Friday, September 6, 2013

Thực sự thương yêu với cuộc sống khi ta bền bỉ là chính ta...

Hãy nghe tôi kể về những ngày hè, những ngày hè của biết bao cô cậu học trò, sống trong những vùng tuổi thơ mơ mộng, vui với những tia nắng vàng buổi sáng, buồn theo từng chiếc lá bị gió cuốn đi xa, tung tăng trên những đồng cỏ được ươm bởi những tình bạn, thả mộng mơ trong những buổi chiều tà. 
Hãy nghe tôi kể về những ngày hè, những ngày hè của biết bao người cha mẹ chạy ngược, chạy xuôi để lo tiền phí đi thi cho con cái. Những vùng quê nghèo lam lũ, một nắng hai sương đến cháy da, vui với từng đồng tiền chắt chiu dành dụm, buồn lo cho những tháng ngày tiếp theo. Ở ngoài kia đó, ở những thành phố rộng lớn, là khát khao, là giấc mộng được chấp cánh và tiếp nối cho bay cao, bay xa hơn.
Hãy nghe tôi kể về chính tôi, một sĩ tử chấp nhận đánh đổi giấc mơ một lần nữa, bởi tôi biết có những mùa hè không thể đánh đổi một cách vô nghĩa. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có một giấc mơ trở thành một nhà giáo, nhưng có lẽ khi đến giờ này tôi đã nghĩ nghề nghiệp đó sẽ đi tiếp định hướng cho đến cuối cuộc đời mình. Tôi nhớ cha tôi đã từng nói: "Con ơi, ngày con mới sinh, đôi mắt vừa mới mở chào đời, mọi người đều cười với con, mà con lại khóc. Con hãy sống thế nào mà đến giờ phút sau chót, mắt mọi người đều tràn lệ, mà con được mỉm cười".
Tôi nhớ về người thầy dạy tiếng anh mà lũ chúng tôi hay gọi thầy với biệt danh là thầy giáo nobita, thầy dạy tiếng anh và mang cái kính giống hệt nobita. Ngày thầy mất, tôi lại nhớ đến câu chuyện thầy kể về những bộ phim anh hùng với những diễn viên đóng vai phụ, cuộc đời họ chỉ xuất hiện thoáng qua rồi được sắp đặt cho những cái kết phải lìa xa cuộc đời sớm, thầy đã nói một cách khôi hài rằng họ đã đóng hết với phần vài diễn và mỉm cười nhận được tiền thù lao đáng có. Lúc đó khi đứng trước lễ tang thầy tôi đã nghĩ phải chăng giờ đây thầy đã mỉm cười với những gì thầy đã làm được, là người truyền dạy kiến thức, là người đưa đò miệt mài từ năm tháng này sang năm tháng khác để đưa tất cả những người khách sang sông, những lũ học trò đi xa và bay xa. Và rồi ngày tại thời điểm tất cả, những lứa học trò đã quay trở lại viếng thăm thầy với những giọt nước mắt tri ân.
Sẽ chẳng một là một chủ đề không hề xa lạ với bao thế hệ học sinh, với những ai đã từng trải qua năm tháng cắp sách đến trường, với những ngày thi cử gần kề….Tôi sẽ chẳng nói một chủ đề xa lạ và đồng thời nó cũng đã được đề cập đến đề thi đại học khối d năm nay. Về những con người thụ động, những con người tiên phong và áp lực xã hội, mà rộng hơn đó chính là con đường đi đến khát vọng, hoài bão, đam mê để đến thành công. Có nhiều con đường dẫn đến thành công những quan trọng là bạn có dám thử, dám quyết tâm và dám làm hay không? Mặc những lối tư duy đường mòn, mặc những suy nghĩ số đông để đi theo sự lựa chọn của mình. Có lẽ khi tôi viết ra nhiều bạn sẽ sẵn sàng không đồng ý rằng, thế hệ của chúng ta có những con người đã và đang đi theo những hoài bão mục tiêu của chính mình. Đúng thế không bao giờ là số ít cả nhưng tôi chắc chắn rằng để đi theo đến hoài bão của chính mình họ cũng đã vấp không phải những luồng ý kiến trái chiều. Và trong lúc đó có những bạn đủ bản lĩnh và sự quyết đoán để đánh đối đến cùng và cũng có những bạn buông xuôi đó thôi. Vậy bạn có nghĩ mình sẽ không xao động trước tâm lí số đông và sẵn sàng chịu cả một hệ lũy sau đó nếu thất bại, những ý kiến trái chiều có làm bạn thất vọng và mỏi mệt không?
Và đại học con đường duy nhất cho mỗi chúng ta hay không thì đương nhiên là không rồi. Quan trọng là bạn đã làm được những gì cho con đường bạn chọn hay không mà thôi? Và khi quyết định thi đại học, bạn đã đặt cả quyết tâm, mục tiêu và kì vọng của bản thân, của gia đình trên vai. Tôi đã trải qua những ngày chứng kiến và cùng với những sĩ tử 95 vượt qua kì thi này. Và đằng sau mỗi câu chuyện như thế với tôi lại có những điều suy ngẫm…


