Thursday, October 10, 2013

Yêu nhé!

Có người vừa báo thất tình với tôi. Tôi cũng nghe tin bạn bè tôi thất tình vài lần rồi. Và hôm nay, thèm viết, tôi muốn nhân cơ hội nói với bạn về tình yêu. Nếu bạn có quen tôi ngoài đời, chắc sẽ nói thẳng vào mặt tôi ngay và luôn một câu rằng: “Cô thì biết gì về tình yêu mà bày đặt dạy dỗ thiên hạ chứ?” Ừ, đúng đấy! Tôi cười trừ chứ biết làm sao đây? Nhận xét của bạn đúng quá còn gì. Nhưng này, theo tôi thì, yêu nhiều không có nghĩa là hiểu về tình yêu, hoặc là biết yêu cho đúng cách đâu. Tôi thì vẫn đang tiếp tục sự học về tình yêu thôi. Tôi nghĩ người ta cần cả cuộc đời để học yêu. Sự khôn ngoan của loài người chỉ tròn đầy nhờ có tình yêu. Từ khi bắt đầu yêu ai đó thật lòng, tôi mới nhận ra rằng: “Từ trước đến nay, có một nửa sự khôn ngoan của nhân loại đã kì thị mình!”…  Hơi có chút phũ phàng nhưng vẫn phải thừa nhận. Vậy đấy! Nếu không yêu, dù bạn có giành được Nobel khoa học đi chăng nữa, bạn cũng chỉ có một nửa sự khôn ngoan của loài người mà thôi.
Sự khôn ngoan là cả lý và tình, là sự uyên bác của cả trái tim và khối óc, không thể chỉ cần một trong hai. Có những vấn đề mà ta chỉ nhờ tình yêu, ta mới thực sự hiểu thấu. Tôi nói một tình yêu thực sự nhé, tình yêu của một chàng trai và một cô gái ấy! Mọi cảm xúc cần được phản chiếu qua lăng kính của tình yêu. Đam mê là khi bạn dốc hết lòng, hết tâm trí cho cái mà bạn quan tâm, bạn chỉ hiểu được khi bạn biết, thế nào là yêu một ai đó hơn chính bản thân mình. Cảm hứng là khi bạn có được một luồng sinh khí mới, một mạch nhựa sáng tạo mới được phát sinh bởi cội nguồn sâu thẳm bên trong mình, bạn chỉ có cảm hứng thực sự khi bạn phát hiện ra, có một động lực lạ kì mới vừa hé mầm trong trái tim, khiến bạn muốn bắt đầu, muốn yêu đời hơn bao giờ hết. Thực ra, chúng ta chẳng bao giờ thực sự yêu cuộc đời, nếu cuộc đời không là tương phản của mọi bóng hình trong ta. Người ta thực sự yêu thương là tương phản chính xác nhất! Bạn thấy cuộc đời đáng yêu, vì: có một ai đó trông rất đáng yêu, có một ai đó làm bạn muốn cười khúc khích, có một ai đó khiến ngày mới lấp lánh như sao may mắn. Ngay cả tình yêu với chính bản thân mình, hóa ra yêu bản thân mình phải là như thế, lúc nào cũng nghĩ tới được, lúc nào cũng mong ngóng được nói chuyện, được cùng nhau cười, được hốt hoảng cùng những lo lắng của nhau và cùng nhau nghịch ngợm khi cuộc đời quá bình yên. Phải đấy, bạn có bao giờ mong ngóng được nhìn ngắm bản thân như mong gặp người yêu không? Bạn có bao giờ mong được hiểu thấu những nỗi lòng và xúc cảm, những thói quen, những kỉ niệm, những quá khứ và tương lai của bản thân như với người yêu của bạn không? Bạn có bao giờ lo lắng cho sức khỏe, mỗi lúc bị sốt, bị ho, bị đau bụng của chính mình như khi bạn lo cho người bạn đang yêu thương không? Tình yêu là một điều gì đó vị kỉ vô cùng, tình yêu dạy ta yêu thương bản thân ta nhiều hơn, làm bản thân ta thấy hạnh phúc hơn và cũng ưu phiền nhiều hơn. Sự vị kỉ ấy được nhân đôi lên, không phải chỉ dành mỗi cho bạn mà còn cho cả người ấy nữa. Yêu thương bản thân vốn dĩ là sự tốt lành. Sự vị kỉ ấy cũng rất tốt lành.
