Cuộc sống luôn có những va vấp để thử thách con người. Từ lúc chưa biết đi, tôi đã biết khóc vì bị té đau. Nhưng cũng từ rất sớm, tôi đã biết tự đứng lên sau những lần bị ngã, biết tự lau nước mắt khi không có người ngồi bên vỗ về. Có lẽ, lớn lên trong hoàn cảnh thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ đã giúp tôi mạnh mẽ như thế.
Năm lên 10 tuổi, khi tôi đang hứng thú với những câu chuyện cổ tích kiểu như Tấm Cám, Lọ Lem, Bầy chim thiên nga xoay quanh cuộc sống đáng thương của con chồng với dì ghẻ, thì ba tôi quyết định đi thêm bước nữa. Tôi là người phản đối quyết liệt nhất và không hề đồng ý ngay cả khi dì ấy đã về sống cùng nhà. Lúc ấy, tôi chưa kịp hiểu rằng ba tôi rất cần một người vợ để sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống. Tôi chưa nghĩ được là nếu ba ở vậy nuôi tôi, lớn lên tôi sẽ đi lấy chồng và để ba lại một mình lủi thủi giữa đời. Tôi đâu hiểu hết lời giải thích của bà nội rằng gia đình mình cần có một người phụ nữ để quán xuyến, và tôi cũng cần có một người mẹ để yêu thương. Tôi càng không tin khi bà ngoại nói mẹ tôi ở nơi chín suối sẽ rất vui nếu ba tôi tìm được cho tôi một người mẹ tốt. Bấy giờ, tất cả những điều đó đối với tôi thật là phi lý.
“Dì ghẻ” của tôi là một người nông dân chân lấm tay bùn, cả ngày quay lui quay tới với vườn cà phê, ruộng lúa, heo gà và bếp núc. Dì cũng tỏ ra yêu thương và chiều chuộng tôi, nhưng tôi chẳng bao giờ chịu tin vào tình cảm của dì, vì tôi luôn đinh ninh rằng, trên đời này sẽ chẳng có mụ dì ghẻ nào lại tốt bụng với con chồng. Hơn nữa, trên cổ dì còn có một vết sẹo dài nhìn ghê ghê, dì bảo đó là vết mổ bướu, nhưng làm sao mà tôi tin được. Tôi nói với bà nội chắc là dì độc ác quá nên có người muốn hại dì, bà nội mắng cho tôi một trận nên thân. Tôi buồn biết bao nhiêu mà kể, sao ai cũng tin dì ấy mà chẳng chịu tin tôi.
Từ lúc dì sống cùng, tôi và mấy đứa bạn hàng xóm thường bày ra đủ trò để hại dì. Dì chẳng bao giờ mách lại ba tôi, nhưng mỗi khi ba tôi vô tình biết được là tôi lại bị đánh một trận thật đau. Tôi càng ghét dì hơn, chỉ tại dì mà ba không còn thương tôi như trước nữa.
Cuộc sống dì ghẻ - con chồng trôi qua thật nặng nề trong đầu óc trẻ thơ của tôi cho đến cái ngày mà tôi gây ra tội tày đình với người mẹ kế của mình. Lúc ấy tôi đang học lớp năm, bắt đầu tập đi xe đạp. Bình thường, ba sẽ tập cho tôi, nhưng chiều đó ba bận nên bảo là tôi sẽ tập cùng dì. Bằng trí tưởng tượng phong phú của một đứa trẻ ngồn ngộn truyện cổ tích trong đầu, tôi sợ dì sẽ nhân cơ hội này mà làm cho tôi té xe thật đau, nên tôi chẳng dại gì mà tập cùng dì ấy.
