Monday, November 4, 2013

Chiếc gùi đong đưa...

Em, anh sẽ không bắt đầu câu chuyện kể sáng nay bằng những nhớ thương thường nhật luôn ngự trị trong lòng. Anh cũng không bắt đầu câu chuyện bằng sự đổi thay của nắng, của gió vào những ngày thu đông làm anh mệt mỏi! Chuyện anh kể em nghe thật ra chỉ là một chút lan man suy nghĩ của anh khi bất chợt trên đường công tác anh nhìn thấy hình ảnh chiếc gùi trên tấm lưng cong của những người phụ nữ miền sơn cước...
Hẳn em không quên tản văn “Cả sơn nguyên trên một chiếc gùi” của nhà báo Nguyễn Hàng Tình? Tản văn ấy không chỉ làm anh, làm em rung động sâu sắc trước cái nhìn tinh tế của tác giả về trời mây Dalat, về nếp sinh hoạt của người dân nơi xứ sở ngàn thông quê em... mà còn làm cả hai ta phải suy nghĩ rất lâu về hình ảnh những người phụ nữ từ trẻ đến già suốt một đời lầm lụi, miệt mài gánh trên vai cả một miền sơn khê. Tất nhiên “gánh trên vai” chỉ là cách nói ví von, nhiều ẩn dụ nhưng quả tình hình ảnh chiếc gùi trên những vai gầy còn đọng mãi trong anh và khiến anh vương mang tìm kiếm...
Sáng nay, khi cho xe chạy về hướng thảo nguyên M’drak mênh mông nắng gió, anh đã sững người gặp lại những tốp phụ nữ già có, trẻ có, trẻ em cũng có nhưng đa phần gầy guộc, nước da xạm màu, nhiều người còn đi bằng đôi chân trần nứt khô tóe máu trên con đường gập ghềnh, nhiều bụi đỏ... Họ đi ngược hướng núi, em ạ, cùng với chiếc gùi trên vai là những rau, những sắn... hay những thứ sản vật nào đấy có thể do họ trồng cấy hay hái lượm được... Nhưng, điều làm anh nhìn theo họ đến hút tầm mắt không phải là ở dáng vẻ hiền lành nhẫn nại, cần cù chịu khó mà chính là cái cách họ đi. Từng người, từng người bước qua, ngăn nắp và đều đặn, thẳng tắp và ngay hàng, lặng im và bền bỉ, không một lần ngẩng lên hay quay đầu nhìn lại... trước mắt họ hình như chỉ có một con đường mà họ biết chắc sẽ đưa chân họ tiến dần vào vùng đô thị được bao phủ bởi ánh đèn phù hoa, áo quần giăng mắc và bê tông cốt thép choáng ngữ tầm nhìn...
Nhưng đừng nghĩ họ đang bị phố phường “lôi kéo”. Đơn giản đó chỉ là một hành trình đi về giữa núi rừng và đồng bằng, vậy thôi. Cứ nhìn những đôi tay chai sần, búi tóc héo khô, nét mặt chưa bao giờ thấy ưu tư, sầu muộn nhưng cũng hiếm hoi mới nở nụ cười dễ làm ta nhầm tưởng họ đang chịu đựng cái khó, cái nghèo. Nhưng khi nhìn thật sâu vào mắt họ mới thấy tất cả họ đều có chung một ánh mắt đen nhức, thẳng ngay, quyết liệt để thay trả lời rằng với họ, phố phường chỉ là nơi đánh đổi đôi món gạo thuốc chăn màn, còn đại ngàn mới thực sự là miền đất sống. Sống từ hơi thở dồn lên trong lồng ngực khi đưa tay giữ núm cồng chiêng, sống cho đến những bước chân thình thịch đi suốt thời thanh nữ... Anh tin dù những gót chân kia dẫu có vào phố thị bao lâu thì chỉ khi trở về trên những sườn dốc trong mùa bão rớt trượt trơn hay nơi thung sâu hun hút gió... chúng mới lại in hằn lên đất với cái dáng tròn tròn chắc nịch, vẹn nguyên và chung thủy muôn đời.
Em ạ, anh biết, dù anh có cảm thông với họ hay cố “nhìn về phía họ” thật lâu thì có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ, hoặc còn lâu - rất lâu - mới hiểu hết tâm tư của những người phụ nữ đi suốt chiều dài cuộc đời với chiếc gùi trên vai và bụi đỏ lấm lem chân đất; nhưng anh cho rằng sẽ không thể có cái ngày họ đổi chiếc gùi nặng trịch, lên nước bóng nhoáng để đổi lấy những cái giỏ Trung Quốc vàng xanh lòe loẹt như bài báo nào đó đã viết về họ, dù cho sức ảnh hưởng của đô thị hóa là thật và vòng xoáy kinh tế thị trường có tàn nhẫn phá hoại những giá trị tinh thần của họ đến đâu đi nữa. Đành rằng cái gì rồi cũng có thể được thay thế, nhưng chiếc gùi là vật linh thiêng bao đời cùng họ gánh cả một cuộc mưu sinh cơ cực; gánh cả một niềm vui lao động chân chính và theo họ đổ bóng lên những triền đồi hay thung lũng quanh co...
Sáng nay, ngồi trên chiếc xe êm ru mát lạnh đều đều lăn bánh, thi thoảng có xóc lên tí chút vì những ổ voi, ổ gà nhưng cũng đủ làm vài người ngồi xung quanh cau mày nhăn mặt... Tự dưng anh nghĩ nhiều đến họ, đến em, đến những giọt mồ hôi mặn mòi âm thầm rơi xuống để mỗi ngày đi qua, hơi ấm gia đình sẽ được lưu giữ cùng những bình an... Nghĩ nhiều hơn bao giờ hết. Và, anh cũng thấy xấu hổ thay khi nhìn lại những đôi bàn chân “trót” tinh tươm, thơm sạch bởi suốt đời chỉ muốn lựa chọn cách đặt chân lên mặt thảm dầu mềm mịn như nhung...

No comments:

Post a Comment