Tuesday, October 29, 2013

Chửi bậy

Tôi viết entry này khi trong máy tính còn 1 đống bài viết dở dang và núi bài tập đang chờ làm tiếp. Nhưng viết là cách giảm stress rất hiệu quả, không tin ư? Vậy thử đi :D
 Bạn thân vài hôm trước nói tôi của bây giờ khác tôi của một năm trước (ngày mới viết blog) quá. Không còn ngây thơ, giả nai nữa mà sống thật hơn.
 Chính xác thì là nói bậy, chửi bậy nhiều hơn. Thật ra trong đời sống thật rất ít người bắt gặp tôi chửi bậy, tôi chỉ nói bậy với một vài đứa bạn thân.
 Và một vài người ngỡ ngàng con càng càng rồi thốt lên đau đớn: Mày/em cũng nói bậy á? Chắc họ phải thương tiếc lắm cho 1 thế hê tương lai đất nước mới có thể có cái vẻ mặt bi thương xuất thần đến thế.
 Ô vãi chưởng. Giờ vẫn íu thể nghĩ được việc tôi nói bậy, học sinh cấp 2, cấp 3 đến đại học nói bậy thì liên quan đếch gì đến “tương lai” đất nước. Một kiểu hình thức rất thích bẻ ngọn cho xanh và non là CẤM. Ôi dào, cái chuyện cấm nói bậy, chửi bậy hay dùng ngôn ngữ teen tôi nghe đến mòn cả lỗ tai rồi. Nhưng cấm thế quái nào được, kiểu giống như việc cấm trẻ em hút thuốc, uống rượu bia hay xem AV ấy, dở hơi hết biết.
 Nhưng cấm thì vẫn phải cấm, cấm để các em biết rằng nó không được xã hội cổ súy, không được lòng người lớn và người ta rất dễ dùng nó để đánh giá bạn thay vì tìm hiểu bạn đằng sau những câu nói bậy dùng để biểu đạt cảm xúc giống như cái icon ngộ nghĩnh bạn vẫn dùng trên bàn phím. Kiểu như trộm cắp là hành vi xấu cần phải cấm để những thằng trộm biết đường mà lẩn khuất và thực hiện trong bóng tối ấy.
 Một kiểu giả tạo ai ai cũng biết, nhà nhà đều hiểu nhưng chả thấy ai nói đến ( hoặc người ta nói mà cái đứa chả bao giờ đọc báo, tin tức như tôi không biết) là văn chương kịch, phim ảnh kịch, thậm chí đến show truyền hình thực tế kịch. Nói thật là xem mấy cái phim tuổi teen hay sinh viên đại học tưởng là đang nói đến đất nước nào, hoặc là thành phố nào chứ đếch phải nơi mình sống. Các bạn ấy nói chuyện với nhau dễ thương vãi, nghe mà sởn da gà kiểu cậu cậu tớ tớ thẹn thùng ngại ngùng xong rồi chỉ nói “không”, “chẳng” chứ chả bao giờ nói “đéo”, “đếch”; chỉ nói “dốt” chứ chả bao giờ nói “ngu”; và những câu kiểu như clgt, cmnr, vãi, mịa, chó, … còn lâu mới thấy. Đọc truyện thấy các bạn trẻ nhân vật nói chuyện với nhau cũng rất “văn chương”, hoa mỹ cực kì nhé.
 Tôi không cổ súy nói bậy, chửi bậy. Trong phim ảnh và văn chương hay ca nhạc thì càng không. Vì chúng lan truyền rất rộng, vậy nên tính giáo dục tránh học theo rất lớn. Thôi thì biết đâu xem chúng teen nước ta lại bớt nói tục đi thì sao. À quên, dạo này tôi mắc bệnh hoang tưởng hơi bị nặng, đừng ném đá kẻo tội.
 Cái tôi muốn nói chính là, với tôi một đứa bạn hay chửi bậy với một đứa chẳng bao giờ mở mồm ra nói bậy bao giờ chả có gì khác nhau cả. Tôi tôn trọng chúng nó như nhau. Quan trọng là chúng tôi nói bậy chỉ để xả stress, diễn đạt cảm xúc, tâm trạng và chỉ dùng cho trang lứa chúng tôi. Chúng tôi không nói bậy với thầy cô, bố mẹ hay môi trường “kiểu cách” hơn như trong công ty chẳng hạn. Vậy thì việc quái gì phải cấm nhỉ? Ăn no dửng mỡ thiếu việc để làm chăng?
