Friday, December 6, 2013

Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà...

Đông đã chiếm gần như trọn vẹn cả đất trời. Sáng nay tỉnh giấc, hình như gió đã mang ít hơi lạnh hơn ngày hôm qua, bớt rét mướt và buốt giá...
Đón tháng Mười Hai bằng một buổi sáng thức dậy trong bệnh viện chật ních người. Mùi ete nồng nặc. Cảm tưởng như mình đã trải qua một đêm rất dài.
Có lẽ thế cũng nên! Một ngày sống trong bệnh viện, mới hiểu cái cảm giác thèm muốn được ngủ đủ ấm, nằm đủ chỗ tựa lưng là như thế nào. Quá tải.
Ba lại ốm. Có lẽ tuổi già không thể giấu đi nét mệt mỏi và những căn bệnh tiềm ẩn trong ba. Dù rằng tôi đã cố gạt đi viễn cảnh rồi một ngày mái tóc kia ngả bạc. Nhưng sinh lão bệnh tử, cuộc đời vốn tuần hoàn tự nhiên như thế. Có cách nào mà cách ngăn tạo hóa?
Có thể những ngày tháng qua, tôi đã bỏ lỡ rất nhiều điều, những câu nói, những hành động...
Người ta thường nói đừng để cái gì mất đi rồi mới biết nó quan trọng. Chợt nhận ra rằng, đối với mỗi con người, gia đình quan trọng đến nhường nào.
Bỗng dưng thèm được một bữa cơm nóng hổi mẹ nấu. Tôi đội mưa hái những quả cà pháo trắng tinh ngoài vườn, qua nhà hàng xóm xin một quả đu đủ xanh. Hai mẹ con cùng nhau trộn mắm cà, người hát, người cười. Hạnh phúc đơn giản chỉ là cả gia đình quây quần bên bếp lửa nhỏ. Ba với nhóc em cùng nhau làm ruột những con cá vừa mới đi thả lưới về. Mẹ làm gia vị, còn tôi xối nước rửa. Những ngày đó hình như qua rất lâu rồi. Có thể bây giờ, mỗi bận về nhà, cũng chả còn ai nhen bếp lửa, nguội lạnh. Đôi khi chỉ để dùng đun nước uống, rồi dụi tắt!
Tuổi già làm mẹ ba vất vả. Đến bận đi làm về, ăn vội vài chén cơm rồi đi nằm. Chẳng còn thời gian mà rề rà nói với nhau những câu bông đùa, vui vẻ.
Ba tôi thường nói nhà có bốn con người ta, mà ăn tới ba mâm cơm chiều!
Tôi đi học xa, thành phố xa xôi, miếng nước cũng phải dùng tiền mà mua lấy. Có lẽ gia đình tốn tiền vì tôi là nhiều nhất.
Em trai tôi học lớp 10. Thị trấn cách nhà 10km, chừng ấy cũng đủ để ba tôi lo lắng không cho em đi học về nhà, sợ học thêm về tối, đi ngang qua những con đường quanh co không bóng người mà nguy hiểm. Lại thêm một mâm cơm riêng. Cũng may đứa em tôi, con trai nhưng biết nghĩ, biết lo học hành, biết thương ba thương mẹ.
Còn ba mẹ tôi, trưa ăn cơm chan nước mưa vì trên rừng núi xa xôi, làm sao mà xuống núi kịp để về. Tối lại chan nước mắt vì nhớ hai đứa con xa nhà.
Tạo hóa công bằng không, khi mà nặn ra hình hài ba mẹ tôi kham khổ. Lam lũ núi rừng, sáng gà chưa cất tiếng gáy đã đi, tối đến mù mịt vẫn chưa thấy về, quần áo thì sũng nước mỗi ngày mưa, khét lẹt những ngày nắng. Vất vả là thế, nhưng ba mẹ vẫn chưa một lần than vãn, chỗ nào còn chen được ba mẹ cũng ráng giành thêm vài ba heta rừng. Đội mưa đội nắng, có những đêm không về, vì phải ở lại vừa canh rẫy, vừa lén lút phát ám của nhà người ta thêm miếng đất nào hay miếng đất ấy.
Năm nay ba đã 49. Ông bà nói rằng 49 là tuổi hạn. Tôi đã không tin cho đến khi ba tôi ốm nặng. Có lẽ vì sức ba không còn đủ để chống chọi với khắc nghiệt của công việc, rồi tuổi già, còn cả mệt mỏi của những ngày chịu đạn bom những năm 75 ác liệt. Những ngày tôi thức dậy trong bệnh viện như thế này không đếm được ngày một ngày hai. Trận đau này cũng phải thứ mười rồi không ít. Mỗi sáng thức dậy nhìn ba ủ rũ, ba bảo rằng ba đi làm mỗi ngày không ngừng nghỉ lại không cảm thấy mệt, mà sao chỉ mới nằm xuống vài ngày, ba thấy chán cái cảnh ngồi không.
Thương ba, mà chẳng làm được gì, sự việc xảy ra làm sao biết trước mà tránh.
Thấm thoắt lại hết năm, mỗi ngày trôi qua, ba càng ngày càng già đi, tôi càng ngày càng lớn lên. Khi nhận thức được rằng ba đã phải hi sinh như thế nào vì tôi, thì tôi cũng đã biết bao lần làm ba tôi buồn lòng... Tôi ương bướng đòi ba mua một chiếc xe mới. Máy tính phải máy tính xịn. Mua quần này áo nọ. Mà nào có con mắt nào nhìn lại những chiếc xương sườn như hằn cả lên da, tưởng chừng như có thể rút ra mà đếm.
Lúc này đây, tôi đã không còn nằng nặc đòi ba đổi chiếc Honda mà mua xe tay ga cho bằng bè bằng bạn. Không đòi Vaio, không áo ấm quần bò... Tôi chỉ đòi ba tôi khỏe mạnh. Nhưng có lẽ sức khỏe còn khó hơn gấp ngàn lần việc ba tôi kiếm tiền mà sắm sửa cho tôi.
Một ngày bệnh viện đa khoa Đà Nẵng âm u! Người người vào ra, bệnh nhân, người nhà, y bác sĩ! Mỗi tôi ngồi bấm bấm gõ gõ, nước mắt tràn xuống cả miệng, nghe mặn chát. Ba hoảng hốt hỏi lí do, chỉ biết gạt nước mắt mà cười hiền.
Mong sao ba sớm khỏe!

No comments:

Post a Comment