Tình yêu là một hình thái độc tài của cảm xúc. Bạn yêu ai đó vì cái ước mong vô ngần của bản thân, là: yêu và được yêu. Nó giống như việc bạn muốn lên vũ trụ, muốn đi du lịch, muốn ăn bánh tráng trộn, muốn mua quần áo đẹp. Yêu-và-được- yêu là kẻ xếp hàng đầu các mong muốn của con người. Thấy chưa? Bạn chỉ cố thỏa cái ước mơ và mong muốn cá nhân ấy thôi! Bạn tức giận với ai đó chẳng phải vì bạn đang cảm thấy mình không được yêu thương, không được tôn trọng, không được quan tâm, không được lắng nghe, không được bày tỏ, không được thấu hiểu đúng với mức độ bạn mong muốn sao? Bạn cảm thấy mình bị làm lơ, những giá trị và cá tính của bản thân bạn bị cùn lụt bớt đi. Bạn thấy không đáng phải nhận những đánh giá bất công ấy. Kẻ tầm thường cân nhắc mỗi vật chất –  giữa cái cho đi và cái nhận lại, tệ nhất là chỉ chong chong xem mình được nhận bao nhiêu. Số còn lại của thế giới, cũng có thể vẫn đong đếm vật chất, nhưng đó không phải là tiêu chí duy nhất và quan trọng nhất, còn có những giá trị phi vật chất khác mà họ quan tâm.
Tình yêu chỉ là trong suy nghĩ của bạn mà thôi, là cảm nhận của chính bạn, là cách thể hiện, cách quan tâm, cách quan sát của riêng bản thân bạn. Theo tôi, trong tình yêu, chúng ta không phải là hai mối dây được nối với nhau, mà chúng ta tự nối nhau thành một mối dây. Chúng ta có quyền dứt ra bất kì lúc nào. Vấn đề là nhanh hay chậm? Ta sẽ đóng vai người có trách nhiện hay một người phủ định sạch trơn? Nếu độc tài rũ bỏ, thì cái kẻ người-yêu-của-ta sẽ là gì trong mắt ta đây? Một nửa của ta không phải là bản mẫu đặt vừa khớp lên khuôn đúc của ta. Bản thân một người là nam, còn một người là nữ - một người đi yêu, còn một người được yêu – một người cho, một người nhận…  Chúng ta vừa đối lập, vừa tương hỗ.
Tôi vẫn nghĩ, con người ta có một nửa định mệnh của mình. Suốt một cuộc đời, gặp gỡ và trao tay bao nhiêu, thì ta cũng chỉ thực sự yêu duy nhất một người mà thôi. Bởi tôi được nuôi lớn bởi khái niệm chung thủy, bởi những câu chuyện tình chỉ giữa hai con người. Nàng công chúa ngủ cả trăm năm, chỉ đúng một vị hoàng tử duy nhất đánh thức được cô. Cô gái cứ khờ dại tin lời cha mình, để rồi chỉ một người duy nhất chấp nhận mang cánh buồm đỏ thắm đến cho cô. Scarlet có cố chối bỏ bao nhiêu, cuối cùng cô cũng phải thừa nhận rằng mình chỉ thực sự yêu Red Burtler vậy. Hay Roméo chỉ yêu Juliette. Hay Harry chỉ yêu Sally sau mười mấy năm gặp gỡ hết người này đến người khác (phim When Harry met Sally), hay Jesse chỉ yêu Céline (trong bộ ba phim Before Sunrise – Sunset và Midnight)… và nhiều câu chuyện tình khác. Có thể là tình đầu hoặc tình cuối. Ta có thể có cảm giác yêu thương với nhiều con người, nhưng sau hết, ta biết lựa chọn nào mới thực sự dành cho ta. Một số người chấp nhận thỏa hiệp để tình yêu ra đi, có người lấy sự vun đắp làm nền tảng của tình yêu, một số người đấu tranh và tự chủ với chính tình yêu của mình. Tôi theo quan điểm: Những người yêu nhau cuối cùng sẽ về với nhau. Bạn có thể cho rằng tôi suy nghĩ giản đơn và ngây thơ quá. Tôi bị lậm phim ảnh và tiểu thuyết đến hết thuốc chữa rồi. Vâng, tôi tin cuộc sống có điều kì diệu, tôi tin vào duyên phận, tôi tin vào một con đường có đích cuối cùng. Tôi tin như thế đấy!