 Tương tự với đám trẻ cấp 2, cấp 3. Thầy cô, nhà trường “thảng thốt, hoảng hốt” phát hiện ra học sinh của mình nói bậy, nói tục và nhiều tật xấu quá. “Bình thường em nó là học sinh chăm ngoan học giỏi và rất lễ phép với thầy cô. Tôi không ngờ em nó lại như thế.” Rất ghét những câu nói kiểu ấy. Nói thật là tôi nghĩ thầy cô, nhà trường thậm chí đến phụ huynh đều biết học sinh mà nói chuyện với nhau thì chỉ có : con này vếu to vê lù; nhìn ngon vãi; đê mờ con chó tối qua đi chơi đéo rủ ông; vân vân và mây mây. Cái đấy thì cấm làm đếch gì trong khi cấm cũng chả được. Học sinh, sinh viên nói bậy là chuyện xuyện quốc gia, vượt biên giới, phổ biến trên phạm vi thế giới rồi người đời ạ. Và nói thật là tôi chẳng thấy nó có gì to tát để phải lên tiếng CẤM cả.
 Còn chuyện ngôn ngữ teen, nói thật hồi còn “teen” tôi cũng đếch hiểu bọn nó nhắn ccc gì cho mình nữa là bây giờ mãn teen rồi. Nhưng bọn nó vẫn hiểu nhau muốn nói gì, thế là ok rồi còn gì mà xã hội phải sốt sắng động cỡn lên cấm cản. Hồi còn bé đứa trẻ nào chả nuôi ảo tưởng thay đổi cả thế giới. Cái trò đặt tên lại cho đồ vật, con người, con chó hay làm mọi thứ ngược lại với quy luật vốn có đứa đếch nào chả làm. Thế thì cái bọn teen hay mãn teen mà còn trẻ như tôi cũng có cái thế giới riêng thế đấy. Thế giới ấy đếch cần “người lớn” phải hiểu nên không cần vác tù và hàng tổng kiểu thiếu hiểu biết do tiếc tiền mua muối thế đâu.
 À, sẽ có người nói với tôi rằng bọn trẻ chúng nó nhắn tin cho “người lớn” cũng cùng 1 kiểu với đám bạn nó (ngôn ngữ bị mã hóa kiểu teen), và thậm chí dùng trong cả bài làm văn. Ngôn ngữ teen, chửi bậy, nói tục với cả người lớn và trong bài viết nộp cho thầy cô. Cái này thì các thầy các cô tá hỏa lên là đúng rồi còn gì. Đừng đổ lỗi cho bọn trẻ rồi cấm cản kiểu chúng mày toàn học nhau nên 1 lũ láo toét hết. Nghe đếch biết trách nhiệm các vị đặt ở đâu cả. Chúng nó yếu kém trong mặt diễn đạt hay hành vi ý thức không phải do thầy cô, nhà trường, phụ huynh và “người lớn” dạy dỗ yếu kém à? Nếu cô dạy văn dạy tốt và không chấm điểm kiểu viết đúng sách văn mẫu hay để học tốt thì liệu em nó có thế không? Nếu nhà trường, phụ huynh nghe thấy lũ trẻ nói chuyện với nhau kèm những câu nói bậy mà chấp nhấn sự thật ấy rồi giáo dục rằng không được dùng nó cho những môi trường thế này, với người thế nọ, với họ thì cần nói thế lọ, cần thể hiện thế chai thay vì nổi khùng lên cấm chơi với bạn ấy nữa và cấm nói thế nữa thì có đến nông nỗi này không?
 Kiểu như thấy mọi người nghiện facebook thì định cấm ấy. Hờ, cấm mạng xã hội này sẽ có mạng xã hội khác, sẽ có trò khác thay thế. Bản thân sự việc không xấu, hành vi con người làm cho nó xấu xí thôi. Vậy nên thay vì lấp liếm yếu kém bằng CẤM, sao không nhìn thẳng vào vấn đề rồi thay đổi nó.
 Đấy, lảm nhảm nãy giờ rụng không biết bao nhiêu nơ ron mà chả biết mình đang nói cái quái gì trong khi chỉ định kêu ca cho bớt bức xúc cái chuyện đánh giá nhân cách một con người chỉ vì người ta nói bậy với bạn người ta. Là sao? Là sao? Là sao?
 Tôi lấy nhân cách ra để đảm bảo nhân cách tôi chả bị thối rữa chỗ quái nào đâu. Tôi viết entry này nói bậy lòi ra. Nhưng đây là mục “Đời sống”, nơi tôi được viết cho cái quan điểm đời sống của tôi, bạn muốn tìm tôi ngôn ngữ “trong sáng” thì sang mục văn học, góc trái tim hay bất kì cái gì ngoài đời sống. Tôi đủ hiểu biết, kiến thức để biết nên dùng ngôn ngữ thế nào trong hoàn cảnh nào ngoài đám bạn ra. Đấy, thế nên tôi cũng được giáo dục tử tế phết đấy chứ, không phải loại vô văn hóa như một số người không bao giờ nói bậy nhưng lời nói, hành vi lại đầy miệt thị kiểu gợi đòn đâu.