Hãy nghe đôi chút về những bạn sinh viên tình nguyện, họ là những lứa 94, 93 cùng nhau góp một phần không nhỏ vào kì thi này. Họ túc trực ở những bến xe, họ giúp những bạn ở xa lần đầu lên thành phố tìm được những phòng trọ hợp lí, họ hướng dẫn, đến từng địa điểm thi. Họ đã không quản những ngày nắng non, trước cái nắng, những giọt mồ hôi lăn dài trên má, ướt đẫm áo, nhưng vẫn nở những nụ cười thật tươi vui, họ tiếp sức mùa thi, họ tình nguyện làm xe ôm nhiệt tình với những tấm bảng viết chữ thật ngỗ nghĩnh, đáng yêu. Họ chuẩn bị nước uống, giúp những chú công an ổn định trật tự an toàn giao thông…
Hãy nghe đôi chút về những vị sư ở chùa, tình nguyện với những hộp cơm chay. Cầm trên tay hộp cơm của họ tôi không khỏi rưng rưng nước mắt, mà đâu có riêng phải tôi, những bác phụ huynh tâm lí sẵn sang nhường những hộp cơm cơm chay trưa miễn phí đó cho những bạn thí sinh cả buổi trưa nắng non kiếm tìm một bữa ăn lót dạ từ sáng chưa có một miếng nào bỏ bụng. Tôi còn thấy có những bạn giống tôi đã òa khóc khi được tận tâm nhận những hộp cơm chay đó. Những hộp cơm chay đó nhỏ bé thôi nhưng đó là cả tấm lòng của những vị sư, những người cúng dường, những người đã bỏ công sức mình để nấu nướng để có bữa ăn ngon miệng. Đó là cái tâm, cái lòng mà biết bao nhiêu tiền có bữa ăn sang trọng cũng không quý bằng như thế.
Hãy nghe đôi chút kể về những bạn nhà ở xa mấy mươi cây số, đạp xa đến điểm thi, có lúc trễ giờ, vào phòng vội vã làm bài không được tốt lắm. Đọc báo có biết bao bạn dù ốm đau, dù chân bị thương nhưng vẫn cố gắng đến điểm thi, làm hết sức mình, không phụ công sức đã bỏ ra. Tôi thật sự khâm phục nghị lực trong họ, có bạn dù bị đau ruột thừa nhưng vẫn muốn đến làm hoàn thành nốt bài thi cuối cùng, trong lúc làm bài dù bị đau đến ngất nhưng khi tỉnh lại vẫn muốn hoàn thiện bài thi của mình.
Hãy nghe đôi chút về những người cha mẹ, những người mà tôi nhìn thật thương cảm biết bao. Tận sâu trong đôi mắt họ tôi nhìn được bao nỗi bâng khuâng khi thấy con mình thức hôm thức khuya học bài để ôn thi rồi thấy con bước ra phòng thi, lo lắng, hỏi han để rồi có người đăm chiu, có người rớt nước mắt, có người mỉm cười. Nhìn con xanh xao, gầy nhom hẳn đi, cố gắng lo cho con được bình an trong giấc ngủ, miếng ăn, nước uống để con có thể cố gắng hết sức mình làm bài tốt trong mùa thi. Nhìn cảnh những người cha, những người ngồi bệt cùng với con đợi xe buýt, đợi con ra phòng thi mà tôi chợt nhớ đến chuyện một bạn thí sinh đi cùng cha ra Huế dự thi y, bị lừa sách tiền, người cha vì thế mà phải nhập viện, và may thay được người mọi người giúp đỡ. Tôi càng cảm phục hơn đằng sau để có được một kết quả mĩ mãn đó là kết quả của cả biết bao con người mới cùng đóng góp…