Liệu tình yêu có thể như chuyện mẹ của tôi, vừa yêu cả tôi, vừa yêu cả anh – chị  và em tôi không? Liệu có thể như ta có hai hay ba người yêu, như hai hay ba người bạn thân không? Liệu ta có thể như những tộc người, những ông chồng bà vợ đa thê, đa phu không? Ừ, thì bao giờ giải thích được hết cái tâm tính phức tạp của con người, ta chắc thành Chúa Trời mất! Thôi nào, chuyện tình yêu, cứ là chuyện của hai người mà thôi!
Tôi nghĩ trách nhiệm là cách duy nhất để duy trì một mối quan hệ. Tôi muốn nói đến trách nhiệm ở tầm nghĩa bao quát nhất. Trách nhiệm không có nghĩa là điều bạn buộc phải làm, đó là nghĩa vụ! Trách nhiệm là điều bạn cần làm, nên làm, và nó bao hàm cả nghĩa vụ - những điều phải làm. Trách nhiệm là điều duy nhất giữ bạn ở lại trong một mối quan hệ, cả hôm nay và ngày mai. Làm gì có chuyện sáng mai tỉnh dậy thấy tình cảm sạch trơn? Không đâu, nó chỉ là chuyện mất cảm giác tạm thời thôi. Không ăn một bữa cơm không có nghĩa là sẽ nhịn ăn được cả đời… Yêu hay không? Là một lựa chọn tự do, gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm là lý do duy nhất cho bạn tiếp tục quan tâm, lo lắng, chăm sóc người bạn yêu, khi mà sự ích kỉ của bản thân can ngăn bạn. Trách nhiệm giúp cho cán cân của bạn được giữ thăng bằng, khi bạn thấy mất mát quá nhiều mà nhận lại chẳng bao nhiêu. Người ta cưới nhau là để cam kết một cách chính thức sự chịu trách nhiệm ấy. Sống với nhau sẽ đến đoạn chỉ còn nghĩa chẳng còn tình, có thể, cái nghĩa – một biểu hiện khác của trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ là giải quyết cho giống một thằng đàn ông khi lỡ chuyện. Trách nhiệm không đơn giản là chuyện cơm áo gạo tiền. Sống có trách nhiệm không phải chỉ là thực thi và đền bù thiệt hại, chấp hành và chịu phạt cho mỗi cái sai. Ta cần tìm và cần chờ ai ở cuộc đời này? Một người để ta yêu và được yêu. Bạn không thể chỉ yêu, cũng không thể chỉ cần được yêu là đủ. Trách nhiệm là thái độ nghiêm túc và hữu hiệu nhất để bỏ đi những biện minh như: thiếu thời gian, thấy mệt mỏi và ngột ngạt... để sau cùng ta hiểu ra rằng: Yêu không phải là một sự lãng phí! (về thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc, vật chất, sức lực…)
Này! Đừng vì cô đơn quá mà nhảy vào một mối quan hệ. Đừng có vì thương tình người ta sớm chiều trồng cây si không biết mệt, nên mình trả lời cho khỏi tội nghiệp người ta. Đừng vì chán quá rồi ai tán yêu luôn. Đừng vì không có việc làm, đừng vì muốn có một mối tình vắt vai cho đẹp tuổi trẻ, đừng vì sợ ế mà đụng ai cũng yêu. Cũng đừng vì bị ai gán ghép, ép uổng. Tình yêu chỉ thực sự bền vững khi dựa trên nền tảng là tình yêu, chứ không phải một thứ tình cảm nào khác và chúng ta bước vào mối quan hệ ấy trong trạng thái tự do hoàn toàn. Và nếu như ta có quyền lựa chọn, thì hãy lựa chọn yêu thật có trách nhiệm, nhé!
Thấu hiểu không đồng nghĩa với việc phải nhất nhất đồng lòng, nhất nhất hai người một ý, nhất nhất trở thành bản sao y chang nhau. Chúng ta, một người là nữ một người là nam (kể cả là đồng giới đi chăng nữa – vẫn luôn có một người đóng vai phái yếu, một người đóng vai phái mạnh). Đã sai khác nhau cơ bản như vậy, huống hồ còn bao nhiêu yếu tố khác tạo nên con người và tính cách chúng ta. Làm sao mà có thể giống nhau 100% được??? Thấu hiểu là chia đều cơ hội 50:50 cho nhau, tôn trọng ý kiến của nhau. Thấu hiểu là cho rằng ý của mình đúng… và ý của người khác cũng không có gì sai, chỉ là, ta vẫn làm theo cách của ta, còn người vẫn làm theo cách của người, không phán xét, không lên án. Đừng viện dẫn một lí do rất lãng nhách là: Chúng ta quá khác nhau! – Bao nhiêu là đủ, còn bao nhiêu là quá? Không phải vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta có nỗ lực thấu hiểu nhau hay không à?