Tim lành và tim vỡ.

"Có con chim nào hót trong bụi mận gai...
Cạn kiệt máu trong tim mà tình yêu vẫn say ngủ..."
Trong chuyện yêu đương thường có 2 loại phụ nữ. Yêu mù quáng và yêu tỉnh táo.
Có những nàng mù quáng đến khủng hoảng. Cho dù cả thế giới nhìn rõ những điều tồi tệ từ người đàn ông mà nàng yêu, thì nàng vẫn mù mờ chẳng chịu thấy. Nàng điên rồ, quýnh quáng lao vào tình yêu, cố chấp không nhìn nhận mọi khổ đau, gạt hết mọi lý lẽ. Người đàn ông đó trong mắt nàng luôn là thứ hoàn mĩ nhất. 
Có những nàng thì tỉnh táo đến lạnh băng. Kiên quyết không dễ dàng để mình bị tổn thương, lý trí sắc lạnh ngay từ khi mọi sự còn mới chớm. Nàng dùng cái đầu nhiều hơn trái tim. Một lỗi lầm nhỏ nhặt nhất cũng không được chấp nhận.
Còn loại thứ 3....



Tôi có một cô em. Nói chuyện rất hợp.
Tình cảm của em rất buồn, nhưng không hề than vãn kể lể. Vẫn lắng nghe lời tôi trách móc, lẫn khuyên bảo. Tuy nhiên lại kiên định tuyệt đối.
 
Tôi gọi người em yêu là Asshole. Phải, thằng khốn!
Tôi luôn trách em sao phải khổ sở thế, yêu hoài một người đàn ông không xứngđáng. Có lẽ chỉ mình em mới thấy anh ta tốt ở điểm nào. Em thản nhiên trả lời, em hoàn toàn tỉnh táo để biết được anh ta có gì xấu, nhưng em vẫn thấy yêu,không thể ngừng.
Có lẽ phần lớn các cô gái đều vậy. Và tất cả đàn ông của họ đều xấu, dù theo cách này hay cách khác, dù là tình hay lý, làm họ buồn đau - là xấu. Nhưng với những cô gái ấy, xấu cũng là một thứ rất đáng để yêu. Ai cũng như một Mecghi, sở hữu riêng cho mình một cha Ran trong tâm tưởng.
Buồn-có, tủi thân -có, giận dữ-có,... Yêu - vẫn là việc của riêng yêu.

