Sáu phòng thang máy ầm ì mở cửa.
Hai mươi hai tầng lầu. Sức chứa 50 người cho một tầng.
Một ngàn nhân viên văn phòng ùa ra trong nắng trưa.
Một ngàn người vội vã tràn ra mặt đường, áo chemise thơm mùi nước hoa lẫn mùi nước xịt phòng, hít lấy hít để khí trời lộng lẫy.
Vậy mà anh vẫn nhận ra em giữa một ngàn người.
Em. Lơ ngơ. Lặng lẽ. Tay ôm khư khư chậu hoa cúc vàng. Những bông hoa
hắt màu nắng rực rỡ. Lên áo em. Lên mắt. Như em đang ôm một mặt trời
khác!
"Hoa cúc vàng" là tên bộ phim truyền hình của Hàn Quốc đầu tiên em đã xem.
Đầu những năm 90, trào lưu bệnh "ung thư", "máu trắng" và nước mắt chưa
tràn ngập phim Hàn. Diễn viên chính không giống như những cô nàng Dolly
búp bê giải phẫu thẩm mỹ như bây giờ.
Dạo
đó em chỉ thích phim của đạo diễn Kim Ki Duk, em chẳng bao giờ xem một
cuốn phim Hàn Quốc nào khác. Vì em hay lơ ngơ. Em thích che giấu cảm
xúc. Nhiều khi lơ ngơ vì không hiểu sao người ta dể khóc dễ cười, dễ
yêu, dễ ghét và dễ dàng trút bỏ cảm xúc vào nhau một cách ồn ào như trên
phim.
Nhưng "Hoa cúc vàng" ít lời thoại, những khung hình đẹp và lặng lẽ. Như
tranh vẽ. Lặng lẽ từ cô gái đóng vai chính, nhợt nhạt, xanh xao, khuôn
mặt lặng ngắt, nhưng đôi mắt xa vắng mênh mang như nhìn ra từ một bức
tranh. Lặng lẽ như những châu hoa cúc vàng, dịu dàng vì không lời.
Màu hoa cúc vàng mỏng manh, cô gái với đôi mắt u trầm xa vắng và mảng
trời xanh trong vắt, đó là những gì em còn giữ lại sau bộ phim. Ngọt
ngào, nhẹ nhàng như viên kẹo chanh ngậm hoài trong miệng, không nỡ tan.
Viên kẹo chanh thứ hai đến vào năm 2006, cô nàng họa sĩ đường phố của
Amsterdam trong bộ phim "daisy", yêu hoa cúc dại và đang ở độ tuổi 25.
Những chậu hoa cúc dại nhụy vàng cánh trắng li ti được gửi đến cho cô
họa sĩ mỗi ngày từ một người đàn ông giấu mặt. Những bông hoa cánh vàng
quấn quýt theo cô họa sĩ khắp mọi nẻo đường cô đi qua, trời nắng như mặt
trời nhỏ trên tay. Trời mưa, cô gái đứng trú mưa trước mái hiên nhà,
những giọt mưa đọng trên cánh hoa. Sắc vàng ủ rũ cả cầu vồng. Sắc vàng
cháy lên như đốm lửa nhỏ trong màn mưa mờ đục...
Nhiều người bạn nghe em kể lại đã phán ngay, đạo diễn thật dở hơi, thời
buổi này làm gì còn thấy một người, ôm những chậu hoa đi lang thang
trên phố!
Con người của thế kỷ 21, như tự nhốt vào tháp Babel, hỗn loạn hàng ngàn
ngôn ngữ, đã đánh lạc mất khả năng lắng nghe và hiểu biết sự "vô ngôn"
của những ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ của hình ảnh, của màu sắc. Ngôn
ngữ của điện ảnh. Ngôn ngữ của những ẩn dụ.
Sắc hoa vàng luẩn quẩn bên hai cô gái, chỉ là ẩn dụ của thương nhớ.
Nhớ thương như đứa trẻ lưu giữ trong ký ức sắc màu lung linh của những mùa Thu vàng úa cũ "Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc" (Thanh Tịnh). Nhớ thương như người yêu nhau tương tư hoài một thủa "làm thơ yêu em, trời mưa chưa ướt áo, hoa cúc vàng chân thềm, gió mưa lưng bờ dậu" (TDT). Nhớ thương giữa gió mùa heo may. Mùa xuyến xao thiếu nữ theo chồng, khi người yêu nhau gọi nhau rưng rưng "Cảm ơn em, em từ miền cát gió, Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng" (LQV). Nhớ thương luyến lưu một vạt áo vàng góc sân trường "áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc". Và
chỉ những con đường dốc bụi đỏ quanh co dát một màu hoa vàng dã quỳ rực
rỡ thôi đã đủ níu kéo chân người quay trở lại với cao nguyên.
Nhớ thương trong em tràn ngập sắc vàng, có khi mênh mang, có khi say
đắm, có khi ủ rũ, có lúc mơ màng. Nỗi nhớ cũng nhờ sắc vàng mà thêm huy
hoàng. Sắc vàng trong nỗi nhớ càng da diết, càng nồng nàn.
Và khi đang yêu, từng hơi em thở, từng lời em nói, từng suy nghĩ thoáng
qua, cũng day dứt một màu hoa vàng. Như em đang đắm chìm trong một biển
hoa vàng thương nhớ.
Thì hình tượng cô gái nhỏ đi đâu cũng quấn quýt với bụi hoa cúc vàng
trở thành biểu tượng hiển nhiên của những người đang yêu và đang triền
miên trong thương nhớ.
Anh à, anh biết không, nhà em có bụi hoa vàng trước ngõ. Mùa này đang ra hoa rực rỡ.
No comments:
Post a Comment