Wednesday, October 9, 2013

Ngày mai - còn đó yêu thương!

Tặng những người đã xa, nhưng vẫn còn đâu đây, trong trái tim người ở lại…!
Cái tin chú Năm mất làm tôi bàng hoàng suốt cả buổi tối nói chuyện điện thoại. Định mệnh con người, rốt cuộc mong manh đến thế? Tôi nhớ hình như lần cuối cùng lần gặp chú là cách đây khoảng vài năm. Nhưng trong ký ức của tôi, nụ cười hồn hậu đậm chất nông dân của chú vẫn còn y nguyên. Vì không nhìn thấy chú nằm bất động trên giường gần một tháng, nên tôi không tin được rằng người đàn ông cao lớn như chú lại có thể ra đi nhanh chóng đến vậy.
Nhưng sự thật thì đã thế.
Tôi bỗng nhận ra rằng, trong cuộc đời, có những cuộc gặp gỡ chính là lần gặp mặt cuối cùng…
***
Ngày trước, má tôi thường nói: “Sống thì lai lai láng láng, chết thì tính tháng tính ngày”. Ấy là khi ở quê có ai đó vừa qua đời, chúng tôi tính đến ngày “mở cửa mả”, “làm tuần 7 ngày”, “làm tuần 21 ngày”, “làm tuần 49 ngày”, “làm tuần 100 ngày”, “giáp năm” (tròn 1 năm), “giáp khó” (tròn 2 năm). Đó là những cột mốc đáng nhớ trước khi tiễn người đã khuất đi xa hơn trong miền ký ức của những người còn sống. Sau cái lễ giáp khó – mãn tang, mỗi năm, gần như ta chỉ còn nhớ đến họ vào ngày giỗ. Ta bị cuộc đời và những gánh nặng mưu sinh làm cho quên lãng. Nắm đất cuối cùng tiễn đưa người đi, kết thúc một cuộc đời dẫu vui dẫu buồn, dẫu lắm hạnh phúc hay nhiều đắng cay. Người chết – là hết, còn người sống, vẫn mệt nhoài với những lo toan…
Nhưng trong khoảng thời gian 2 năm ấy, ta phải vật lộn với những ký ức về người đã khuất. Ta phải làm quen với sự thật rằng con người vốn ở gần ta ấy giờ đã không còn và ta, thật sự là không còn cách nào để gặp mặt họ thêm một lần nào nữa trong đời. Sau đám tang, cái cảm giác nhìn đâu cũng thấy ký ức mới là điều khiến ta đau lòng nhất.
***
Cô bạn tôi, trở về thành phố sau đám tang người bà, gần như đêm nào cũng mơ thấy ngôi nhà cũ của bà. Cô nhớ cái thùng lúa bằng gỗ – nơi chứa những bữa xế là khoai lang, là mì gói, là đường bát và ti tỉ thứ khác mà bà dành cho cháu. Cô nhớ cây ổi bên cái giếng, mấy dây trầu leo trên mái nhà, mười mấy cây mít rải rác khắp vườn. Đối với cô ngày bé, đó thật sự là ngôi vườn cổ tích. Hôm đưa tang cho bà, mẹ cô xé những mảnh vải trắng ra sau vườn, bảo cho cây cối trong vườn để tang bà, cho chúng không đi theo bà. Cô nhìn theo mà ứa nước mắt. Ký ức của cô trong những ngày ấy đọng lại là hình ảnh bà ngồi trước hiên nhà, cho gà ăn và đợi những đứa con, đứa cháu đi xa trở về…
Cha của bạn tôi qua đời cách đây 13 năm, đột ngột đến độ khiến tất cả đều bàng hoàng. Bạn tôi khi ấy 15 tuổi, đêm hôm trước vẫn là cậu nhóc theo cha ra đồng bắt ếch, đến hôm sau, bỗng trở thành người đàn ông lớn nhất trong gia đình. Buổi chiều định mệnh đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời bạn, theo cái cách chẳng ai mong muốn. Cậu lớn dần lên theo những quyết định đôi khi vượt khả năng của mình. Ngày biết tin em trai mình hư hỏng, cậu mang rượu ra mộ cha, uống và khóc một mình ở đó. 13 năm nay, ngày cuối năm nào cậu cũng dành cả buổi chiều để trò chuyện với cha, bởi dường như chỉ có khi ấy, cậu mới lại thấy mình được rũ bỏ mọi gánh nặng, lại được bé bỏng trước cha.
Tôi từng đọc câu chuyện về cuộc sống của một người con sau khi cha cô mất. Cô đi qua ngày sinh nhật cha, ngày sinh nhật cô, lễ giáng sinh, năm mới trong nỗi cô đơn đến thắt lòng. Nhưng đến “Ngày của cha”, cô mang theo một bó hoa, đến trước mộ cha, mở bài hát cha cô thích nhất và nhảy điệu nhảy quen thuộc của hai cha con ngày trước. Cô ngồi lại rất lâu, tâm sự với cha về những cơn khủng hoảng của mình và sau đó, quyết định sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, như cách cha đã hy vọng ở cô.

***
Mỗi người có một cách khác nhau để đi qua những nỗi đau lớn nhỏ mà mình gặp phải trong đời. Có những cuộc gặp gỡ trở thành lần gặp nhau cuối cùng. Có những buổi chia tay trở thành cuộc chia ly vinh viễn. Người ta bảo đó là định mệnh. Ai biết được mình sẽ ở trong trong vòng quay đôi khi rất khắc nghiệt ấy. Vậy nên, hãy biết ơn khi ngày mai, cuộc đời còn cho chúng ta được yêu thương và mỉm cười cùng nhau…!

No comments:

Post a Comment