Em đủ lý trí để biết được mọi sự diễn ra xung quanh mình. nhưng lại quá thừa điên rồ để lao vào cuộc chơi đó. Vất vả né mình băng qua gai góc, chấp nhận tổn thương nhưng cũng biết tránh thương tổn đến mức tối đa.
Người chê em nhiều, chê em ngây dại, vất vả nhưng vẫn liều mình. Có sao đâu, em mãn nguyện chấp nhận vậy.
Người khen em có, khen em giỏi,  hết mình cho một chuyện tình chẳng mấy người can đảm. Em trầm ngâm, em dại thật mà, may mắn là dại vừa đủ.
Đám đàn ông ba đồng một mớ luôn truyền miệng câu "Đàn ông không xấu, phụ nữ không yêu", dùng nó làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Mấy ai hiểu, xấu xa chẳng hề phải là một biểu hiện cho sức hút phái đẹp. Chẳng qua, trong đám đực rựa, có ai đó từng may mắn gặp được người yêu họ si mê, mà chấp nhận yêu luôn những điều không tốt.
Và cũng chỉ có cô ấy,qua năm cùng tháng tận, nhận rõ anh ta xấu và tốt điểm nào.






Em tôi không ngốc. Em tỉnh táo yêu, tỉnh táo làm một Mecghi, tỉnh táo làm chú chim hót trong bụi mận gai.
Khi lao ngực vào bụi mận gai, em biết, em hiểu. Tuy thế vẫn lao vào. Sẽ mãi mãi như thế.
Cho dù ngốc nghếch, nhưng không hối hận vì đã bỏ cuộc, đã có bản tình ca mãnh liệt nhất tuổi thanh xuân.
Tôi không ủng hộ cho một tình yêu mù quáng, cũng không ưa đám theo thuyết lí trí.

Tôi chỉ duy nhất khâm phục sự tỉnh táo điên rồ của em.


"Nếu được viết lại câu chuyện tình yêu
Em sẽ để Mecghi yêu Cha Ran ít hơn một chút
Để khỏi mang trong mình những đớn đau, ngờ vực
Để bình yên trở về bên mái ấm giản đơn .
Nhưng....
Em không thể thay đổi được những khát vọng yêu thương
Bản năng tình yêu muôn đời sẵn có
Nên em mãi vẫn là Mecghi bé nhỏ
Vắt kiệt mình cho chỉ một tình yêu!
Mecghi"


Người lạ 10 phút

Bạn không cần phải tốn quá nhiều thời gian để bắt đầu một mối quan hệ thông thường. Mỗi người chúng ta gặp hàng ngày đều là những người có ít nhất một mối quan tâm chung với chúng ta. Chẳng hạn cha mẹ, họ hàng, bạn bè cùng lớp, đồng nghiệp, thầy cô, một người lạ cùng chờ chung xe bus, cô bán xôi trước cổng trường bạn vẫn mua hàng ngày, anh bảo vệ mới của tòa nhà bạn đang sống trông bảnh trai gớm,...
Mỗi người đến, rồi đi, gặp gỡ, quen biết, phát triển mối quan hệ, chia cắt,... đều là có duyên với nhau.
Tôi thích người lạ, những người chẳng hiểu rõ gì về tôi, càng không đoán được ý nghĩ trong đầu tôi. Những người lạ sẵn sàng dành cho đối phương 10 phút chỉ để chia sẻ về những câu chuyện không đầu, không cuối, thậm chí không cốt truyện.
Ngày trước, hồi còn là học sinh, có một đợt tôi đi xe bus đi học, chắc vài buổi thôi. Mỗi lần đợi xe bus tôi lại làm quen được với một bạn mới. Chúng tôi hỏi tên, tuổi, trường, số xe bus người đó đang đợi và địa điểm người đó mới tới. Một vài thông tin cơ bản rồi cười với nhau. Chẳng ai để lại thông tin liên lạc vì biết có để lại cũng rất khó duy trì một mối quan hệ không có sự tương tác thường xuyên.
Tôi vẫn tin rằng, để phát triển một mối quan hệ thì cần phải thường xuyên liên lạc, nói chuyện, chia sẻ. Giống như câu:
Đường không đi đường đầy cỏ dại.
Người không qua lại, người thành người dưng


