Chống chỉ định với:
- Người đang buồn
- Người đang cần tìm cảm hứng
- Người đang bận rộn
- Và cả người đang có nhu cầu LẮNG NGHE tâm sự CỦA NGƯỜI KHÁC.
Có lẽ, tôi nên set
private cho bài viết này, vì tôi viết, chỉ với mục đích trút hết lo
lắng, mệt mỏi và hoang mang của mình. Tôi không có nhu cầu lắng nghe,
không có nhu cầu phản biện, không có nhu cầu lôi kéo một ai về phe mình.
Bất giác, tôi nghĩ mình hiểu được tâm sự của những người điên và những
người say. Mỗi ngày, ở đâu đó, có những con người chỉ đi một mình, hoặc
lạc lõng giữa đám đông lơ đãng. Họ cứ nói, nói liên tục, mặc kệ sẽ có ai
nghe, thậm chí là có ai thấy mình hay không. Nhưng, như tôi hi vọng
mình có thể thoát khỏi bế tắc sau khi trút được hết mọi điều vào câu
chữ, những người ngoài khuyến cáo chống chỉ định của tôi, họ vẫn có thể
tiếp tục đọc.
Chào bạn, người đang lạc vào tình trạng giống tôi.
Tôi bật Mocking Bird khi viết cái entry này.
Trước đây, tôi không
nhận mình là một người sống bi quan, tôi luôn phản biện với mọi người
rằng họ đang nhầm lẫn giữa bi quan và thực tế. Việc lường trước những
nguy cơ, những tình huống xấu nhất nơi mỗi sự kiện, sự việc và chọn lựa
không phải là bi quan. Nó giúp người ta tỉnh táo, biết cân nhắc, thận
trọng. Và như thế, khả năng thành công sẽ cao hơn. Vậy mà, trong lúc bất
đắc, tôi đành phải thừa nhận, có lẽ đó chính là biểu hiện thực sự của
thói bi quan.
Thật sự là tôi đang
bi quan. Nó bắt đầu bằng việc tôi thường xuyên nói KHÔNG hơn là nói CÓ.
Tôi lười biếng hơn là chăm chỉ. Tự dưng, tôi có những ước mơ đáng đánh
như là ngủ hết một ngày dài, bỏ thành phố chạy đi xa, để chỉ ngồi nhìn
sóng dạt vào bờ và nghe tình ca của gió. Nói về tính nhân văn hay cái
gọi là «danh sách những điều nuối tiếc của bạn trước khi chết », thì có
lẽ tôi nên làm thế. Không ! Nó đáng đánh, bởi tôi đã có những ngày quá
sung sướng mà hưởng thụ rồi. Tôi đã làm chứ không phải chưa từng làm.
Tôi không có nuối tiếc. Một lần không làm thì đành, chứ ngày nào cũng
làm thế, hóa chẳng thành thảm họa hay sao ? Người ta nên làm việc và
nghỉ ngơi, không phải chăm chăm đi tìm sự nghỉ ngơi trong công việc. Mà
sao, hay lại phải cần thế. Người ta bảo: “Don’t work hardly but work smartly” đấy thôi!
Với tôi, ngày trở
gió thường là ngày không bình thường. Ít nhất là trong hai, ba năm trở
lại đây. Thường sẽ là những ngày tưởng rất bình yên, gió cực kì mát,
trời nắng cực kì lành, bạn bè cực kì hiền, nhưng tâm trạng tôi sẽ bắt
đầu muốn đổi gió. Là những ngày nghe nhạc thiền sẽ thấy lòng rối bời và
run rẩy thêm, đành thôi miên não bằng rap hay rock. Không buồn, cũng
chẳng vui, chỉ là không biết sắp xếp những xáo trộn vào đâu. Rồi cũng là
những ngày lười. Sao nhỉ? Tôi sẽ ngồi hít hà cơn gió mát, tưởng chừng
như đó là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Rồi tôi sẽ ốm lăn lóc một
trận nhớ đời, sẽ buồn vật vạ như một kẻ đang vô cùng chán đời, rồi tôi
sẽ ngồi nghĩ nghĩ, gõ gõ viết viết thế này đây. Những lúc thế này, tôi
lại mong mình được làm nhà văn ghê gớm. Không biết bao nhiêu lần, lòng
tôi lại dấy lên cảm giác chết mê chết mệt với những con chữ. À, hay
chẳng phải nhà văn đâu, tôi nên đi làm nghề biên kê tác phẩm cho nhà văn
ấy, hay là báo cáo viên hội nghị, hay đơn giản là tham gia vào lớp tập
chính tả trên máy tính ở các giảng đường văn chương. Tôi chỉ muốn đôi
tay mình có việc làm, một cách thụ động, không cần trăn trở nhiều như