Thế là, nhân lúc dì giặt đồ sau giếng, tôi len lén dắt xe đi tập một mình. Vốn đã biết đi tàm tạm rồi nên tôi thích thú được tự mình chạy xe. Cứ thế, tôi chạy lòng vòng ngoài đường chẳng biết sợ là gì. Đường ở quê gần hai mươi năm về trước vốn không đông đúc xe cộ nên cũng không đến nỗi quá nguy hiểm. Nhưng tôi đang đi, bỗng dưng có một con bò sổng chuồng chạy tới, miệng sùi bọt mép. Tôi vốn rất sợ bò nên ngay lúc ấy bỗng dưng khựng lại, tay chân cứng đờ, không biết phải làm gì tiếp theo. Con bò chạy vụt qua, tôi té ầm xuống đất, và ngay lúc ấy, có một chiếc xe cày đang lao tới. Tôi sợ hãi khóc thét lên. Trong lúc đáng sợ ấy, bỗng nhiên tôi thấy có một sức mạnh kéo tôi vào lề đường. Nhập nhòe qua làn nước mắt, nhưng tôi không thể quên được hình ảnh của dì lúc ấy. Kéo tôi vào được rồi, nhưng chiếc quần đen ống rộng của dì bị vướng vào cái bàn đạp xe nên dì bị mất thăng bằng và chúi xuống. Xe cày chạy sượt qua, dù bánh xe cày không cán lên chân dì nhưng nó đè lên và kéo lê xe đạp đi một khúc khiến chân dì bị xe đạp rạch một vết cắt lớn, máu chảy ra rất nhiều. Dù vậy, ngay khi hoàng hồn, dì liền quay qua tôi hỏi lớn: “Con có sao không?”. Tôi vụt chạy lại ôm lấy dì. Nước mắt nước mũi chảy tèm lem. Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế. Tôi lại phạm tội với dì, mà còn là trọng tội nữa chứ. Nhưng cũng ngay lúc ấy, tôi hiểu rằng tôi khóc không phải vì sợ bị ba tôi đánh đòn, mà vì tôi sợ dì bị đau.
Gần cả tháng sau dì mới lành vết thương. Ba không đánh tôi cái nào, có lẽ vì ba nhận thấy sự ăn năn chân thành của tôi. Lần đó tôi cũng bị một vết thương ở bàn chân, không to lắm, nhưng khi lành rồi cũng để lại một vết sẹo nhỏ màu nâu nâu. Vết sẹo của tôi nhỏ hơn rất nhiều so với vết sẹo trên chân dì. Với lại, da của dì thuộc loại da “độc”, nên vết sẹo bị lồi lên rất lớn.
Sau sự việc ấy, tôi thương dì nhiều lắm. Tôi ái ngại mỗi khi nhìn vết sẹo lớn trên chân dì, ngày ngày lau vết sẹo bằng nước ấm để dì bớt ngứa. Cũng từ đó, tôi không còn thấy sợ hay ác cảm khi nhìn vào vết sẹo trên cổ dì nữa. Tôi hiểu rằng, mỗi vết sẹo để lại luôn có một câu chuyện trước nó. Có thể là một câu chuyện buồn, một câu chuyện vui, hay một lỗi lầm, một sơ suất, mà cũng có thể là một cuộc đấu tranh không ngừng với bệnh tật. Vết sẹo liền da nghĩa là những tổn thương đã khép lại, nên thay vì lo lắng hay sợ hãi, chúng ta phải nên tự hào vì mình đã có thêm một trải nghiệm trong đời.
Có một lần đi thử giày, cô bạn bảo tôi: “Mày mang đôi giày này đẹp đó, nhưng nếu chân mày không có vết sẹo kia thì chắc sẽ đẹp hơn. Hay mày tìm đôi khác có quai kín hơn một chút đi”. Tôi mỉm cười và vẫn chọn mua đôi giày ấy. Đơn giản, vì tôi không thấy xấu hổ với vết sẹo của mình. Tôi biết tại sao mình có vết sẹo ấy và hiểu trọn vẹn ý nghĩa lớn lao của nó. Không chỉ là một kỷ niệm tuổi thơ, vết sẹo trên chân tôi còn là kết quả “liền da” của sự tổn thương vì thiếu mẹ. Từ khi có vết sẹo, tôi có thêm cả niềm tin và sự yêu thương tràn đầy.
Xuân Dung
No comments:
Post a Comment