Những người lạ gặp nhau là sự tình cờ. Tình cờ làm nên những mối quan hệ. Có thể lâu dài, trong chốc lát hoặc như cơn gió thổi qua. Người lạ có thể mang lại hạnh phúc, vui vẻ, và thậm chí là đau khổ cho ta. Thế nhưng, với mỗi người lạ, đều là một trải nghiệm, một lần được nói "Xin chào. Chúng ta làm quen đi".
Với người lạ 10 phút thì nói gì nhỉ? Hôm trước học tiếng Anh, trong giờ Speaking có mấy câu hỏi đại loại là examiner hỏi thí sinh mày không thích điều gì ở ngành học của mày & nếu được thay đổi một điều gì đó trong quá khứ thì mày muốn thay đổi điều gì?
Gọi mấy người lên trả lời xong cuối cùng cô bảo: Các em chỉ gặp examiner trong khoảng 14 phút thôi. 14 phút đó không dài, chỉ đủ để nói về một số thông tin cơ bản và quan điểm của em về vấn đề cần thảo luận.
Với những câu hỏi như thế này, thời gian trả lời là rất ngắn vậy nên đừng mất công than phiền với họ về những điều đao to, búa lớn, những nỗi thất vọng tràn trề. Hãy chia sẻ những chuyện không hài lòng ở mức bình thường thôi.
Trong khoảng thời gian ấy hãy thể hiện cho người ta mình là người tích cực, lạc quan, đừng kêu than. Các em có thấy vô duyên không khi kể với người ta những chuyện khiến người nghe mệt mỏi. Họ không có thời gian để tìm hiểu xem các em là người như thế nào đâu. Vì thế, hãy tạo ra một hình ảnh đẹp nhất trong mắt một người lạ.
Ứng dụng vào thực tế cũng thấy những gì cô nói là đúng. Chẳng hạn gặp một người lạ, người ta hỏi mình học trường nào, vui không. Đừng tuôn ra một tràng thể hiện sự bức xúc, thất vọng của bản thân về trường đó. Hãy tạo ra ấn tượng tốt với người lạ 10 phút bằng cách thể hiện những điểm tích cực nhất của bản thân.
Giờ người lạ 10 phút của mình ít dần. Hãy thử tưởng tượng, à mà không, nghĩ tới việc bạn ra đường và thấy ai đang đi bộ cũng chíu chít với cái điện thoại, cắm mặt vào đó chơi game, nhắn tin, gọi điện xem. Liệu ai còn thời gian dành cho nhau để mà làm quen và bắt chuyện nữa.

Nhanh 4

Thỉnh thoảng em rất muốn nói rằng mình nhớ anh.
Không phải vì lâu lâu mới nhớ ra rồi muốn thốt lên, em vẫn nhớ anh thường xuyên như từng đợt lá rụng lạo xạo mỗi mùa Thu đấy thôi, chỉ là phải có dịp nào đấy để em vin lấy một cái cớ mới dám khe khẽ thốt lên rằng "em nhớ anh lắm".
Em nhớ anh lắm.
Từ lần mình gặp nhau đến giờ chắc tầm năm tháng. Hôm đó em còn ríu rít thiếu điều bám chặt lấy anh mà khoe khoang về tình cảm của mình dành cho anh. Nào là anh ơi em thích anh lắm, thích nhạc của anh nhiều lắm nhất là bài "...". À em vẫn nhớ như in mọi thứ như thế và rồi hôm qua cả anh ở đó và em ở đây cùng vỡ òa vì chính bài hát ấy, bài hát anh dành bao tâm huyết viết nên và bài hát em đã thích rất nhiều, bài hát của anh của em của chúng ta giờ đã thành công rồi đúng không anh?
Em rất muốn chạy ngay đến nơi anh đứng để ôm lấy cánh tay anh, thậm chí ôm chầm lấy anh chỉ để nói hai tiếng "chúc mừng" giản dị, vì em biết và chắc anh cũng sẽ biết rằng đằng sau tiếng chúc mừng đó em đã vui biết chừng nào. Chúng ta đã vui biết chừng nào. Nhưng em ở xa quá, chẳng thể chạy ngay đến, chẳng thể hét to lên, chỉ có thể nhắn gởi một lời chúc mừng xa xôi mờ nhạt như bao lời được gởi đến anh đêm qua. Thậm chí cả bốn chữ "em nhớ anh lắm" cũng không dám nói. Nhưng mà nếu còn lần tới gặp nhau em sẽ nói ra cả nhé, nói rằng em nhớ anh nhiều chừng nào, thương anh nhiều chừng nào, yêu quý và ủng hộ anh nhiều chừng nào. Nói rằng cả anh và em đều sẽ phải luôn cố gắng và làm việc chăm chỉ nhé vì mình còn một giấc mơ mà.
Ước gì chúng ta có một mối quan hệ nào đó dù chút xíu thôi để em có quyền nói rằng mình tự hào về anh, vô cùng!
Em nhớ anh và tự hào về anh lắm, thật đấy! Sẽ còn nhiều những dịp để hai tiếng "chúc mừng" được gởi đến anh nữa nhé!