một nhà văn. Như cái cách các nhà văn hay mô tả về đời sống tẻ nhạt của
mình, nhất là những nhà văn trẻ đương thời: giam mình trong căn hộ (hoặc
chật hoặc rộng, tùy điều kiện mỗi người), nghiền ngẫm một thứ gì đó gây
nghiện (như rít thuốc, như rượu, như vừa viết vừa bốc dâu tây hoặc bắp
rang bơ, hay nghe một bài hát – kiểu rock và rap, hay thưởng một cốc cà
phê hoặc trà. Đấy trong số gây nghiện cũng có thứ tốt và xấu. Nghiện
ngập không phải là xấu, vấn đề là cái ta đang nghiện ngập đấy sẽ ảnh
hưởng thế nào. Hay thật ra, cái gì một khi đã đi quá giới hạn, khiến con
người ta nghiện ngập rồi cũng đều xấu như nhau? – Tùy bạn. Câu trả lời
của tôi, vẫn là giả thiết đầu). Những nhà văn ở đó và tạo ra thế giới
của riêng mình. Điều đó gần như đúng với mọi công việc sáng tạo nghệ
thuật. Bạn có một cái xưởng, cái xưởng như một cái tổ, cho đứa con tinh
thần của bạn chào đời. Tận quy, người ta chỉ có thể sáng tạo khi đơn độc
là đúng. Dù đúng vài phần, đúng hoàn toàn (tùy theo đặc trưng của mỗi
công việc) nhưng chắc chắn là luôn luôn đúng. Những sự thể và con người
tương tác với bạn chỉ tạo cảm hứng cho bạn mà thôi, họ chưa bao giờ cùng
bạn tạo nên một cái gì đó. Thậm chí, nói một cách cực đoan, với một sản
phẩm hợp tác, vẫn có thể phân biệt rạch ròi, ai đã làm gì, phần gì
thuộc công ai. Bởi vậy, đừng bao giờ đánh đồng người đóng thế và diễn
viên chính, người soạn nhạc và người viết lời, người chuẩn bị nguyên
liệu và người nấu bếp, người lên ý tưởng và người thực thi. Tôi thấy, họ
không đáng để bị đánh đồng như thế. Mỗi người có một công riêng, có một
niềm tự hào riêng!
Tự dưng, tôi phát sợ
với những thứ được xem là CÓ VẺ HAY và những thứ GÂY CẢM HỨNG. Không có
đam mê là một điều đáng ngại. Có đam mê rồi, hiểu ra được theo đuổi đam
mê thực sự không dễ dàng không phải là chuyện đáng ngại nữa, mà có khi
phải là đáng sợ thì đúng hơn. Tôi không thích cam kết, bởi với tôi, cam
kết là một thứ mang tính lâu dài, tôi thì thường chẳng kiên trì nổi. Hơn
nữa, cam kết mang tính quy kết, mang tính khép, nó buộc chứ không đề
nghị con người ta tuân theo. Tạm thời, trong những lúc ít niềm vui với
cuộc đời thế này, nên tạm lánh những thứ nghe có vẻ hay và những thứ gây
cảm hứng kia đi. Dấn thân vào, và phát hiện ra sau cái mặt tiền đầy hoa
là ngôi nhà ma đáng sợ... Cũng chẳng đến mức đấy đâu! Có điều, tưởng bở
thực sự là một điều đáng sợ. Mặc kệ mọi can ngăn cũng là một sự nguy
hiểm. Đến một lúc nào đó, ta mới hiểu cái gọi là khó khăn ấy, thực sự
khó khăn đến mức nào. Đến một lúc nào đấy, ta phải chấp nhận sự thật
rằng, mình đang rơi, mình đang ở trong hõm tối, mình “đang chết ngắc”
thật rồi. Thật may mắn cho ai không phải trải qua những bế tắc ấy. Nhưng
bạn biết không, mọi thứ đều gây nghiện từ những bế tắc ấy. Nhà thám
hiểm, càng chịu nhiều thử thách, họ càng say mê. Doanh nhân giỏi thì say
mê với những phi vụ khó. Ngay cả những cô cậu học trò, càng giỏi, họ
càng ham mê với những bài toán khó, những vấn đề khó, hơn là thỏa lòng
với những con điểm 10 giản đơn. Hãy xem “Nhiệm vụ bất khả thi” và những
bộ phim hành động nhiều phần thì biết, có lần nào mà không sống dở chết
dở đâu, thế mà… chắc phải gọi là số phận nhỉ, hay cái chất nó đã ăn vào
máu, bị buộc nhảy vào cuộc hoặc đôi khi là họ không đành làm ngơ. Cũng
có thể nói rằng, thế mới có tiếp phim mà xem chứ! Ừ, cách nghĩ nào cũng
đúng cả!