Và sau cùng là câu chuyện một bạn dân tộc trốn gia đình đi thi trong tay chỉ cầm 200.000 đồng. Điều mà đọng lại trong suy nghĩ của tôi như đã được đề cập ở trên chính là cái đích đến thành công. Qua một chuyện kì thi đại học, qua nhận định của một người Việt kiều, qua những suy nghĩ của cha, mẹ và rộng hơn xã hội. Liệu bạn sẽ nghĩ gì cho ước mơ được thực hiện lí tưởng của mình, khó khăn, ai chẳng có khó khăn, mỗi người mỗi một hoàn cảnh khác nhau nhưng quan trọng hơn là chính bạn nhìn nhận.
Ta còn một điều đáng nhìn nhận nữa ở đây là đất nước của chúng ta trong thời kì đổi mới. Thời kì mà được làm chủ bởi thế hệ 8X, 9X và rộng hơn nữa là 10X, tôi đã từng trăn trở về những nhìn nhận, những ý kiến tiêu cực, lẫn tích cực về những thế hệ này mà trong đó có tôi. Chúng tôi những con người được sinh ra khi cuộc chiến đã kết thúc và lớn lên khi đất nước bắt đầu mở cửa. Chúng tôi hoang mang giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại, giữa vật chất và tinh thần, giữa chủ nghĩa dân tộc và toàn cầu hóa, giữa chủ nghĩa tập thể bình quân và chủ nghĩa cá nhân tự do. Rất nhiều người trẻ chúng tôi đã lạc lối và tiếp nhận cái xấu của cả hai thứ đối lập: dân tộc hẹp hòi và sính ngoại mù quáng, cổ súy cho bình quân chủ nghĩa đồng thời tự do sống buông thả và tự do chửi bới... Chỉ có một số nhỏ hấp thụ được tinh túy truyền thống đồng thời nhập khẩu được những giá trị tốt đẹp của nhân loại. Và ba nước có sức ảnh hưởng văn hóa lớn đối với nước ta chính là Âu Mĩ, Trung Quốc và Hàn Quốc…
Con người càng hiện đại, càng tôn vinh và chú trọng học thức thì sẽ càng có nhiều vấn đề nan giải, không chỉ qua một kì thi đại học mà thôi. Nhưng đó là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn khi đọc được blog này, không phải vì một cuộc thi viết được mở ra mà chia sẻ những suy nghĩ đã tồn tại trong tôi. Đó là cả một cuộc đời trước mắt và suy cho cùng hãy sống đừng tiếc nuối, hãy tiếp thu những cái hay khi có thể, sửa sai và đổi mới. Vì chúng ta chỉ có một cuộc đời và “tuổi trẻ cho phép được sai lầm” nên hãy sống, làm việc không ngừng bằng bất kì hình thức nào miễn là không được sai trái, phạm pháp thì con đường nào cũng sẽ dẫn chúng ta đến thành công, thành công ở đây là những gì chúng ta đã từng làm và sống không hối tiếc. Như các thế hệ đi trước chúng ta họ đã sống vì lí tưởng là giành độc lập, tự do cho đất nước này và như Nam Cao đã luôn tin về một cuộc sống không phải là “Đời Thừa”.
P/s: Thực sự thương yêu với cuộc sống khi ta bền bỉ là chính ta...

No comments:

Post a Comment