Cho em, cho anh

Đứa bạn bảo anh là “nô lệ của tình yêu”, khi yêu chỉ biết yêu, lúc nào cũng tò tò sau lưng người yêu như thể người yêu là duy nhất trên đời, anh cười khẩy, không màng lời nói đó, vì với anh yêu là yêu thế thôi. Yêu em, anh lúc nào cũng nghĩ đến em, muốn bên cạnh em để lo lắng, chăm chút, yêu thương từng li từng tí như thể chỉ còn một ngày để mình yêu nhau. Anh nhiều lúc phiền hà là thế, quan tâm em quá chi li là vậy để khoảng không của riêng em đôi lúc bỗng trở nên chật chội, nghĩ rồi anh chỉ biết cười nụ, có lẽ đứa bạn nói đúng, hình như anh là… “nô lệ của tình yêu”.
Sáng ra, người đầu tiên anh nghĩ đến là em để khi giật mình tỉnh giấc, tay anh đã vội tìm ngay chiếc điện thoại gọi cho em, bên kia đầu dây, em vẫn còn trong cơn say ngủ, ậm ừ đôi ba lời, thậm chí đã bao lần anh chẳng thể nghe rõ lời, lời chào buổi sáng của anh và em là thế, đôi lúc vô vị nhưng thật lạ, anh luôn thấy ấm lòng. Rồi một ngày như bao ngày, anh, em lại lao vào vòng vây cuộc sống, chạy vạy với gánh mưu sinh để phút giây chuyện trò của cả hai trở nên nhọc nhằn vô cùng. Muốn nghe giọng nói dịu ngọt của em, muốn thỏ thẻ lời thương tiếng nhớ dành cho em, hay đôi lúc muốn ca cẩm, than vãn cùng em, nhưng thời gian để anh làm những điều này cứ ngày một xa xỉ hơn. Yêu xa cách trở thật, yêu xa nhớ thương lắm, yêu xa thiệt thòi cho em biết bao nhiêu để đôi lúc anh chỉ biết lặng im với nỗi buồn không tên…
Nhìn em phải đi về một mình trong sương gió, lặng lẽ một thân khi màn đêm buông, anh chỉ muốn mang em về bên anh. Nhưng đôi tay anh vẫn nhẵn, tương lai anh vẫn lững lờ, tất cả anh có, có lẽ chỉ là một tình yêu thiết tha, nồng nàn luôn hướng về em mà thôi, buồn em nhỉ! Anh biết, em cũng như bao người phụ nữ trên thế gian này luôn ước ao được một tổ ấm đúng nghĩa, chồng yêu, con ngoan, với một cuộc sống đủ đầy luôn rộn tiếng cười và đầy vị hạnh phúc. Tất cả điều em muốn, anh bao giờ cũng muốn mình sẽ là người làm được hết thảy để em có thể bên anh mà không ngần ngại bao điều, dù anh biết có đôi điều anh sẽ chẳng thể cho em như em hằng mong ước…
Khi đêm lặng lẽ trôi về đêm, tĩnh mịch, im ắng, ở hai nơi xa cách, ở hai đầu nỗi nhớ, anh khẽ gọi tên em khi con tim đong đầy yêu thương và lòng hối hả nhung nhớ. Mình lại à ơi bên chiếc điện thoại, với bao chuyện vắn, chuyện dài để thời gian như trôi nhanh hơn mọi khi. Anh thương em phải lạnh lẽo phòng đơn gối chiếc, yêu em phải co ro một mình khi sợ bóng tối, và xót xa mỗi lúc em giật mình tỉnh giấc bởi một giấc chiêm bao kì quặc mà chẳng có anh bên cạnh,… Yêu em, anh luôn thế đó, quan tâm nhiều, lo lắng lắm, đến đổi nhiều khi anh cứ muốn giữ chặt em cho riêng mình để đôi lúc làm em phải bức bối vì yêu chiều quá hóa mất cả riêng tư.
Ừ thì yêu em, anh cần em, yêu em, anh luôn muốn em là của riêng mình, nhưng tình yêu dẫu thiết tha, mặn nồng thế nào cũng phải bảo bọc vừa phải em nhỉ. Đừng vồ vập quá rồi hóa nhạt nhòa, đừng say quá rồi hóa vô tâm, đừng chăm chút quá rồi hóa lặng lẽ. Yêu em, anh hãy yêu em như anh đã nói, đã làm, và tương lai là ở phía trước, là ở đôi tay, ý chí mà anh có phải không em! Ừ thì anh sẽ thế em à!

