ người đến tiếp theo mình sẽ chấp nhận” . Vậy là cô đã đồng ý một chàng trai nghèo, bề ngoài gầy gò nhỏ bé. Mọi người đều phản đối và lo lắng cho tương lai của hai người. Cô vẫn nhất quyết cưới anh. 20 năm ngày cưới, con gái của người phụ nữ đó đã hỏi cô rằng:
-          Sao mẹ lại chọn cha con?
-          Vì mẹ nhìn lấy nghị lực của cha.
-          Những người theo đuổi mẹ trước đây như thế nào ạ?
-          Họ giàu có con à.
-          Mẹ có tiếc không?
-          Mẹ không tiếc.
Bây giờ, sau 30 năm ngày cưới, người phụ nữ đó vẫn sống hạnh phúc với gia đình của mình, họ đã cùng vượt qua những năm tháng đói khổ, sự phản đối của gia đình và bạn bè, làm việc cật lực, để rồi có một cuộc sống ấm êm. Người chồng có địa vị cao trong xã hội, được mọi người kính nể, tôn trọng, người vợ vẫn âm thầm bên cạnh giản dị và nhỏ bé. Tình yêu của họ suốt chừng ấy năm cũng vậy.

                    

Nếu cân đong đo đếm tình yêu bằng xuất thân và tiền bạc, thì cuối cùng cán cân cũng sẽ lệch đi khi một bên thay đổi. Cuộc sống không thể lường trước điều gì. Một người giỏi còn chưa chắc sẽ thành công, nói gì đến chuyện một người có xuất thân hào nhoáng và tiền bạc rủng rỉnh là cao giá? Vậy nên dù ở đâu, bất cứ lúc nào, phải biết vị trí của mình và tôn trọng vị trí của người khác, bởi đánh giá quá cao một người là đang tự hạ thấp bản thân, và đánh giá thấp người khác lại chẳng khác gì đào mồ chôn mình trong kiêu hãnh và tưởng tượng.



Có khi người ta sẽ phải day dứt cả đời trước thiên biến vạn hóa, vì đức tin vào những thứ xa xỉ tầm thường trong tay.