Tôi lại một lần nữa
làm người cực đoan. Mọi người đều cổ vũ cho sự đa dạng, ăn uống đa dạng,
chơi bời đa dạng, du lịch khắp năm châu. Đời đủ hương đủ vị mới là đời,
sống phong phú nhiều mặt mới gọi là sống. Thế mà có khi nào, chính cái
sự phong phú và đa dạng ấy làm phiền chúng ta không? Nếu ai cũng vóc
dáng như ai, ai cũng tài năng như ai, ai cũng ăn mặc như ai, ta sẽ chẳng
bao giờ phải tốn thời gian đi ghen tị với người khác. Nếu ngày nào cũng
ăn, uống cùng một món, ta sẽ chẳng bao giờ đau đầu khi ra chợ, vào siêu
thị, hay đứng trước tủ lạnh nhà mình. Chỉ là đôi lúc thôi, sự đa dạng
làm chúng ta mệt mỏi. Hệt như cái cách sự nhàm chán khiến chúng ta than
phiền vậy. Vậy đấy! Càng ngày tính tôi càng khó ưa, khó chiều, khó sống,
miệng lưỡi lươn lẹo, đầu này nói được thì đầu kia cũng chẳng tha. Buồn
lòng! Hoặc không chừng, lại là dễ dãi hơn cũng nên? Tùy cách nghĩ.
Lựa chọn luôn là một
việc khó. Ngay cả việc lựa chọn nói có, lựa chọn một thái độ sống lạc
quan. Thật khó để mà nói: “Tôi làm được!”, thật khó để cười trước tình
cảnh khó khăn. Thật khó để khi đầu óc và chân tay bải hoải, ráng lao ra
khỏi giường bệnh, cười một cái thật tươi, và vận động cho tinh thần được
ít phần sảng khoái. Thật khó để dậy sớm, khó để vui tươi với mọi người,
khó để nhấm nháp một món ăn ngon, khó để khoác vào người một chiếc áo
đẹp. Đôi khi thế đấy, mọi điều tốt đẹp bày sẵn ra đấy… còn ta thì thấy
thật khó để đưa tay ra lấy. Việc khóa tay chặt khư khư trong túi áo nó
cũng mệt mỏi vậy? Hay tại quen rồi, tay cũng đến lúc muốn bại liệt rồi,
nên ta chẳng còn cảm giác mệt nữa? Chỉ cần một sự liều mạng để sống tiêu
cực, nhưng cần rất nhiều dũng cảm để sống tích cực. Tôi đọc một bài
viết trên mạng, về những cô gái mạnh mẽ. Và tôi cảm thấy như bản thân
đang chết yểu với cái đổ vỡ của sự mạnh mẽ ấy. Thật ra, không có gì buồn
hơn một thái độ sống bi quan!
Sau những giằng co
suy nghĩ, thì tôi đang dần cân bằng bản thân được rồi. Quá trình tìm
thấy sự cân bằng, đó chính là đi tìm một đối trọng vừa đủ với những điều
mình đang có. Nhất là với nỗi buồn, hãy đi tìm một đối trọng vui tương
đương. Đôi khi, cũng cả với sự vui (trường hợp của sự vui quá đà – hay
trần trụi hơn là cái gọi là thác loạn), ta lại cần tìm một nỗi buồn quá
đà tương đương. Tôi định hỏi bạn, rằng: “Bạn biết không?”, nhưng hình
như nó hơi quá tầm. Thế nên, tôi chỉ nói với tôi rằng, vấn đề không nằm ở
việc chấp nhận cái khó khăn trước mắt, mà là, chấp nhận sự thực rằng:
Cái khái niệm, cái tình huống khó khăn đấy, nó luôn tồn tại. Hoặc là
xuất hiện càng ngày càng dày đặc hơn, hoặc là với mức độ càng cao hơn.
Từ bỏ, chính là chấp nhận kết thúc. Kết thúc không đáng, thực sự là vô
cùng cay đắng. Trân trọng bản ngã là ngôn từ của kẻ cá nhân, còn tôn
trọng giá trị bản thân là ngôn từ của người sống khách quan… như nhau
vậy!
Kết: Tạm
hết chán đời! Bao giờ chán đời lại than thở tiếp. Cũng vui! Mỗi lần
than thở, lại được thêm một mớ triết lý! Ha ha. Nào bạn tôi, đã tươi lên
được tí nào chưa?
Và...
Tôi không ngợi
ca sự chữa lành thần thánh của việc viết lách. Đơn giản chỉ là... bạn
hãy làm gì đó, giúp bạn giải tỏa và trút bỏ hết nỗi lòng mà thôi. Hãy
thật thà trút bỏ, giãi bày... cho bằng HẾT.
P.S: Nhân tiện khoe
cái câu mới cập nhật trên cửa nhà. Tôi hết "Về miền đồng cỏ..." rồi. Bạn
thấy đấy, ảnh đại diện là ôm tim như muốn khóc, ảnh nền thì mặt lại
hứng mưa cười xòa. Đấy! "Tôi... vừa khóc vừa cười... như đồ dở người.
Triết lí sống cân bằng của tôi đấy!"
No comments:
Post a Comment