Wednesday, September 25, 2013

Ngâm giấm chuyến đi

Bẵng đi một thời gian, tôi không viết. Có nhiều lí do. Cuộc sống bận rộn là lí do dễ được lôi ra nói nhất, mang tính đổ thừa cao nhất! Không có cảm hứng, cũng là lí do dễ được dân làm việc theo não phải lôi ra để càm ràm. Nhưng. Tôi chẳng bận rộn gì! Tôi còn thảnh thơi hơn một kẻ lười biếng. Hơn nửa tháng trời lang thang lòng ngập đầy những cảm xúc, tôi có thể kể hết buổi này sang buổi khác mà không hết đấy chứ! Thôi cứ đổ cho hoàn cảnh và hấp lực của cơn lười biếng đi. Hoặc là, chính một ý định cứng rắn của tôi. Tôi cần có thời gian cho sự thẩm thấu. Trải nghiệm không phải là một kết luận, không phải một tuyên ngôn sau hành trình. Chuyến hành trình chưa bao giờ kết thúc, kể cả khi ta yên thân duỗi lưng trên giường ấm. Ta không trở về và để những ngày ra đi lại đó, cũng không phải chỉ kể lể rồi bỏ đó. Những trải nghiệm nên có ý nghĩa hơn, khi nó chính là tác nhân quan trọng nhất giúp ta hòa nhập lại với cuộc sống thường nhật bị ngắt quãng, giúp ta sống tiếp, nhìn tiếp và mơ mộng tiếp.

Nỗi sợ vẫn đi theo con người như cái bóng. Nếu cái bóng biến mất khi ta dẫn nó vào chỗ tối, thì nỗi sợ biến mất khi con người ta biết chấp nhận nó, tự khắc sự vượt qua sẽ biến thành một phép lạ. Thường thì, nếu không viết, nếu không nói… dễ rằng, ngày qua thêm, con người ta sẽ lãng quên. Sự lãng quên là nỗi sợ thường trực của trí nhớ. Nếu cố chấp cất dành, liệu rằng khi đến cái khoảnh khắc gọi là thời điểm thích hợp, ta còn nhớ để mà kể, còn hào hứng và vẹn nguyên cảm xúc hay không? Hay ta sẽ bị cơn dồn nén làm cho bí bách? Ta sẽ bị cái trí nhớ dở người xóa mất đầu này, ngắt cụt đầu kia?
Có lẽ, nên có một cái nhìn khác. Tạm châm biếm là “sự trăn trở của một kẻ lười biếng” chăng? Nếu ai đó coi cảm xúc là món mì ăn liền, thì tôi lại xem cảm xúc như món dưa muối, rượu ngâm... để lâu ngày mới ngấm. Hay là, canh không thể ăn ngay khi vừa nhắc khỏi bếp, canh nóng ngon nhưng không phải là cái ngon ở ngưỡng một trăm độ tròn trĩnh. Sẽ có một độ nóng ấm thích hợp cho ta thưởng đủ khói ngút, nồng vị thật thơm ngon, tức là ta buộc phải để canh nguội bớt đi… Lúc cảm xúc đầy quá, con người ta dễ chủ quan, dễ ngợp lòng, dễ nông nổi và bộc phát. Con tim không thể chín chắn khi cảm xúc quá đầy. Đừng mong quá những thời khắc ta thấy mình quá yêu, quá vui và quá hạnh phúc. Lúc ấy, ta chỉ mới được hưởng thụ cảm xúc, ta chưa được trải nghiệm cảm xúc. Hãy để lòng lắng lại một chút, để ngày qua xa thêm một chút, để lòng ta muối mặn một chút… Có lẽ đến lúc đấy, cái ngọt ta hưởng nó mới thật đậm đà, thật đáng giá.  Hay ví von mĩ miều, cảm xúc để lâu mới ngấm, như nước hoa dòng “parfum”, ngấm từ từ vào không khí thì mới toát hương thơm. Và một khi hương đã tan thì lan xa ngây ngất.

