Friday, December 6, 2013

Thói quen hay niềm nhớ?

Mấy lần tôi thử đọc vài câu chuyện bằng máy tính, bằng điện thoại. Nhưng hình như tôi chỉ đọc được dăm mười phút là phải bỏ đó, không đọc được nữa. Cứ giống như mắt tôi bị tra tấn bởi màn hình sáng chói và những con chữ thẳng hàng tít tắp nhưng lại nhảy tưng tưng như những đường rồng bay phượng múa.
Thực ra, tôi từ chối việc đọc sách theo kiểu hiện đại ấy đơn giản vì tôi không thích. Thói quen từ thuở nhỏ khiến tôi cảm thấy khó chịu và định kiến với cái cách ngồi cắm mặt vào máy tính, thay vì cầm quyển sách thong thả ngửa người vào chiếc võng sau vườn, đọc đi đọc lại chỉ một đoạn duy nhất.
Bạn tôi thường bảo tôi là bà già khó tính. Không một chuẩn mực nào của trước đây mà tôi muốn thay đổi cả, kể cả việc đọc sách.
Đổi cách đọc sách, không chỉ là vứt quyển sách qua một bên, ôm khư khư cái máy tính giống như nó đang chôn giấu không biết bao nhiêu vàng bạc trong ấy. Mà không cầm quyển sách trên tay nữa, có nghĩa là tự mình đánh rơi những ngọt ngào của tuổi thơ trên đoạn đường đời dài đăng đẵng, biết tìm lại ở đâu.
Có nghĩa là không còn nhớ nổi cái cách mà cô giáo bắt mình phải đọc thật diễn cảm một đoạn văn trước lớp. Có nghĩa là không còn nhớ nổi vài lần lật giở quyển sách để tìm ra một câu nói yêu thích mà với máy tính chỉ cần dang tay bấm Ctrl F là nó tự động nhảy ra. Làm sao giống nhau được, cái cảm giác vừa đưa ngón tay lên miệng chấm một ít nước miếng, rồi bôi bôi vô quyển sách để lật sang trang, rồi nghiền ngẫm, rồi chợt reo lên khi nhìn thấy cảm xúc của mình còn ở lại đâu đó trong cuốn sách này. Chợt ngẩn đầu lên nhìn, thì ra mình đã đánh mất nhiều như thế.
Có những kí ức giống như một đoạn sông dài, lắm lúc nó cuồn cuồn trôi thật mạnh mẽ. Nhưng lắm lúc nó chỉ âm thầm đưa những con sóng lăn tăn vào bờ. Cho nên, khi ta không thể nhớ nổi một vài kỉ niệm cũ, cứ ngỡ rằng mình đã quên, mình đã phản bội lại chính những gì mình vun đắp và gìn giữ.
Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác nhảy cẫng lên vì vui sướng khi món quà Tết thiếu nhi của tôi là một chồng truyện "Cô tiên xanh" khiến tôi mê tít thò lò. Đôi lúc nghĩ lại ngày thơ bé của mình, bật cười tại sao mình lại đơn giản như thế. Luôn coi sách là kho báu vô tận, không giấu giếm, nhưng bao giờ cũng giữ gìn cẩn thận. Ngay cả bây giờ cũng "đơn giản" vậy. Chỉ muốn những ngày đặc biệt trong năm, không nhận hoa, không nhận quà, mà là nhận sách. Tâm trạng cứ như một đứa trẻ con thấp thỏm trông ngóng thằng bạn thân sẽ ôm cuốn sách vừa mới ra lò qua tận nhà hát bài chúc mừng sinh nhật, có lẽ tôi sẽ mừng đến phát khóc mất thôi.
Cuộc đời cứ trôi đi như vậy, khi ta lật sang một trang mới, câu chữ khác, cảnh vật khác, yêu thương cũng khác. Máy tính cũng có sang trang, nhưng không phải lật. Chỉ là rê cho con chuột chạy mòn mỏi trong cuộc đua ấy, tự hỏi, không biết con chuột ấy đã chạy được mấy vòng trái đất rồi? Cảm giác không nguyên vẹn, cứ ngỡ mọi thứ rơi rớt đâu đấy trong tâm hồn, sâu lắm, không níu lên được nữa.
Thằng em tôi không còn níu tay đòi chị dẫn đi mua sách. Nhà sách giống như một món đồ lỗi thời mà nó là một quí cô õng ẹo chê lên chê xuống. Chỉ vài năm trước đây, ngày nào nó cũng đòi đi mua sách...
Tôi chợt buồn, không biết làm sao để nó lại thích sách như xưa. Cảm giác vô cùng đau đớn khi vô tình nhìn nó vứt lăn lóc một câu chuyện đang đọc dở chỉ để chơi một trò mới trong điện thoại, hay lúc nó cong hớn chiếc môi lên bảo: "Từ nay không cần chị nữa, trên mạng thứ gì chả có". Có gì đó vỡ vụn, rơi như tiếng thủy tinh rơi...
Tôi cố làm vài điều, như kiểu níu kéo đúng nghĩa. Tôi mang tặng bạn những cuốn sách mà tôi nghĩ họ thích, tôi đi kể vài điều về ông nhà văn này, bà nhà văn nọ, rồi tôi đem vài chữ kí của họ ra khoe như điều tự hào lắm. Thực ra là tôi vẫn luôn nghĩ rằng, có ai đó vì những cố gắng của tôi mà sẽ lại cầm quyển sách trên tay...

No comments:

Post a Comment