Tuesday, October 15, 2013

TIỀN

 Tiền không mua được tất cả, nhưng…
 Đằng sau chữ nhưng là vô vàn những khẳng định về giá trị của đồng tiền. Tiền- Một đề tài muôn thưở…Một thứ vô tri vô giác nhưng có thể định đoạt được cả một tương lai, một thành công và thậm chí cả một mạng sống…
 Từ khi còn trong bụng Mẹ, Tiền đã có tác động đến sự phát triển của một bào thai. Một bà Mẹ có tiền sẽ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hơn và thai nhi phát triển tốt hơn. Ngay cả lúc sinh cũng vậy, lựa chọn bệnh viện để cho quý tử chào đời cũng được đặt lên hàng đầu. Và ta lại nhắc đến ...Tiền.
  Rồi đứa bé lớn lên, ngoài tình yêu thương của cha mẹ nó lại cần tiền để mua sách vở, để đóng học phí, để có quần áo đẹp. Học càng lên cao tiền càng nhiều. 12 năm học của nó tính toán xem tốn biết bao nhiêu tiền? Học chính, học  phụ đạo, học thêm, học chứng chỉ, học các môn năng khiếu…Ôi tiền không đấy! Bởi vậy đừng trách nếu một anh chàng nhà quê nghèo khó không biết đến một nốt nhạc hoặc một dụng cụ âm nhạc hay một môn năng khiếu nào nhé!
 Tiền tác động ghê gớm đến học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với một học sinh rơi vào hoàn cảnh bi đát : Nhà có 10 anh chị em, mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia đình hộ nghèo… thì việc bỏ học là vô cùng hợp lý vì không có tiền thì ai mà cho học? Hoặc cứ cho là miễn giảm học phí cho nó thì nó sẽ sống bằng cái gì nếu không tự đi kiếm tiền nuôi thân? Gắng gượng chút thì hết năm lớp 9, lăn lội  thì hết năm 12…và ngưỡng cửa Đại học là một ước mơ xa vời cho các học sinh “không có tiền bẩm sinh”.
 Rồi nó lớn lên, nhà nghèo thì nhẹ dạ vì nó đã biết “tự kiếm ăn nuôi thân”, nó có thể  bươn trải để qua quãng đời sinh viên, nhà ai có điều kiện thì thường xuyên “chấn lột” tiền bố mẹ. Tiền lại khiến chúng nó mất ăn mất ngủ. Lo không có tiền ăn, tiền điện, tiền nước , tiền phòng trọ, tiền “Tình yêu”,tiền tùm lum tùm la…
  Còn những ai kém may mắn hơn khi phải thôi học sớm thì lại lo cho việc ...cưới xin. Nhắc đến đám cưới thì ta lại phải thét lên :" Tiền". Khi có tiền thì làm linh đình, rình rang..nở mày nở mặt, còn “nghèo rớt mồng tơi” thì làm đại khái thế thôi. Và ta lại ngân nga câu hát: “Một túp lều tranh, hai quả tim vàng”… Vấn đề là dạo này hay có cơn mưa đá nên số phận của túp lều tranh kia mới thật mong manh làm sao! Ôi Tiền!
  Ra trường rồi như trút được một ghánh nặng khổng lồ , nhưng chưa vui được bao lâu thì phải loay hoay đi kiếm việc làm, người ta lại nhâm nhi  mấy từ“ nhất Cha, nhì Tiền,tam Bằng” . Ý là: Nhất phải  là “con ông cháu cha”, nhì  là phải có Tiền… Thứ 3 mới tới cái bằng…Ồ là lá…chữ Tiền mới danh giá làm sao!
  Rồi  muốn học lên cao, lên cao, lên cao…từ từ thôi, phải đợi có Tiền mới lên cao được chứ! Thi tuyển cũng phải đóng tiền mà!
  Rồi người có tiền lại sinh ra những thế hệ có tiền, người nghèo lại tiếp tục vòng luẩn quẩn : Nghèo nên không có tiền, không có tiền nên nghỉ học sớm hoặc mù chữ, mù chữ nên không biết cách kiếm tiền, không biết cách kiếm tiền lại…nghèo.
  Đã thế càng ngày Tiền càng mất giá khiến người ta chao đảo. Sinh viên thì vốn đã nghèo nay tiền mua mì tôm, tiền đổ xăng tăng cao làm cho cái bụng luôn trong tình trạng đói. Còn Bác Nông dân thì tiền thu hoạch có khi không đủ trả tiền vốn , phân bón, giống. Gặp hạn hán mất mùa là “tái nghèo” như chơi…

  Có tiền thì ăn đồ ngon, không có tiền thì ăn  qua loa cho qua ngày…lâu lâu bị ngộ độc thức ăn do tiếc thức ăn bị ôi thiu…mà vứt đi thì đồng nghĩa là vứt tiền. Ai mà chẳng thích đồ rẻ…từ đồ ăn , quần áo, mọi thứ  phải siêu rẻ hoặc hạ giá mới mua…cái này lý giả vì sao “đã nghèo mà còn xấu rồi còn hay bệnh tật”.
 Rồi khi chết người ta lại rải Tiền. Chơi ngông thì rải cả tiền thật...Rải xong tiền người ta lại xây cái Mộ, có tiền thì xây Mộ nguy nga...thậm chí  xây mộ cho cả con chó vì nó "nỡ sinh ra" trong gia đình danh giá. Còn người không có tiền thì làm một cái ụ đất là xong...Thế là hết một kiếp đời với Tiền đeo bám đến cả khi đi về thế giới bên kia. Ma đói hay ma no ...đều có  sự tham gia  của chữ Tiền...
 Ôi…buồn vui chữ “TIỀN”

No comments:

Post a Comment