Trên thực tế, thưởng lãm ở độ chín già dường như không phải là thói quen của người trẻ. Khi còn trẻ, người ta thích đi vội, thích bật dậy thật nhanh, thưởng lãm thật chóng. Khi còn trẻ, cái tức thì dường như thích hợp hơn. Vì tuổi trẻ trôi qua như gió? Nếu không chạy kịp, đến một ngày nào đó (mà sẽ rất nhanh thôi), người ta sẽ đánh rơi tuổi trẻ như một lần từng đánh rớt tuổi thơ chăng? Tại sao phải thế? Tại sao phải sống trong những hạn định tuổi tác bức bách ấy? Tại sao người ta cứ phải quy định cho bản thân ngưỡng này ngưỡng kia? Tại sao không thể vừa trẻ con, vừa thanh xuân, vừa trưởng thành và vừa dấp thêm chút già nua vào người chứ? Để ta không bao giờ phải lo mình cần lớn lên hoặc lo mình cần nhỏ lại. Ta hòa vào dòng bất biến của thời gian, để thành một thực thể luôn biến đổi trong cái bất biến ấy… Tôi từng thấy có người đi giam hãm cái vô tư vào góc phòng, để khoác lên mình phong thái của một người lớn. Phải. Mỗi người có một cách nhìn. Với họ, điều đó giống như cách mà loài bướm phải lột mình khỏi vỏ kén mục. Với tôi, khuấy đặc hết tất cả màu sắc cho thành ánh sáng trắng khôi nguyên lại cũng có cái hay.
Tôi ấn tượng với chia sẻ của một nhà văn trên tạp chí. Ông nói về những cuốn tiểu thuyết, nguồn cảm hứng tiên khởi cho hành trình du ngoạn của ông. Ông đi, để được ngấm cái bắc Mỹ, cái rừng hoang, cái nóng và cái lạnh khắc nghiệt… được miêu tả trong các tác phẩm lớn của văn học thế giới. Tôi nghĩ ông rất thông minh, bởi cảm hứng từ văn học thì tinh tế, độc đáo và nó thuộc về gu riêng. Nó không nằm lẫn trong cẩm nang du lịch hay nhật kí khám phá của bất kì ai. Nó không tạo ra khuôn mẫu, không chỉ dẫn ta cần đi đâu, đến đâu, thưởng thức cái gì. Nó chỉ đơn thuần là cảm hứng, cảm hứng lôi kéo chúng ta - từ một người du lịch ở lâu đã gần hóa thành dân bản xứ. Sách là cả một thế giới, nhưng nếu bạn không bước ra khỏi cánh cửa nhà mình, thì thế giới ấy không thực sự tồn tại. Bên ngoài cửa, cũng có một thế giới đang chờ chúng ta. Chờ điều gì ở chúng ta đây? Chờ những cuốn sách được một lần nữa ngấm vào đời thực.
Biển ngấm vào tôi,
Một chiều cô đơn vắng,
Một đêm hội ngộ đầy…
Một trận bão, ông lão vung chài vật lộn.
Một hành trình hanh hao, nghịch ngạo người nuốt chửng người.
Một giấc mơ còn hơn cả trẻ thơ, người giương buồn đỏ thắm.
Một bước vào đời, hải âu rời kẻ khác loài nuôi nấng.
Pháo đài, bờ đá, người còn hát trên non cao,
Thơ chảy vào biển, người dõng dài nhìn ra biển,
Ngoài kia là bầu trời…
Của cô bé, của cô gái, của người phụ nữ, của người vợ và cụ già góa bụa
Của cậu bé, của chàng trai, của người đàn ông, của người chồng và ông lão bạc đầu.
Tất cả đều mặn.
Mặn đi mặn lại. Trên chuyến hành trình tôi.
Và trên cuộc đời tôi.

Tôi muốn làm một cốc nước muối. Hoặc bất kì loại dung dịch gì có thể bốc hơi và ngưng đọng. Để sau mỗi ngày, cốc tôi lại rỗng. Nước bỏ đi. Còn lòng tôi thì thêm đặc. Cốc nước tôi là đất thấm, ngấm cho đầy, ngấm cho thành tinh hoa. Loài người sẽ không nhìn tôi mà phán xét. Loài người sẽ nhìn cây cối lớn trên tôi.
Một lúc nào đó, ta giật mình thấy người đổ yêu thương vào ta. Và ta lại thấy mình day dứt. Vì yêu thương nhiều mà tim ta lại hẹp, vì vẫn tiếc ngần một sự cứng cỏi cô đơn hay thấy mình không xứng? Thế mà ta mong mình làm một chiếc cốc rỗng. Nếu thật là cốc rỗng… thì đã chẳng biết đến chối từ. Ngấm dần những yêu thương, rồi ta sẽ trưởng thành, trưởng thành để thực sự sống khôn ngoan.

No comments:

Post a Comment