Có nhiều cách để thấu hiểu. Theo quan điểm của tôi, ngôn ngữ chính là chìa khóa của sự thấu hiểu. Ngôn ngữ thì tồn tại dưới nhiều hình thái, hoặc nói, hoặc viết. Bạn có thể đọc nó lên, hoặc biểu đạt nó ra. Vấn đề là bạn có chịu biểu đạt hay không? Xin lỗi trước nếu quan điểm của bạn và tôi không giống nhau. Bản thân tôi, tôi không thích đàn ông ít nói. Không phải lúc nào họ cũng cần bi ba bi bô như cái máy phát thanh. Nhưng đến cả người yêu là bạn, họ cũng kiệm lời thì có cái kết nào cho nỗ lực thấu hiểu nữa không? Muốn ăn gì cũng không nói, muốn làm gì cũng lặng thinh, không bao giờ cho một ý kiến, một quan điểm, cứ lẳng lặng bắt người khác dõi cách biết ý… Này con người kia! Chúng ta là kẻ hầu với gia chủ, là người làm với giám đốc à? Tình yêu là một bản nhạc, dấu lặng nhiều đến mấy thì cũng phải được vài nốt cất lên chứ? Chỉ có duy nhất một bản nhạc không có nốt thôi, bản ấy mang tên: Im lặng. Rồi đừng quên một điều rằng, khi bắt đầu, ta đã cất lên câu bày tỏ rồi, nên tình yêu không bao giờ có thể là bản nhạc Im lặng được nữa. Câu bày tỏ đầu tiên ấy là đủ hay sao? Không đơn giản thế đâu! Không dễ xơi thế đâu!
Tôi không đồng quan điểm với những người hành động theo kiểu: “Nhìn đó thì tự hiểu đi!” – Nếu không quan tâm, không nói chuyện thì tự hiểu là hết yêu rồi, chia tay rồi. Tôi cũng không đồng quan điểm với việc kết thúc bằng một cuộc to tiếng, hay bạo lực như cuộc ẩu đả. Theo tôi, người ta nên bày tỏ hết nỗi lòng, hết những vấn đề ra cùng nhau, đương nhiên là một cách thực sự có trách nhiệm (không theo cảm xúc nhất thời, giữa thái độ tôn trọng, công bằng cho cả hai bên cùng được bày tỏ). Nếu nói hết mà vẫn không thay đổi được gì, vẫn là một sự nhất nhất ích kỉ. Thì thôi, việc gì phải phí hoài tình cảm, sức lực và cố gắng của bản thân cho những thứ vô vọng nữa? Mặt khác, chuyện yêu đơn phương và yêu song phương nó khác nhau. Ta im lặng, ta từ bỏ, ta chúc phúc từ xa cho người ta yêu đơn phương nhưng ta không thể cũng làm thế cho người mà ta có tình cảm song phương được.
Tự thấy có một chút hụt hẫng, nhưng bài viết của tôi đến đây là kết thúc. Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết về tình yêu, hãy nghe Chuyện tôi yêu của Đỗ Bảo, nghe bản Love story hay bao nhiêu bài tình ca khác. Bạn hãy đi tìm một cuốn tiểu thuyết thật ra hồn. Hãy xem một bộ phim đáng giá (phim điểm cao trên IMDB chẳng hạn). Hãy đọc cuốn sách tâm lí ích lợi như: Đàn ông đến từ Sao Hỏa – Đàn bà đến từ Sao Kim. Bạn có thể đi tìm một triết gia, một người bạn đang yêu, hoặc thậm chí là vừa thất tình (mấy người này thì có thể có quan điểm hơi cực đoan một chút). Bạn hãy quan sát ở đâu đó quanh mình, từ bố mẹ, ông bà, cho đến nhà hàng xóm… Hoặc là, bắt đầu, bắt đầu kể, kể lại, bắt đầu lại câu chuyện của bạn đi!
Không còn là tự dưng thấy thích nữa rồi! Yêu nhé! Tự dưng thấy yêu!
Mến tặng bạn.
Ngày đẹp quá!
10/10/2013

No comments:

Post a Comment