Thursday, October 10, 2013

Tôi xin phép giơ tay

Tôi nghĩ là mình nên viết, trước khi một cơn lười và một mùa yên bình kéo đến. Bởi, để lâu, những trăn trở sẽ nguội bớt. Nói mà không có sự nhiệt tình, nó không thuyết phục và không đáng nghe. Ban đầu, tôi dự định sẽ viết xong mới đăng, sau đó, tôi nghĩ cần phát triển thành ba phần, phân tích hết ba ý quan trọng.
Tôi muốn nói, với đầy đủ lí lẽ và lập luận chủ quan, hi vọng sẽ giải quyết được triệt để vấn đề đang ong ong trong đầu óc tôi. Thành thật mà nói, tôi có cái tôi khá lớn, gần như là theo chủ nghĩa cá nhân, tôi cho phép bản ngã có một sự tự tôn nhất định. Tôi khá nhạy cảm với những chỉ trích. Đương nhiên, tôi biết, con người ta không phải lúc nào cũng đúng, nhất là tuổi trẻ… lại càng sai lầm nhiều hơn. Nhưng, trẻ mà, không cãi thì mất mất cái trẻ rồi. Tôi muốn làm một thế hệ sau vừa ngoan ngoãn vừa ngông nghênh, vừa vâng lời vừa ương bướng. Đó là nhu cầu có một tiếng nói dân chủ hơn giữa các thế hệ. Lựa chọn im lặng không phải lúc nào cũng đúng, nhất là khi, nếu không nói mình sẽ bị hiểu nhầm, bị đánh giá dưới chuẩn giá trị cơ bản. Thế hệ đi trước nhìn thế hệ đi sau bằng ánh mắt bi quan, tuổi trẻ càng ngày càng nhạt, càng ít nghiêm túc, càng ít gạn lọc, càng ít tinh thần cầu tiến, thậm chí là chuẩn nghệ thuật sáng tạo cũng lụt dần. Tôi tôn trọng và đồng ý. Thực tại của xã hội có-vẻ-như là thế! Nhưng, trước khi tiếp tục cố gắng, tôi cần biện minh và nói lý cho mình một chút, không thể nào để bản thân người trẻ trở nên hoàn toàn đáng thất vọng trong mắt người lớn như thế được. Tôi có một ý thức mạnh mẽ rằng: Mình không chỉ tiếp thu, mình còn cần bảo vệ và tu dưỡng giá trị riêng của bản thân nữa. Kiên trì đến cùng với quan điểm riêng, thì mới có thể thực sự tạo ra một quan điểm gọi là… có chỗ đứng.
Hãy thu nhỏ khoảng cách giữa các thế hệ vào một gia đình. Ba mẹ trách mắng thì con cái nghe, nhưng chúng ta đều phải đồng ý với nhau rằng, con cái có tiếng nói, đầu tiên chúng có quyền giải thích cho những hiểu nhầm bị quy chụp thành lỗi lầm, và sau đó chúng có quyền được đóng góp tiếng nói. Cha mẹ thương yêu con cái, con cái biết điều đó chứ… và cha mẹ, đôi lúc có biết không… rằng con cái mình nói đúng?
Đến đây, tôi bắt đầu phản biện được chưa? Tôi không còn bị đánh giá về thái độ nữa chứ?
Có hai điều tôi muốn nói ở đây: một là sự im lặng của người trẻ, hai là khả năng của người trẻ.
Cái mác “trẻ trâu” càng ngày càng bện chặt vào thế hệ trẻ. Vâng, cứ trẻ là nói nhiều, nói không suy nghĩ, háo thắng, không chín chắn, chỉ giỏi bày trò tác oai tác quái mà không nghĩ đến hậu quả về sau. Thế hệ trẻ, với những vấn đề cần nói thì không nói, với vấn đề không cần nói thì liên tục ba hoa không biết ngừng. Tuổi trẻ tự nhau phát lên phong trào sống nghiêm túc, rồi đi chế giễu chính cái sự nghiêm túc được đùn đẩy thành phong trào đó. Vâng! Tuổi trẻ là thế, luôn thích đùa cợt, thiếu nghiêm túc. Tôi còn nhớ, có một lần, cậu bạn cùng lớp lên bảng không làm được bài, thầy hỏi thì cậu ấy chỉ cười. Đương nhiên, không hề có thái độ cười quá đáng ở đây. Nhưng cậu ấy vẫn bị thầy khiển trách. Tôi không còn nhớ chính xác thầy đã nói những lời gì, đại ý là: “Con người ta cần nghiêm túc với cái hổng (ở đây là kiến thức) của mình. Lúc nào cũng phây phây như thế thì bao giờ mới tiến bộ?”