Sài Gòn, cà phê sữa đá!

Ly cà phê ngọt lịm mùi sữa, chỉ hăng hắc vị cà phê nhưng một thời làm mình quay quắt nhớ. Ấy là khi mình bỏ thành phố về quê 3 tháng. Những đêm nằm mơ, thấy mình đánh xe một vòng, lượn qua đường Đinh Tiên Hoàng, ngồi trên cái bậu tường của trường Nhân Văn, nhâm nhi ly cà phê có cái vị quen thuộc như hàng trăm quán cóc vỉa hè Sài Gòn.
Để có lúc, ta thấy phải lòng thành phố chỉ vì một ly cà phê.
 
Cà phê sữa đá Sài Gòn, nói ngon chắc có khi phải thêm vào đó chút hương vị của ký ức. Bạn bè mình, ai cũng bảo chẳng đâu như Sài Gòn, có cái kiểu uống cà phê như uống trà, nhạt hoắc. Ấy thế mà cứ về lại thành phố sau một chuyến đi, thì cái câu “Cho con một ly phê đá/sữa đá dì ơi” lại ngọt lịm trên môi, tựa như chạy ra từ trong tiềm thức.
Ấy là lúc, ta thật sự phải lòng thành phố chỉ vì một ly cà phê.
 
 
Mỗi sáng sớm, chạy xe qua Hàn Thuyên mà không đủ thì giờ ngồi lại nhâm nhi cà phê, ta lại thấy ganh ty làm sao với những người đang ngồi trong công viên đó, nhấm nháp từng ngụm nhỏ, con cà con kê với bạn bè về những chuyện ngày xưa ngày nay. Ta lại nhớ đến những người bạn của dăm bảy năm về trước, đầy khát vọng, mà giờ đã tản mác bốn phương. Cái vị cà phê ngày ấy như vẫn còn thoang thoảng, trong cái ước mong được tụ hội giữa Sài Gòn.
Ấy là lúc, ta mong thấy mình trong ly cà phê xưa.
 
Những buổi chiều, ngồi bên bờ sông Sài Gòn lộng gió cùng người thương. Chỉ còn trước mặt là bàng bạc nước sông, và ly cà phê có thêm bao hương vị yêu thương hờn giận. Những nỗi nhớ dài ra, những kỷ niệm dày thêm, chỉ để cho trái tim có nơi nương náu khi tìm về.
Và từ đó, những nụ hôn lại có thêm hương vị cà phê.
 
Một buổi sáng, ngồi nhâm nhi ly cà phê trên tầng 7 tòa cao ốc, nhìn màn mưa trắng xóa bên ngoài, mới thấy yêu sao Sài Gòn. Chẳng cần đợi đi xa để nhớ, bởi yêu Sài Gòn, nhớ Sài Gòn, bắt đầu từ cà phê sữa đá.
Như hôm nay!
 
