Ở nhà, vốn tự do nghịch ngợm, có ba mẹ ở bên nên chẳng sợ chuyện gì. Lên lớp, cô giáo lạ hoắc, bạn bè xa lạ, chằng quen một ai, nguyên đám con nít cứ đứng trố mắt nhìn nhau đến tội. Tôi khóc ầm lên lúc mẹ tất tả đi về, đến khi cô giáo dắt tay vào lớp vẫn còn thút thít.
Càng lớn những lý do để tôi khóc càng nhiều hơn nhưng vì đã lớn nên tôi biết phải hạn chế số lần khóc. Hoặc có khóc cũng không để người khác biết. Ví như bị ba mẹ la mắng, lại khóc và trốn trong góc phòng, nếu có ai hỏi sao mắt đỏ hoe là nói tránh bằng những lý do vu vơ.
Con người ta có thể bật khóc vì nhiều lý do nhưng nhiều nhất vẫn là khóc khi nhận phải những đau đớn về thể xác hoặc tinh thần. Hay khóc vì chính người thương yêu của ta gặp những đau đớn ấy.
Đáng sợ nhất là sự xa lìa vĩnh viễn với người yêu quý từng ở bên ta. Nước mắt rơi khi đó thay cho tất cả những nỗi lòng đau đớn muốn nói mà không thể. Chị em tôi đã từng khóc ngất khi chia lìa nội như thế, bởi biết rằng từ nay chỉ còn được gặp người trong những ký ức mà thôi. Dẫu biết cuộc đời luôn có giới hạn giữa hai bờ sinh tử, đi qua những quy luật nghiệt ngã ấy, kiếp người cũng vừa xong.
Khi niềm vui đến bất ngờ hay gặp niềm hạnh phúc vô tận, con người ta cũng có thể bật khóc. Mẹ khóc khi cậu em trai tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, vậy là cũng xong bao năm em nỗ lực học hành. Ngoại khóc khi rốt cuộc dì cũng tìm được một bến bờ hạnh phúc mới thay cho niềm hạnh phúc cũ đã qua từ lâu.
Tôi nhớ có bận, cô giáo dạy Văn đã bật khóc khi giảng về truyện Kiều, những giọt nước mắt của lòng thương cảm làm lũ học trò ngơ ngác, luống cuống. Hóa ra lại hay vì cô đã dạy thêm một bài học về tình người, về những xúc cảm cần có trong đời.
Người ít khóc được đánh giá là lạnh lùng, vô cảm. Người khóc nhiều bị cho là yếu đuối. Ở đời, phàm cái gì cũng nên ở độ vừa phải, cứ quá đi lại bị soi mói và đánh giá.
Thứ khiến con người ta dễ bật khóc nhất đó là kỷ niệm. Vô tình, cham tay vào mớ kỷ niệm của ngày xưa cũ, ai mà chẳng rưng rưng khi nhớ về người xưa. Nỗi nhớ có thể không là yêu, là thương nhưng là nhớ về những điều tốt đẹp lẫn khổ đau mà cả hai đã có, là nhớ về mình của một năm nào.
Vốn dĩ trái tim có nhiều ngăn, những thương yêu từ đó cũng dễ dàng thay đổi như người ta lâu lâu sắp xếp mớ đồ đạc trong nhà. Người dễ dàng phụ nhau cũng bởi họ cần thay đổi. Thế nên, khóc vì tình yêu là điều hiển nhiên thường thấy. Hôm nay khóc vì bất hạnh phũ phàng người này gieo ra, nay mai có thể lại bật khóc vì niềm hạnh phúc mà người kia mang tới.
Dặm trường đường đời thăm thẳm này, ắt hẳn có lúc ta khóc người và khóc mình. Dẫu sao, khi muốn mà nước mắt vẫn có thể chảy ra được cũng còn may, đôi lần ta đau đớn mà chẳng thể nào bật tiếng nấc, nỗi đau cứ uất nghẹn trong lòng. Là khi bất cần và lì lợm trước những đổi thay khắc nghiệt của cuộc đời, trước những thất bại ngỡ không xảy ra. Kỳ lạ, ta chẳng thể khóc.
Lại giật mình, hình như lâu lắm rồi mình không khóc, con người ta có thể quen với cả khổ đau, quen với những nhàm chán mà mình tự tạo, quen thân với cả nỗi buồn, chẳng dám làm gì để bứt phá, giải tỏa hay thoát ra mớ cảm xúc hỗn độn ấy. Tôi chỉ sợ tâm hồn và cảm xúc của mình cũng vơi mòn, khô cằn đi theo năm tháng.
Đôi khi, tôi thèm khóc òa như một đứa trẻ để rồi dăm ba phút sau lại có thể chạy nhảy vui cười. Người lớn sức chịu đau nhiều hơn con trẻ nhưng lại chẳng dễ dàng cười sau đau đớn như trẻ nhỏ.
Càng lớn, nỗi buồn của người ta càng dài và phức tạp thêm ra, lơ lửng đâu đó ở lưng chừng đôi mắt ngấn lệ. Không gian và thời gian cũng chùng xuống theo nỗi buồn đang hiện hữu mông lung.
Thế nên, suy cho cùng, cười vẫn tốt hơn nhiều so với khóc. Tự do với những cảm xúc của mình vẫn tốt hơn là giấu bặt.
Diệu Ái
No comments:
Post a Comment