… Trẻ mà, chưa nhận thức được tính chất cấp thiết của vấn đề, chưa thực sự cố gắng, chưa bao giờ biết nhìn lại kiểm điểm bản thân, phải vậy không? Có thể là đúng hoặc không, sao phải cấm nhau một nụ cười, dẫu chỉ là nụ cười bất đắc chí? Ai buộc con người ta lúc buồn phải khóc còn lúc vui phải cười? Lỡ làm ngược lại một chút xíu là hỏng tình hình hay sao?... Tôi chỉ xin lấy đó làm một ví dụ điển hình, bởi, tuổi tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, ngoài cậu bạn – bài toán – và thầy giáo tôi ra, tôi chưa tìm được dẫn chứng xác thực nào để có thể minh họa rõ hơn điều mình muốn nói. Tôi vẫn kính trọng thầy. Xin đừng lầm tưởng rằng tôi nói chỉ để mỉa mai. Và với tôi, đấy cũng là cả một bài học đáng giá, về quan điểm của mỗi cá nhân đối với từng vấn đề.
Người trẻ, tại sao chỉ nói vui là giỏi, lúc cần nghiêm túc thì không bao giờ thấy lên tiếng? Thưa rằng, nếu thực sự bước vào cùng hàng tiền bối để lên tiếng, lúc ấy chúng tôi đã trưởng thành mất rồi. Đứng chung một ghế, có thể tạm coi là ngang tầm về nhận thức, về tiếng nói. Tôi biết rằng, chúng tôi có quyền nói, nhưng chưa phải lúc đặt tiếng nói của mình ở quá tầm. Tôi và những người bạn quanh mình bàn luận một cách thờ ơ và chung cuộc thì không lên tiếng, bởi chúng tôi đang có nhu cầu lắng nghe. Chúng tôi để việc tìm phải trái đúng sai cho những người có kinh nghiệm và hiểu biết hơn. Chúng tôi có nhu cầu lớn là được học tập, hơn là nhu cầu khẳng định giá trị và cái vốn của cá nhân mình. Đi xa hơn một chút, chúng tôi thực sự mưu cầu một cuộc tranh luận dân chủ đích thực. Chúng tôi không đi theo cuộc tranh luận để biết ai đúng ai sai, chỉ đi theo để học hỏi. Thậm chí chúng tôi cứ đi theo, nhưng cuối cùng chẳng ngã ngũ về phe nào. Chúng tôi tìm được câu trả lời, và giữ yên câu trả lời ấy cho mình. Một xã hội vắng sự chỉ trích và phê bình thì dễ lạc hậu và chậm tiến. Điều ấy đúng. Vậy nên mặc cho những lời đánh giá về cái gọi là một sân khấu hài, một bè lứa “trẻ trâu”, chúng tôi tiếp tục im lặng. Sẽ đến lúc, thế hệ trẻ này thành thế hệ trưởng thành, thế hệ trưởng thành lại thành thế hệ già đáng kính. Tùy mỗi giai đoạn cuộc đời mà ta chọn người cầm trịch cho phù hợp, đúng không?
Đương nhiên, tôi không muốn bàn đến những ngoại lệ ở đây ( những người trẻ, mà cả thế hệ trẻ chúng tôi, cũng phải gọi là “trẻ trâu” ấy!)
Đó là toàn bộ phần Một, lập luận bào chữa của tôi, cho một thế hệ, chủ quan là riêng cá nhân tôi, đôi khi không muốn lên tiếng.

No comments:

Post a Comment