Bài: Bình Nguyên

Má và chiếc điện thoại!

Chiếc điện thoại trên bàn làm việc rung lên, tôi nheo mắt nhìn vào màn hình, tên người gọi là “Papa Mama”. Trong lúc tôi còn chưa biết chuyện gì thì sau lưng, má tôi phá lên cười, bảo:
- Má thử máy, hihi…
Má tôi không biết dùng điện thoại di động, mà không, tất tần tần những thứ liên quan đến công nghệ điện tử, cụ đều mù tịt. Tôi đi xa, không muốn má nghe nhờ điện thoại hàng xóm mãi, bèn mua cho cụ một cái. Mất mấy buổi trưa hai má con hì hụi thực hành mà cụ chỉ rành mỗi việc… nghe và tắt máy. Ngón tay má tôi to, bấm nút này nó đè sang nút khác, thành thử cứ tập tới tập lui mà cụ vẫn không tự bấm nút gọi cho người khác được. Cụ chán, bảo thôi, má có gọi cho ai đâu, biết bấm nút nghe là tốt rồi.
 
Tôi đi xa, cứ một tuần lại gọi về một lần. Cái điện thoại trở thành cầu nối. Hai má con tỉ tê nói chuyện đến nóng ran cả tai, chuyện trong nhà ngoài ngõ, chuyện làng trên xóm dưới, tất tần tật, chẳng khác chi những đêm hai má con ôm nhau thủ thỉ vậy.
Rồi một lần, anh trai tôi bị đau, phải cấp cứu. Mọi người vào bệnh viện cả, để má tôi ở nhà với chiếc điện thoại. Má hết ra lại vào, sốt ruột cầm chiếc điện thoại nhìn nhìn, muốn gọi vào hỏi thăm tình hình mà không biết làm sao. Chần chừ một hồi, má quyết định… liều. Cụ mở máy, bấm loạn xạ một hồi thì gọi được, nhưng trúng số của… tôi – đang ở xa cả ngàn cây số. Nhìn số má, tôi ngạc nhiên quá chừng.
- Má hả? Ai bấm cho má gọi thế?
- Không, má tự bấm đó.
- Chà chà, hôm nay má giỏi ghê ta. Mà sao gọi con giờ này? Có chuyện chi hả má?
- Không, má gọi chơi ấy mà.
Hai má con nói thêm vài câu rồi má bảo có xíu chuyện, cúp cái rụp. Tôi hơi thắc mắc nhưng không gọi lại. Còn má, cúp máy xong thì… liều lần thứ hai. Ai dè cái ngón tay to tổ chảng lại tiếp tục phản má. Lần này, má gọi cho… cậu 6 của tôi. Nói với cậu vài câu, má cúp máy, thở phào vì suýt nữa để lộ chuyện anh tôi bị đau cho những người ở xa. Sau lần đó, má quyết định không tự gọi cho ai nữa.
Tôi về nhà, quyết tâm phổ cập xóa mù… điện thoại cho má. Sau nhiều lần thực tập, cái ngón tay to đùng của má đã biết nghe lời hơn nên việc bấm bàn phím cũng dễ dàng hơn chút ít. Má cứ bấm gọi sang tôi rồi tắt. Tôi giả bộ cầm điện thoại, nói: “Má gọi đi, con bắt máy, hai má con mình nói chuyện điện thoại cho vui”, làm má cuống quýt bấm nút tắt liên hồi vì sợ tôi làm thật tốn tiền.
Mấy bữa nay, trình độ bấm bàn phím của má đã “nghề” lắm nên má đâm ra nghiền… tự gọi điện thoại, hết gọi chị hai về lấy rau lại gọi chị ba về… ăn ốc. Trong lúc tôi đang tỉm tỉm cười vì chuyện nhá máy của má thì cụ phán tiếp:
- Hôm nào rảnh, con dạy má… nhắn tin đi, hihi.
Bài: Bình Nguyên